Trước tình trạng người bệnh mắc viêm gan B được phát hiện ngày một nhiều, đặc biệt trong số đó không ít người đã bị biến chứng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan... Ngày 29/8/2010, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân viêm gan B nhằm giúp người bệnh có được những kiến thức tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh có hiệu quả. Đây là câu lạc bộ đầu tiên ở miền Bắc dành cho bệnh nhân viêm gan B. Phóng viên (PV) chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Ngọc Ánh - Phó trưởng Khoa Nội của bệnh viện về hoạt động này.

 TS. Trần Ngọc Ánh.

PV: Thưa TS, bệnh viêm gan B mạn tính tàn phá sức khỏe của người bệnh như thế nào?

TS. Trần Ngọc Ánh: Viêm gan B mạn tính là bệnh gan do virut viêm gan gây ra. Phần lớn những người mắc virut viêm gan B (HBV) không có triệu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có thể cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn, đau vùng dưới sườn phải, nước tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da... Những người nhiễm HBV đều có nguy cơ biến thành viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong. Sự lây truyền xảy ra theo các con đường truyền máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tất cả mọi người có xét nghiệm HbsAg dương tính đều có khả năng lây truyền bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao là tiêm chích ma tuý, phải truyền máu nhiều lần, người có quan hệ tình dục không an toàn và trẻ sinh ra từ những phụ nữ có HBV. Những trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV rất dễ bị viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát và có tuổi thọ ngắn ngủi. Người ta ước tính có khoảng 15 - 20% số người nhiễm HBV sẽ chết sớm vì xơ gan hoặc ung thư gan. HBV còn là nguyên nhân gây nên 80% các trường hợp ung thư gan trên thế giới.

PV: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là nơi đầu tiên tại miền Bắc thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân viêm gan B. Đâu là lý do khiến bệnh viện thành lập Câu lạc bộ cho những bệnh nhân này?

TS. Trần Ngọc Ánh: Theo những nghiên cứu điều tra mới nhất thì hiện nay, tỷ lệ dịch tễ nhiễm virut HBV ở nước ta rất cao, khoảng trên 8% dân số, thậm chí còn cao hơn và được xếp vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới. Trong số đó có tới 40% người bệnh đã bị biến chứng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan... Ngày càng nhiều người bệnh được phát hiện, nhưng thường đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.

Khi viêm gan B đã có biến chứng thì điều trị rất khó khăn, thời gian theo dõi và điều trị bệnh ít nhất là 1 năm, chi phí tốn kém (khoảng 100 triệu đồng) nhưng hiệu quả điều trị lại không cao, đặc biệt với những người đã xơ gan nặng, ung thư gan.

Điều đáng nói là nhiều người khi phát hiện nhiễm virut viêm gan B thường rơi vào tình trạng stress, bi quan, thậm chí trầm cảm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Trong số đó có những người giấu bệnh, không đi khám, không theo dõi nên không được tư vấn phải chung sống với bệnh như thế nào.

Trước những thực tế trên, từ lâu, những người thầy thuốc nói chung cũng như tôi thấy rất cần thiết phải có Câu lạc bộ dành cho những bệnh nhân viêm gan B. Và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện đầu tiên ở khu vực phía Bắc đã tổ chức được hoạt động này.

PV: Xin TS cho biết chương trình tổ chức hoạt động và mục đích của Câu lạc bộ như thế nào?

TS. Trần Ngọc Ánh: Chúng tôi tổ chức hoạt động này nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về các phương tiện chẩn đoán bệnh, các yếu tố nguy cơ của bệnh, sự nguy hiểm của biến chứng xơ gan, ung thư gan, tiêu chuẩn điều trị bệnh, thuốc điều trị bệnh viêm gan virut B, các yếu tố tiên lượng cho kết quả điều trị, nguy cơ kháng thuốc... Đây là những kiến thức quan trọng đối với người bệnh để hợp tác chặt chẽ hơn với bác sĩ trong quá trình điều trị. Đối với những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sẽ có hồ sơ quản lý theo dõi trong vòng 5 năm.

Thực tế rất nhiều người dương tính với virut viêm gan B không biết mình đã phải điều trị hay chưa, phải điều trị và tại sao lại phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Họ cần phải theo dõi bệnh như thế nào, có phải kiêng khem gì không?... Chúng tôi sẽ giải đáp tất cả mọi câu hỏi thắc mắc của người bệnh.

Hoạt động trong câu lạc bộ không chỉ giúp người bệnh bảo vệ mình trước những nguy cơ của bệnh viêm gan B mà còn có kiến thức phòng bệnh cho người thân và cộng đồng. Câu lạc bộ viêm gan B của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ban đầu hoạt động 3 tháng/lần, sau đó là 1 tháng/lần. Ưu tiên 150 bệnh nhân đầu tiên sẽ được khám và làm xét nghiệm (HbsAg, HbsAb) miễn phí.

 Tiêm chủng vaccin phối hợp cho trẻ em. Ảnh: PV

PV: Bệnh viêm gan B hiện đã có những biện pháp điều trị nào? Thuốc Nam có thể chữa khỏi được bệnh hay không?

TS. Trần Ngọc Ánh: Các biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là làm giảm bớt số lượng virut có trong máu của bệnh nhân, từ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm xơ gan, ung thư gan ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.

Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh (dạng tiêm và uống). Tuy nhiên, mọi chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân phải được bác sĩ đưa ra, vì thế bệnh nhân cần được khám và theo dõi định kỳ. Chữa trị viêm gan B là quá trình rất khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ lâu dài giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Cho đến nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào công bố về hiệu quả của thuốc Nam đối với bệnh viêm gan B.

PV:Hiện nay tất cả trẻ em được tiêm vaccin phòng bệnh viêm gan B, với vai trò là một bác sĩ điều trị, TS có thể giải thích cho cộng đồng hiểu được hiệu quả của biện pháp phòng ngừa này?

TS. Trần Ngọc Ánh: Sự ra đời của vaccin viêm gan B thật sự là một cứu cánh cho căn bệnh nguy hiểm này, không có biện pháp phòng bệnh nào tốt hơn là tiêm phòng vaccin viêm gan B. Tại Việt Nam, việc đưa vaccin viêm gan B vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ là việc làm thật sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp thiết đối với căn bệnh này. Trên thế giới, từ năm 1977 người ta đã khuyến cáo cần phải đưa vaccin viêm gan B vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em sơ sinh, những cư dân sống ở những vùng có tỷ lệ mắc bệnh cao cũng cần thiết được tiêm phòng bệnh. Khi được bảo vệ bằng vaccin, trẻ em sinh ra từ những người mẹ có HBsAg cũng sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm từ mẹ. Ở nước ta, viêm gan B lây chủ yếu từ người mẹ mang virut truyền cho con trong quá trình sinh nở, chính vì vậy, tiêm phòng vaccin viêm gan B cho trẻ ngay từ khi sinh ra là một việc làm cực kỳ cần thiết.

                                                                                 Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục