Lần đầu tiên, một bác sĩ Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vinh danh là một trong 3 người phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong việc ngăn cản bệnh lao lây lan trong cộng đồng. Đó là TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Lan (ảnh), Trưởng khoa Vi sinh – BV Phạm Ngọc Thạch.

 
 

TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Lan

Thử thách

Vào bệnh viện lao phải nín thở, đeo khẩu trang nhưng gian phòng làm việc nhỏ nhắn của BS xét nghiệm Ngọc Lan lại là thế giới khác với đàn nhạc, thơ và hoa. Những quyển tài liệu nghiên cứu dày cộm nằm im bên cây đàn organ; sự nghiêm khắc, chuẩn mực của một chuyên gia xét nghiệm dường như đã được chị để lại trong phòng thí nghiệm.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một nữ bác sĩ với tâm hồn lãng mạn, phong cách rất nghệ sĩ. Có lẽ do mang tên của loài hoa Ngọc Lan luôn nép mình trong những phiến lá, nhưng hương thơm luôn ngào ngạt nên chị đã chọn công việc xét nghiệm thầm lặng.

“Ước mơ trở thành một bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa giỏi, được giống như cha là một giáo sư y khoa. Tài năng của mình sẽ được khẳng định bằng chính sự khỏe lên từng ngày của bệnh nhân và đấy cũng chính là niềm vui, điều quý giá nhất đối với người chọn nghề y làm nghiệp”, chị bắt đầu câu chuyện bằng một giọng Huế nhẹ nhàng.

Mọi dự tính của chị đã thay đổi khi được cử theo học ngành vệ sinh dịch tễ ở Liên Xô (cũ). Sau khi tốt nghiệp, nữ bác sĩ 25 tuổi tình nguyện “giam mình” trong phòng xét nghiệm của Viện Pasteur, gắn bó với vi khuẩn, kính hiển vi mà không một đòi hỏi, toan tính.

Thầm lặng làm công việc không được hấp dẫn lắm đối với những người trẻ tuổi một khoảng thời gian dài, khi chương trình phòng chống lao của TPHCM được chú trọng phát triển, BS Ngọc Lan được cử sang Pháp học chuyên ngành vi trùng lao. Lúc ấy, cả TP chỉ có 4 phòng xét nghiệm ngoại vi về lao, nhưng chủ yếu chụp X-quang tầm soát vi trùng lao nên hiệu quả không cao.

“Vất vả ở xứ người không thấm vào đâu so với việc phải xa đứa con đầu chưa đầy 7 tuổi. Mọi việc nhà, việc công đều phải gác qua một bên. Cũng may, ông xã, gia đình và đồng nghiệp luôn hỗ trợ, gánh hết phần việc để mình yên tâm nghiên cứu”, chị nhớ lại.

Trong suốt quá trình theo học tại Pháp, chị đắm mình trong các phòng thí nghiệm của viện nghiên cứu từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi buổi trưa chỉ nghỉ ngơi, ăn uống chừng vài mươi phút rồi lại quay vào với những chú chuột bạch. Một lần, do quá mệt chị đã lỡ tay tiêm vi khuẩn lao thử trên chuột vào tay mình nên bị áp-xe lao. Thế nhưng, chị kiên quyết tiếp tục ở lại một mình điều trị và nghiên cứu.

“Ngày nào vào phòng thí nghiệm tôi cũng cồn cào ruột gan vì thuốc. Ít ai nghĩ người phụ nữ vốn đa cảm, yếu đuối lại đủ sức vượt qua khoảng thời gian đó nhưng tôi đã làm được”, chị tâm sự.

Về nước, BS Ngọc Lan công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tuyến cuối về điều trị lao trong điều kiện thiếu thốn. Dụng cụ cơ bản nhất trong xét nghiệm là kính hiển vi cũng thiếu, phải tận dụng những bộ phận còn dùng được vào ráp nối sử dụng. Chị và đồng nghiệp phải gầy dựng lại cơ sở xét nghiệm đạt chất lượng, tận dụng các mối quan hệ với giới y khoa quốc tế để được hỗ trợ…

Chị đã tham gia nhiều chuyến công tác dài ngày, đến những vùng heo hút, bệnh tật. Ngồi trên xe, không ít lần chị đã rơi lệ, vì vất vả, áp lực nhiều nhưng ít người hiểu và thông cảm. Chị buồn vì luôn phải xa con và gia đình, luôn cảm thấy áy náy bởi không chăm sóc được cho gia đình nên nhiều lúc yếu lòng muốn bỏ việc.

Nhưng khi về đến nơi, nhìn thấy đồng nghiệp, công việc và những bệnh nhân đang đau đớn chờ đợi tự dưng những nỗi niềm riêng cũng bay biến và chị lại lao vào công việc...

Đổi mới cuộc chiến chống lao

Theo BS Ngọc Lan, các phương pháp xét nghiệm cũ không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Nhiều bệnh nhân nhiễm lao nhưng lượng vi trùng còn ít, rất khó để định bệnh, điều trị sớm. Nhận ra vấn đề quan trọng nhất trong điều trị lao nằm ở khâu định bệnh và xét nghiệm vi sinh, chị cùng các đồng nghiệp xây dựng một trung tâm đa chức năng xét nghiệm - nghiên cứu - giảng dạy được quốc tế biết đến, cũng như tạo nên mạng lưới các phòng xét nghiệm lao cho toàn miền Nam đến tận các tuyến quận, huyện.

Năm 2006, WHO thành lập Tổ chức Sinh phẩm chẩn đoán lao mới nhằm tìm ra các sinh phẩm xét nghiệm cho kết quả nhanh, chính xác và giá thành rẻ. Các hãng dược nổi tiếng trên thế giới thi nhau sản xuất nhiều sinh phẩm chẩn đoán lao mới.

Nhưng để sử dụng phải qua kiểm chứng lâm sàng và phòng xét nghiệm vi sinh của BV Phạm Ngọc Thạch đã thành công và nhanh chóng áp dụng đầu tiên trong cả nước. BS Ngọc Lan lại nghiên cứu thành công phương pháp chẩn đoán bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Với phương pháp mới, thời gian định bệnh chỉ mất 1 - 2 ngày, thay vì phải mất 4 - 5 tháng như trước đây.

Hơn 20 năm “ẩn mình” trong phòng xét nghiệm, BS Ngọc Lan đã cống hiến hàng chục công trình khoa học cho giới y học trong và ngoài nước. Hàng ngày phải tiếp xúc với những sinh phẩm, lọ đàm khiến nhiều người ghê tởm nhưng lại thiệt thòi vì ít được công nhận. Chính vì vậy, nghề xét nghiệm ít được các bạn trẻ chọn lựa.

“Chúng tôi chưa có dịp đề cử BS Lan nhưng WHO đã công nhận những đóng góp của cô cho chương trình phòng chống lao trong nước và quốc tế”, Th.S-BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch phấn khởi cho biết.

Với chị, những đóng góp đó không phải tự một mình có được. “Phụ nữ thường đa cảm hơn nam giới. Tôi cũng vậy, luôn cần một điểm tựa bền vững. Sự thông cảm và ủng hộ của gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho tôi. Ngoài ra, những đồng nghiệp ở bệnh viện đã góp phần không nhỏ trong những nghiên cứu, ứng dụng mới để đưa chương trình chống lao của VN thành chương trình điểm. Không ai có thể nghiên cứu một mình”, chị Lan chia sẻ.

Mối trăn trở lớn nhất của chị hiện nay là thiếu người xét nghiệm. Khoa Vi sinh có 53 người, vỏn vẹn 4 bác sĩ nên công việc luôn quá tải. Mỗi ngày, khoa xét nghiệm chừng 700 mẫu, con số “khủng” với các chuyên gia quốc tế. Nhiều năm liên tục bệnh viện không tuyển được bác sĩ xét nghiệm vi sinh. Kỹ thuật xét nghiệm ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có người có trình độ cao để quản lý, vấn đề lớn nhất là phải đào tạo đội ngũ kế tục.

Vốn là cô sinh viên luôn rùng mình bỏ trốn hoặc chỉ đứng thật xa nhìn những bệnh nhân lao, nhưng khi đã bước vào nghề, lòng đam mê công việc đã giúp chị gắn bó với bệnh nhân lao suốt bao năm qua. Giờ đây, chị trở thành một trong 3 “Người phụ nữ đổi mới cuộc chiến chống bệnh lao” của thế giới.

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại ước mơ trở thành một bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa không thành chị lại tủm tỉm cười. “Có lẽ trở thành bác sĩ xét nghiệm là cái duyên và cũng là cái nghiệp gắn bó với mình suốt cuộc đời”, chị bộc bạch.

 

                                                                                        Theo SGGP

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục