Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải khám cho trẻ bị tiêu chảy.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải khám cho trẻ bị tiêu chảy.

(HBĐT) - Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều phụ huynh đưa con đến khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám bệnh. Trong đó, chủ yếu là bệnh nhi liên quan đến tiêu chảy và bệnh đường hô hấp kèm tiêu chảy.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Mỗi ngày có từ 58 – 67 bệnh nhi điều trị nội trú tại khoa, trong đó 1/3 là bệnh tiêu chảy, chưa kể số trẻ được khám, chuẩn đoán và tư vấn điều trị tại gia đình. Mùa đông - xuân, thời tiết lạnh là điều kiện lý tưởng cho virus gây tiêu chảy phát triển mà tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là rotavirus. Đây là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên rất dễ bùng phát thành dịch. Virus rota tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa non yếu làm trẻ bị tiêu chảy với các triệu chứng như: sốt nhẹ, quấy khóc, nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng màu xanh, vàng chanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Trường hợp nặng, tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời. 

 

Dễ dàng nhận thấy tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh và thể trạng mệt mỏi của các bé khi mới vào nhập viện. Bé Nguyễn Thị Thùy Linh ở tổ 20, phường Chăm Mát (TPHB) lim dim đôi mắt trũng sâu, đôi khi lại gào khóc. Chị Nguyễn Thị Xuân, mẹ bé Linh cho biết: Bé được hơn 2 tuổi. Trước khi đưa đến bệnh viện, bé bị sốt 390c, đi ngoài và nôn nhiều lần. Bố, mẹ đã đưa bé đến Trạm quân dân y khám, uống thuốc nhưng cứ uống là nôn. Mấy hôm nay, cháu nghỉ học, mẹ cũng phải nghỉ làm để chăm sóc bé. Theo bác sĩ Hải, do tiêu chảy và nôn, sốt nên cơ thể trẻ bị mất nước, đa số ở mức nhẹ và vừa, có những trẻ bị mất nước nặng. Bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị dựa vào mức độ mất nước. Tất cả các phác đồ điều trị đều sử dụng để phục hồi lại lượng nước và muối bị mất khi tiêu chảy cấp. Vì vậy, cách tốt nhất để bù nước và phòng mất nước cho trẻ, trước hết, các phụ huynh dùng dung dịch oresol. Tuy nhiên phải pha đúng theo hướng dẫn, uống đúng cách, từng ít một, uống liên tục và rải rác trong ngày. Chỉ truyền tĩnh mạch cho trẻ bị mất nước nặng hoặc thất bại với đường uống.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải khuyến cáo: Với tiêu chảy không mất nước, trẻ không khát nước, lượng nước tiểu bình thường, nôn ít. Đây là trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà. Cho trẻ bú nhiều và lâu lơn. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, cho thêm oresol sau bú đến khi khỏi. Nếu không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều dung dịch như oresol, nước súp, nước cơm, nước cháo. Khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Tránh quan niệm phải kiêng khem mà cho ăn đủ chất dinh dưỡng để giúp cơ thể phục hồi nhanh cân nặng và chức năng đường ruột. Thực phẩm nên chọn loại tươi, giàu năng lượng, dinh dưỡng cao có sẵn tại địa phương. Khi chế biến nên nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa, cho thêm 5–10 ml dầu thực vật vào mỗi bữa ăn. Một số dung dịch có thể gây nguy hiểm nên tránh như nước ngọt, nước uống công nghiệp có ga, trà đường vì dễ gây tiêu chảy thẩm thấu và tăng natri máu. Một bước tiến mới trong điều trị tiêu chảy là cho trẻ uống bổ sung kẽm. Cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay khi tiêu chảy bắt đầu. Kẽm sẽ làm rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh, tăng hệ miễn dịch, giúp trẻ ngăn chặn những đợt tiêu chảy mới trong vòng 2 – 3 tháng sau điều trị. Kẽm còn giúp cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng. Các phụ huynh tuyệt đối không tự dùng thuốc kháng sinh vì không những không làm bệnh thuyên giảm mà còn gây loạn khuẩn đường ruột. Không cho uống nước lá ổi, quả hồng xiêm xanh, thuốc cầm tiêu chảy, chống nôn… vì chúng làm hạn chế đào thải virus, vi khuẩn ra ngoài dẫn đến ứ đọng lại, gây nhiều hậu quả khó lường như trướng bụng, sốt cao, nhiễm trùng, viêm ruột. Với tiêu chảy có mất nước, trẻ vật vã, kích thích, mắt trũng, khát nước, nếp véo da mất chậm. Khi trẻ bị mất nước nặng có các dấu hiệu: li bì hoặc khó đánh thức, mắt trũng, không uống được nước hoặc uống kém, nếp véo da mất rất chậm. Nếu trẻ thuộc hai trường hợp trên và tiêu chảy nghi ngờ có nhiễm khuẩn như phân nhầy máu thì đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

 

Để phòng bệnh tiêu chảy mùa đông, cha mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn. Phân của trẻ bị bệnh phải được xử lý an toàn nếu không sẽ là nguồn lây bệnh ra cộng đồng, gây bùng phát thành dịch lớn. Nguyên tắc này cần được các bậc cha mẹ tuân thủ nghiêm vì đã có khá nhiều trường hợp lây nhiễm chéo ngay tại bệnh viện như trường hợp cháu Vũ Công Đức lúc đầu nhập viện chỉ bị viêm vế quản, sau đó bị lây nhiễm tiêu chảy.

 

 

                                                                             Minh Châu

 

 

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục