Những năm gần đây, cholesterol cao bị liệt vào nguy cơ chính gây bệnh tim mạch - căn bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới, qua mặt cả ung thư và AIDS. Công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy gần 45% cư dân thành thị có mức cholesterol cao không ít người giật mình...

Báo động tình trạng cholesterol cao

Trước nay, nhiều người khi nhắc tới cholesterol cao thì vô tư cho rằng đó là bệnh của người phương Tây do thường dùng thức ăn béo, hay có chăng cũng chỉ rơi vào những người ngoài 60 tuổi. Song sự thực đã không còn như vậy.

Trong hội thảo “Tình trạng cholesterol cao ở người Việt Nam và giải pháp dự phòng” do Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức gần đây, PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố cuộc khảo sát về tình trạng cholesterol cao ở người trưởng thành Việt Nam. Khảo sát được thực hiện trong ba năm (2007-2010) ở cả thành thị, nông thôn, vùng núi và vùng duyên hải. Theo đó, bình quân tỷ lệ người Việt Nam nói chung có lượng cholesterol cao là 29,1%, riêng ở khu vực thành thị tỷ lệ này lên tới 44,3%. Xem ra, nỗi lo cholesterol cao không còn là chuyện của trời Tây hay người có tuổi nữa: giờ đây nó là vấn đề đáng báo động của bất cứ người trưởng thành nào.

Vì sao đáng báo động?

Hầu hết lượng cholesterol trong cơ thể (70-80%) là do gan tự sản xuất, cho nên thực phẩm chúng ta ăn vào nên giới hạn trong khoảng 20% còn lại để không gây dư thừa. Thế nhưng, với lượng thức ăn nhiều dầu mỡ và chất đạm, mỗi ngày chúng ta lại nạp thêm một lượng lớn cholesterol. Điều đó giải thích tại sao rất hiếm người thiếu cholesterol mà thông thường chỉ có người đủ hoặc thừa cholesterol. Lượng cholesterol cao hơn ngưỡng an toàn sẽ gây ra tác dụng ngược, đặc biệt là nếu thừa cholesterol LDL-C (còn gọi là cholesterol xấu).

Nếu ta nạp cholesterol nhiều qua đường ăn uống khiến cơ thể không “xài” hết, chất này sẽ nằm trong máu, rồi… vạ vật bám vào thành động mạch. Khi cholesterol tích tụ theo thời gian, đến một lúc nào đó “mạng xa lộ” dẫn máu từ tim đi khắp các bộ phận của cơ thể sẽ hẹp dần lại. Thành động mạch mất tính đàn hồi dẫn đến chứng xơ cứng động mạch. Một khi lớp cholesterol bám trên thành động mạch vỡ ra sẽ gây “nghẽn đường”, tê liệt giao thông của máu, dẫn đến chứng nhồi máu cơ tim. Còn nếu chẳng may động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn thì sẽ gây ra đột quỵ.

Thứ chất béo ban đầu tưởng như vô hại này đã âm thầm gây ra 17,5 triệu cái chết mỗi năm trên toàn cầu. Một con số đủ khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải “ngán”. Ở một góc cạnh nào đó, có thể hình dung tình trạng cholesterol cao cũng như bom nổ chậm vậy.

Làm gì để “tháo kíp bom nổ chậm”?

Điều đáng nói là phần lớn người thừa cholesterol “chung sống hòa bình” với “trái bom nổ chậm” này mà không hay biết, cho đến khi tình cờ khám bệnh phát hiện ra hay khi “bom” tự động phát nổ thành các bệnh tim mạch. Vì thế, rất khó kiểm soát lượng cholesterol nếu chúng ta không khám sức khỏe định kỳ và phòng ngừa ngay từ ban đầu bằng lối sống tích cực, loại trừ cholesterol thừa trong cơ thể.

Cũng theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia, sự gia tăng số người bị thừa cholesterol là do những thay đổi về lối sống: vận động giảm; dinh dưỡng nghiêng về chế độ ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ... Trong giải pháp dự phòng do các chuyên gia đề ra tại hội thảo của Hội Tim mạch Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng được đặc biệt nhấn mạnh. Người dân nên tăng cường các loại rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày; ăn nhiều cá; hạn chế chất béo từ động vật, thực phẩm chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn…

Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng dầu màng gạo có khả năng giúp giảm cholesterol dư thừa trong cơ thể nhờ chứa nhiều gamma oryzanol. Khi vào cơ thể, vi chất này sẽ ngăn chặn ruột hấp thụ cholesterol từ thức ăn và cả cholesterol do gan tiết ra, đào thải chúng ra ngoài, do vậy giúp giảm lượng cholesterol thừa.

                                                                            Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục