Tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra ở tất cả các tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện cũng còn thiếu khoảng 50 bác sĩ.

Tình trạng thiếu bác sĩ diễn ra ở tất cả các tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện cũng còn thiếu khoảng 50 bác sĩ.

(HBĐT) - Học sinh trường Trung cấp Y ra trường rất khó xin việc ở tỉnh trong khi các đơn vị y tế lại luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ. Thực trạng thiếu cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở đã diễn ra từ lâu và ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đây là bài toán khó đang được ngành Y tế và tỉnh tìm lời giải.

 

Nhiều năm nay, tỉnh ta ở trong tình trạng thiếu bác sĩ ngay cả tại tuyến tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 36 khoa, phòng với 520 giường theo kế hoạch nhưng mới có hơn 100 bác sĩ. Giám đốc Trương Quý Dương cho biết: Bệnh viện còn thiếu khoảng 50 bác sĩ nữa mới đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù còn khó khăn nhưng bệnh viện cũng phải dành kinh phí để ưu đãi, thu hút những bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy về công tác. Đối với tuyến cơ sở, việc thiếu bác sĩ còn trầm trọng hơn. Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc có 90 giường với 5 khoa nhưng cũng chỉ có 7 bác sĩ, trong đó, 3 bác sĩ đang đi học. Do đó, mỗi bác sĩ phải kiêm nhiệm 3 vị trí khác nữa. Ngay cả giám đốc cũng phải trực tiếp KCB cho người dân và kiêm luôn trưởng khoa ngoại-sản. Ở khoa này cũng chỉ có duy nhất giám đốc có thể mổ được nên nếu bận việc gia đình hay bị ốm, bệnh nhân mổ cấp cứu phải chuyển lên tuyến trên. Mọi công việc hành chính chủ yếu đều phải tranh thủ buổi tối để giải quyết. Cùng với nhiệm vụ đã quá bận rộn ở bệnh viện, đơn vị còn phải bố trí cán bộ đi tuyến tại 2 phòng khám đa khoa khu vực Mường Chiềng và Yên Hoà. Do bệnh viện thiếu bác sĩ nên tất nhiên 2 phòng khám này cũng chưa có bác sĩ. Các bác sĩ hầu như không được nghỉ bù sau trực và không nghỉ phép theo chế độ. Hiện nay, trang thiết bị của bệnh viện tương đối đầy đủ như: máy nội soi răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng, chụp x-quang… Vấn đề mấu chốt nhất là thiếu bác sĩ để vận hành. Ít nhất, bệnh viện cần 5 thêm bác sĩ, đảm bảo cơ cấu mỗi khoa có 2 bác sĩ mới đáp ứng được yêu cầu. Năm nào bệnh viện cũng có công văn xin bác sĩ nhưng không được. Còn ở tuyến xã mới có 7/20 xã có bác sĩ và 100% đều là bác sĩ chuyên tu. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Đà Bắc mà khá phổ biến ở tuyến huyện. Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn cả chục năm nay cũng không có bác sĩ nào về công tác. Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu cần khoảng 120 cán bộ hiện chỉ có 50 biên chế…

 

Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Bùi Văn Kết cho biết: Ngành hiện có gần 2.000 CB, NV, trong đó có 353 bác sĩ tuyến tỉnh, huyện và 133 bác sĩ tuyến xã. Ngành còn thiếu khoảng 800 CN, NV, trong đó cần thêm khoảng 250 bác sĩ. Theo Thông tư 08 của liên Bộ Y tế - Nội vụ, tỷ lệ được phép tuyển là 1- 4 (1 bác sĩ và 4 điều dưỡng). Vì không tuyển được bác sĩ nên kéo theo không được tuyển điều dưỡng. Do đó, nhiều học sinh trường trung cấp Y ra trường không tìm được việc làm ở tỉnh. Tình trạng thiếu bác sĩ là vấn đề nan giải không chỉ đối với tỉnh ta mà ở cả các tỉnh, thành khác. Địa bàn tỉnh lại gần với Hà Nội nên không ít bác sĩ sau khi đi học nâng cao trình độ hoặc công tác được một thời gian lại xin chuyển về thủ đô. Năm 2011, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 3 người xin chuyển công tác; trường trung cấp Y có trường hợp vừa về công tác và có quyết định tuyển dụng ngay nhưng chỉ một thời gian ngắn đã viết đơn xin thôi việc mặc dù nhà trường níu giữ. Có thể nói, chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh theo Quyết định số 55 năm 2005 đã lỗi thời, không còn phù hợp. Mặt khác, đào tạo một bác sĩ chính quy phải kéo dài 6 năm trong khi ra trường họ chỉ được hưởng lương bằng người tốt nghiệp đại học khác học 4 năm. Học sinh của tỉnh thi vào các trường y, dược trên toàn quốc không nhiều, tỷ lệ đỗ cũng không cao và nhiều người học xong không về tỉnh công tác. Tính từ năm 1995 – 2005 mới có 1 dược sĩ đại học chính quy về ngành. Từ năm 2008 đến nay, nhiều bác sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng mỗi năm, ngành chỉ tuyển được khoảng 10 bác sĩ. Hầu hết trong số đó về tuyến tỉnh, còn tuyến huyện, xã luôn trong tình trạng “khát”. Ông Bùi Văn Kết vừa khẳng định, vừa đếm trên đầu ngón tay: Trong 4 năm (2008-2011) chỉ có duy nhất Bệnh viện huyện Tân Lạc tuyển được 2 bác sĩ, còn các huyện khác vẫn phải ngóng chờ.

 

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Khánh cho rằng, tỉnh ta rất khó thu hút bác sĩ, dược sĩ chính quy về công tác. Số cán bộ này về không nhiều nên ngành khuyến khích họ tiếp tục học lên CKI, CKII để đảm nhiệm những vị trí hạt nhân. Còn lại, lời giải cho bài toán thiếu bác sĩ, nhất là tuyến cơ sở  chỉ còn cách đào tạo bác sĩ chuyên tu theo hướng: liên thông và theo địa chỉ. Dự án Kich (Bỉ) đã hỗ trợ tỉnh đào tạo bác sĩ tuyến xã. Năm 2010, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án 151 về đào tạo bác sĩ, dược sĩ tuyến cơ sở giai đoạn 2009 - 2020. Cán bộ đi học theo diện này chủ yếu là những người đang công tác tại các cơ sở y tế, được hỗ trợ kinh phí và phải viết cam kết khi tốt nghiệp sẽ về địa phương công tác. Đây có thể coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, số người được cử đi thi tỷ lệ đỗ không cao, chỉ đạt khoảng 50%. Vì vậy, tình hình thiếu bác sĩ sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhưng chậm. Đứng trước vấn đề này, Sở đã nghiên cứu để thời gian tới có thêm bác sĩ theo hướng liên kết đào tạo với trường Đại học Y Hải Phòng.

 

                                                                         

                                                                                     Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Gần 700 người tham gia hiến máu tình nguyện tại thành phố Hòa Bình

Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị Hoà Bình, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố Hòa Bình phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt II năm 2024.

Thành phố Hòa Bình đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng

TP Hòa Bình có trên 1.300 cơ sở thực phẩm, trong đó, cơ sở dịch vụ ăn uống cấp thành phố quản lý trên 400 cơ sở, cấp tỉnh quản lý gần 100 cơ sở, còn lại là cấp phường, xã quản lý. Để cung ứng sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

Hiện nay là thời điểm giao mùa Xuân - Hè, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm gây khó khăn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh (PCDB), ngành Y tế tích cực triển khai các biện pháp, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục