(HBĐT) - Những người âm thầm, lặng lẽ đi giữa đại ngàn từ ngày này qua tháng khác. Họ sống bên rừng, thức với rừng để cho những đồi cây xanh hơn, những con thú được bình yên dù đời sống của họ còn muôn vàn khó khăn. Họ là những người giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến.

 

Một buổi tuần rừng của cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến.

 

Rừng Thượng Tiến là tài sản vô giá

 

Tôi trở lại thăm KBTTN Thượng Tiến vào lúc tiết trời đã cuối mùa đông. Gió bấc heo may sắp nhường lại cho khí tiết của một mùa xuân mới. Tiếp chúng tôi tại trụ sở của Ban quản lý, anh Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc cười rất tươi:

- Anh về thăm KBT lần này thì thỏa sức ngắm rừng kể từ vùng đệm cho đến vùng lõi của cả ba phân khu đấy. Thấm thoắt đã hơn 10 năm rồi. Chúng mình đều già đi, còn cây mỗi ngày cứ lớn lên, rừng mỗi năm một xanh hơn bởi tán lá rộng hơn, cây vươn cao hơn.

 

Lời nói chứa đựng rất nhiều điều của Giám đốc tuổi đời gần 50 đã làm cho tôi bị cuốn hút và muốn biết những gì đã và đang diễn ra ở một nơi rừng xanh ngút ngàn ngay gần trung tâm huyện Kim Bôi này. Ngày 9/10/2000, UBND tỉnh ra Quyết định số 1242/QĐ-UB thành lập Ban quản lý KBTTN Thượng Tiến thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Toàn bộ KBTTN Thượng Tiến với tổng diện tích 7.260 ha nằm ở 3 xã: Thượng Tiến, Kim Tiến (Kim Bôi) và xã Quý Hòa (Lạc Sơn). KBTTN Thượng Tiến được chia làm 3 phân khu chức năng theo đặc thù của rừng. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc phần lõi của KBTTN với diện tích 1.469 ha là rừng nguyên sinh với những loại gỗ quí hiếm như chò, de, dổi, sến, táu... Đây là nguồn gen vô cùng quý giá của cây rừng nhiệt đới… Xung quanh phần lõi là hai phân khu phục hồi sinh thái I nằm ở xã Thượng Tiến 4.014 ha; khu phục hồi sinh thái II nằm ở xã Kim Tiến và xã Quý Hòa 1.748 ha. Đây là những khu rừng đang ở giai đoạn tái sinh cao sau nhiều năm bị tàn phá. Ngoài ra, vùng đệm của KBTTN còn nằm ở  địa bàn xã Kim Tiến 1.635 ha, xã Quý Hòa 2.940 ha. Đặc điểm của vùng đệm là dân cư sống kề với rừng, có thể nói rằng 9.078 con người của 1.901 hộ đồng bào Mường hàng mấy chục năm nay sống bám rừng là chính. Theo các nhà chuyên môn, ở KBTTN Thượng Tiến có trên một ngàn loài thực vật của hơn 70 họ và có đến hơn 300 loài động vật sinh sống. Trong đó, những loại thú quý hiếm ở Hòa Bình có nguy cơ tuyệt diệt như gấu, khỉ mặt đỏ, hươu, lợn rừng, gà lôi... thì ở đây chúng vẫn đang nhởn nhơ lăn trong vũng nước ngày hè, kéo nhau thành đàn quăng mình trên các ngọn cây hoặc ngơ ngác nhìn những người trong đội bảo vệ rừng của Thượng Tiến đi tuần. Thiên nhiên đã ban tặng cho đất Mường một tài sản vô cùng quý giá. Do đó, quyết định của UBND tỉnh là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời để giữ lấy nguồn sinh quyển quý giá này.

 

Những người đốt lửa giữ rừng đêm giao thừa

 

Anh Bùi Văn Phúc, một cán bộ của BQL, anh Mai Tiến Dũng là những chiến sỹ kiểm lâm đầu tiên đến với KBTTN tâm sự:

- Cuối năm 2000, chúng em đến với rừng Thượng Tiến, lãnh đạo và nhân viên chỉ có 8 người. Nhìn rừng chỗ ta đang ngồi đây tan hoang chỉ còn lại những cây thành ngạnh, sau sau cằn cỗi, lưa thưa trên đất, đá màu gan gà. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người từ khắp mọi nơi với dao, búa, rìu, cưa xẻ, súng kíp, tên nỏ túa vào rừng Thượng Tiến!

 

Tôi đã gặp những con người tận tâm, tận sức với rừng những ngày đầu vô cùng khó khăn, gian khổ cách đây hơn chục năm trước như anh Đinh Quang Hợp, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Tiến; anh Đào Lợi, nguyên giám đốc KBT; anh Ngô Văn Quý, nguyên giám đốc và Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc KBT thời kỳ đó hiện là Giám đốc. Các anh kể cho tôi nghe những chuyện khủng khiếp về phá rừng. Ngày nào cũng có súng nổ và những con thú vô tội bị người ta khiêng về xẻ thịt. Có tháng xảy ra gần trăm vụ xâm phạm lâm luật theo sau là hàng trăm cây gỗ bị đốn không thương tiếc. Người ta kéo gỗ, vác ván đi giữa “thanh thiên bạch nhật”. Rừng gần mất trước, nơi khó vào hay hiểm trở bị phá sau. Gỗ, nứa, giang, lâm sản phụ... thôi thì tất tật những gì của trời, của rừng lấy được là khai thác tuốt. Song song với chặt cây, đốn gỗ là nạn đốt nương làm rẫy tràn lan.

 

Rừng mỗi ngày một xơ xác, tan hoang. Chim, thú chạy dạt tìm nơi khác để ẩn náu, tồn tại. Trước tình hình cấp bách và nghiêm trọng như vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và BQL KBTTN Thượng Tiến đã phải thức trắng nhiều đêm tìm kế sách. Những gương mặt cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm tôi gặp hôm nay ở rừng Thượng Tiến đều là những người có kinh nghiệm dày dạn trong công tác bảo vệ rừng như Nguyễn Hồng Quân ở Hạt kiểm lâm Đà Bắc, Giám đốc Đào Lợi ở Hạt kiểm lâm thị xã Hòa Bình, sau này là anh Ngô Văn Quý giám đốc từ khu bảo tồn Phu Canh chuyển về và các chiến sỹ như Trường, Lương, Dũng, Phúc… được Chi cục chọn lựa về nhận nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu thành lập.

Một góc Khu Bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến.

 

Không thể ngồi bó tay nhìn rừng bị tàn phá ngày đêm. Không thể để những cánh rừng đại ngàn xanh biếc mỗi ngày thêm xơ xác… 8 con người trong sắc phục áo xanh rêu là nòng cốt, là những người chủ lực bảo vệ KBTTN vô giá này. Bên cạnh các anh có thêm lực lượng bảo vệ đông tới gần 50 người của 3 xã Thượng Tiến, Kim Tiến, Quý Hòa. Mấy năm trời, các anh lăn lộn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ rừng. Những cuộc họp với xóm, bản thâu đêm. Những bản ký cam kết của các tổ chức như Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội CCB, dân quân địa phương với chính quyền và BQL về việc bảo vệ rừng.

 

Công các anh đã không uổng. Nhân dân các dân tộc ở Thượng Tiến, Kim Tiến, Quý Hòa đã hiểu cái giá của sự mất rừng. Họ đã biết bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của chính mình, bảo vệ tài sản của quốc gia. Nhờ vậy mà từ năm 2008 đến nay, số vụ xâm phạm lâm luật đã giảm tới 80%. Có nhiều người nông dân mấy năm trước còn là thủ phạm phá rừng thì nay họ là những người tích cực bảo vệ rừng. Mỗi xóm có 1 tổ bảo vệ rừng từ 5-7 người. Riêng xã Thượng Tiến có hẳn một đội cơ động dưới sự điều hành của nguyên Chủ tịch UBND xã Đinh Quang Hợp.

 

Các anh kể lại cho tôi nghe câu chuyện trong dịp Tết Đinh Hợi năm nào. Chín giờ đêm anh em trong đội cơ động đến trụ sở UBND xã, chính ông Hợp đã dẫn anh em cùng các chiến sỹ kiểm lâm chốt ở mấy cửa rừng. Họ đốt lửa để xua giá lạnh và chia nhau đi mật phục ở các cửa lối vào rừng. Các anh không ngủ giữa rừng cho đến khi sắp đón giao thừa mới về xông đất nhà mình. Chuyện những con người tâm huyết và trách nhiệm với rừng như thế trong những tháng năm khi có KBTTN ở Thượng Tiến đã trở thành điểm sáng cho nhiều nơi trong tỉnh học tập. Tôi đã gặp những người nông dân sống kề khu bảo tồn ở xóm Khú, xóm Vay, xóm Lươn, hỏi họ về chuyện giữ rừng. Bà con nói rằng, từ khi có BQL đầu tư cho đến nay nhà nào cũng có vài trăm gốc luồng, nhà nhiều có một vài ha luồng. Bà con trong vùng đệm của KBTTN Thượng Tiến có hơn 400 ha luồng bán măng, bán cây lấy  tiền mua sắm các đồ dùng trong nhà. Cuộc sống của hàng trăm gia đình đã thoát nghèo và dần dần có tích lũy. Cụ  Bùi Văn ưng hơn 70 tuổi ở xóm Khú nói với tôi: “Rừng của Nhà nước cũng là rừng của mình thôi. Cha ông mình, đời mình phá nhiều rồi. Mất rừng là mất hết, khổ lắm!”.

Hơn mười năm trời so với tuổi của một đời cây gỗ quý, một cánh rừng đại ngàn như ở Thượng Tiến chẳng đáng là bao. Song cán bộ và chiến sỹ kiểm lâm đã vận dụng sáng tạo chủ trương, các quy định của ngành vào công việc thực tiễn. Lấy dân làm gốc, lấy chính quyền trong vùng bảo tồn làm điểm tựa để thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy 4.222 ha rừng không bị tàn phá, trong đó có 3.853 ha rừng tự nhiên, 368 ha rừng trồng. Thực hiện khoanh nuôi, tái sinh các mức độ được hơn 700 ha và phối hợp với các đơn vị khác cho nhân dân trồng rừng mới được hơn 400 ha... Các anh ở KBTTN Thượng Tiến khẳng định: “Rừng đã bình yên, cây xanh đang vươn bóng dưới bầu trời, chim, thú đã quay về. Dòng suối Khang, suối Vãng nước đầy quanh năm… Đó là công sức, trí tuệ và cả tinh thần quả cảm của biết bao người ”.

 

Tiếng nói của người trong cuộc

 

Chiều nay ngồi tâm sự với các anh ở  trạm gác rừng trong KBT, Giám đốc Nguyễn Hồng Quân chia sẻ:

- Những kết quả đã làm được phải nói là cốt lõi ở chính sách, chế độ đối với KBTTN đã hợp lòng dân anh ạ!

 

Nghe ý kiến của anh Quân, tôi nhớ lại lúc tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo ở xã Thượng Tiến. ông Bí thư Đảng ủy có lời giải thích sinh động rằng, nếu dân ăn không no, mặc không ấm thì làm sao có chuyện những người phá rừng năm xưa giờ lại là những người tích cực trong đội bảo vệ rừng. Tôi thầm phục những con người đã và đang âm thầm, lặng lẽ đi giữa đại ngàn từ ngày này sang tháng khác. Họ sống bên rừng, thức với rừng để cho những đồi cây xanh hơn, cho những con thú được bình yên dù đời sống của họ còn muôn vàn khó khăn. Xin lấy lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thay lời kết cho bài ký này: “Đã là rừng bảo tồn thì con người không được can thiệp vào. Điều căn bản là phải làm gì, làm như thế nào bằng cơ chế, chính sách, bằng tiền vốn, kỹ thuật... để những người trực tiếp quản lý và người dân vùng đệm được hưởng lợi, ổn định đời sống thì chính họ là những người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia”. Mùa xuân mới đang đến rất gần. Hoa mí đã sắp nở tím, hoa lim đã nở vàng khắp  rừng Thượng Tiến. Hàng trăm loại cây sẽ cho hoa nở thơm ngát những cánh rừng đón mùa xuân mới. Mùa xuân thứ 17 của những người giữ rừng KBTTN Thượng Tiến vẫn bình dị nhưng nồng nàn và hạnh phúc nhưng niềm vui lại được nhân lên gấp trăm lần. Họ là những người đã gắn cả đời mình cho những cánh rừng quê hương Hòa Bình mãi mãi được bình yên và trường tồn.

 

                                                             

 

                                                            Bút ký của Phạm Huy Định

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục