(HBĐT) - "Đến với đền Trần, bạn sẽ được thấy từng dấu vết rêu phong cũ kỹ và hít từng hơi của lịch sử, của ký ức. Để được sống trong không khí hào hùng ngày vua Trần mở tiệc khao quân sau chiến thắng quân Mông – Nguyên. Để thêm tự hào và không bao giờ quên lịch sử hào hùng của đất Việt.” Lời mời chân tình và đầy ý nghĩa của các bạn đồng nghiệp Báo Thái Bình đã đưa chúng tôi đến với Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).


Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà - Thái Bình) thu hút đông du khách đến chiêm bái.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng "Tháng 12, ngày 11 Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế”. Kỷ nhà Trần chính thức bắt đầu từ năm 1.226. Trần Cảnh tức Trần Thái Tông là vị vua khoan nhân đại độ có lượng đế vương cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ cương, dựng chế độ nhà Trần to lớn. Vua Trần Thái Tông mất năm 1277, thọ 60 tuổi và được táng ở Chiêu lăng. Các đời vua tiếp theo của nhà Trần là Trần Thánh Tông được táng ở Dụ lăng và Trần Nhân Tông được táng ở Đức lăng. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Trải qua hơn 740 năm binh biến của đất nước, toàn bộ khu Thái đường lăng xưa đã được trân giữ, trùng tu và nay chính là khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Hòa trong dòng chảy của các lễ hội đầu năm, tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần từ ngày 13 – 18 tháng giêng hàng năm đã diễn ra "Lễ hội đền Trần”. Tham dự lễ hội, du khách sẽ được ôn lại lịch sử đất Việt thời nhà Trần, đồng thời tôn vinh công lao dựng nước của một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Đến với lễ hội, du khách còn được tham dự các cuộc thi như: thi cỗ cá, gói bánh chưng, thả diều, pháo đất, vật cầu, kéo co…Đặc biệt là với khu vực quẩn thể lăng mộ, miếu thờ…còn được lưu giữ khá nguyên vẹn đã tạo nên giá trị lớn lao cho di tích.

Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32 ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế.

Đưa chúng tôi đi quanh 3 nấm mộ lớn tựa quả đồi thấp, phủ cỏ xanh rì ngay trước cửa khu vực lăng mộ, chị Nguyễn Thu Hà, hướng dẫn viên khu di tích tự hào giới thiệu: Làng Tam Đường nay (xưa tên là Thái Đường) chính là vùng đất phát tích của Vương triều Trần. Nơi đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đấy dấy nghiệp. Các vua Trần đã cho xây dựng ở đây hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương Triều Trần. Trên mảnh đất này, sau mỗi lần chiến thắng quân Mông-Nguyên, sau các cuộc chặn đánh quân Chiêm Thành bảo vệ biên ải phía Nam thắng lợi, các vua Trần đều về đây làm lễ cáo yết tổ tiên, báo tiệp chiến thắng. Trong suốt 175 năm trị vì, vào đầu tháng giêng hằng năm, vua tôi nhà Trần đều trở về đây để bái yết tiên tổ, ban phúc ân cho tướng sĩ và thần dân trăm họ. Nơi đây cũng được các vua triều Trần lựa chọn để lưu giữ hài cốt của tổ tiên. Kết quả khai quật khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hiện vật chứng minh cho sự tồn tại của một thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, tráng lệ. Trước khi vào thăm khu đền thờ, du khách nên đến chiêm bái trước 3 nấm mộ lớn của 3 ông vua đời Trần là: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. 3 đời vua này đều có tâm nguyện được yên nghỉ tại mảnh đất đã phát tích ra vương triều Trần.

Phía sau mộ là khu vực đền thờ các vị vua triều Trần. Trên diện tích 5.175 m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi, toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức. Đây là tổng thể kiến trúc rộng lớn được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Với một số hạng mục chính như: toà hậu cung, toà bái đường, nhà giải vũ, nghi môn, đài hoá vàng…

Một trong những điểm đặc sắc của kiến trúc đền Trần là hậu cung đền với kết cấu chữ "đinh”. Bao gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359 m2 được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ. Đặc biệt, sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc đã tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Trong khuôn viên đền Trần còn có nhà trưng bày hiện vật Khu di tích khảo cổ gồm nhiều dấu vết kiến trúc và hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học với niên đại từ triều Lý đến triều Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật triều Trần. Cạnh đó là nhà bia và khu tượng đài Chiến thắng chống quân Nguyên - Mông.

Sau khi dâng lễ, thăm đền Trần, du khách có thể dừng chân ở khoảng sân rộng ngay trước chính đền để thành tâm chiêm bái và xin những chữ ý nghĩa cho cuộc sống gia đình mình như "thọ”, "lộc”, Trân trọng nâng niu chữ "Bình an” được viết bằng mực tàu, nổi bật trên nền giấy đỏ. ông Đào Thanh Kiên (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phấn khởi: Đầu xuân năm mới, cả gia đình tôi đi lễ đền Trần. Đây là cơ hội để cho các con, cháu vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần. Các cháu cũng có cơ hội thắp nén tâm nhang tưởng niệm và tỏ lòng tri ân các vị vua triều Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó, các cháu sẽ được giáo dục về lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Dương Liễu


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục