(HBĐT) - "Khi đó xóm có hơn 30 nóc nhà nhưng có tới 9 người chết nên dân làng chạy tán loạn, mỗi người một hướng để tránh nạn. Chuyển đến nơi ở mới thì đời sống quá khổ, tôi đành trở về xóm dù rấõt sợ hãi. Mãi sau này, khi hoạn nạn qua đi, dân làng quay trở về mới có xóm Thín với nhiều đổi khác như hôm nay”. Những ký ức kinh hoàng của 30 năm về trước vẫn in đậm trong tâm trí của ông Đặng Văn Giang và người dân xóm Thín, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc.


Ngày nay, xóm Thín, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã có nhiều đổi thay với đường bê tông sạch đẹp và những ngôi nhà xây kiên cố.

 Những tháng ngày đen tối, đói khổ của xóm Thín dần lùi xa vào quá khứ, trở thành những ký ức mà người dân nơi đây thi thoảng vẫn kể cho con cháu nghe. Thín của ngày hôm nay đã đông vui với hơn 40 hộ dân san sát trong khung cảnh thật yên bình. Về Thín trong những ngày cuối năm trời lạnh buốt, con đường nhựa cũng trở nên trơn trượt…

Gặp "gã khùng” năm ấy…

Sương mù dày đặc, ngoài trời lạnh dưới 100C, ông Đặng Văn Giang cùng vợ, con và các cháu đang ngồi quanh bếp lửa sưởi ấm. Năm đó, ông Giang là một trong hai người được dân làng coi như những "gã khùng” vì dám quay trở lại sống ở mảnh đất mà họ cho rằng đã bị ma ám. Ký ức về những ngày đen tối đó, ông Giang không thể nào quên. ông tâm sự: Trước năm 1986, tuy đời sống khó khăn nhưng chưa bao giờ xóm gặp chuyện tai họa như vậy. Cuối năm 1987, căn bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của 9 người, có nhà mất 2 người thân chỉ trong ít ngày. Do dân trí thấp nên ốm đau có thuốc thang như bây giờ đâu, toàn cúng bái, rồi đi bói toán lại càng ra nhiều ma quỷ, có nhà thịt hết lợn, gà, trâu, bò để cúng ma mà bệnh tình không thuyên giảm. Quá hoảng sợ, bà con bỏ lại nhà cửa để chạy đến nơi khác sinh sống. Khi đó, gia đình tôi cũng chạy vào Lau Bai (cùng xã) nhưng ở được khoảng hai tuần thì không thể nào chịu được. Ban ngày lên rừng đào củ vớn, củ mài mà không đủ ăn, đêm thì không ai dám ra đường. Người ngợm ốm yếu, nếu tiếp tục sống vật vờ như vậy thì trước sau cũng chết.

Nghĩ vậy, ông Giang quyết định trở lại xóm cũ dù khá sợ hãi, đặc biệt là sự phản đối kịch liệt từ người cha. "Bố tôi phản đối kịch liệt, ông bảo, trở lại thì chẳng khác nào đâm đầu vào chỗ chết rồi ma quỷ nó sẽ bắt đi. ông còn phá cả nhà để chúng tôi không có chỗ ở nếu trở về nhưng tôi vẫn kiên quyết về và dựng lều nứa ở tạm”, ông Giang cho biết. Trở về, hai vợ chồng ông Giang cùng ba đứa con sống lay lắt trong căn lều tạm bợ. "Tôi bị bệnh tim lại bị ám ảnh bởi tiếng chó sủa, tiếng quạ kêu nên chẳng có đêm nào ngủ trọn giấc. Nhưng vợ chồng động viên nhau, cấp trên cũng về tuyên truyền nên cố gắng bám trụ. Đến khi dịch bệnh qua đi, một số hộ khác cũng không chịu được đói khổ nên dần dần trở về làng”, bà Lý Thị Thanh, vợ ông Giang nhớ lại.

Anh Đặng Văn Long, con trai ông Giang khi đó mới là đứa trẻ lên 10 nhưng đã phải trải qua quãng thời gian chông chênh nhất của cuộc đời. Anh Long tâm sự: "Nếu không có sự liều lĩnh đó thì không biết có chết vì bị ma quỷ bắt hay không nhưng chắc chắn sẽ chết mòn vì đói, vì rét. Sau này, đến những năm 1992 – 1993, bản làng mới đông đúc trở lại. Đến nay, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự thay đổi về nhận thức, đời sống của chúng tôi đã có nhiều sự chuyển biến tích cực”.

Sau bão giông, Xóm Thín sáng lên từng ngày

Sự chuyển biến tích cực mà anh Long chia sẻ có thể nhận thấy rõ khi chúng tôi bước chân đến bản Dao này. Thín của ngày hôm nay đã có 41 hộ dân quây quần bên nhau cùng chung sống, con đường đất, đá lởm chởm ngày nào giờ được bê tông hóa phẳng phiu. "Từ năm 1997, xóm được Nhà nước quan tâm mở đường giao thông thuận lợi rồi xây dựng trường học. Đặc biệt, năm 2003, ánh điện lưới về đã tạo ra cú huých lớn để bà con phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Những hộ rời xóm trước đây đến năm 2004 đều quay về xóm sinh sống, làm ăn. Nhờ cây ngô, nhờ rừng mà đời sống của nhiều hộ đã khá giả. Những ngôi nhà xây kiên cố kia cũng là từ cây ngô mà làm được”, anh Triệu Văn Hợp, phó xóm Thín chia sẻ khi đưa chúng tôi đi tham quan quanh xóm.

Anh Hợp liệt kê ra không ít cái tên đã có được cuộc sống an cư, lạc nghiệp sau khi trở về Thín. Ví như gia đình trưởng xóm Đặng Văn Vinh trước đây phải chạy vào Bó Nẻ, nay quay về, nhờ chịu khó làm ăn đã xây được căn nhà xây hai tầng khang trang nhất xóm. Chuyến hồi hương của gia đình ông Bàn Văn Khoa cũng là cuộc trở về đầy niềm vui no ấm. Căn nhà hai tầng khang trang vẫn còn thơm mùi vôi vữa ở đầu xóm chính là minh chứng – Thín là "đất lành” để bà con người Dao an cư, lạc nghiệp. Hay trường hợp của anh Đặng Văn Long, con trai của "gã khùng” Đặng Văn Giang ngày nào giờ đã cưới vợ, sinh con và xây dựng cho mình được cơ ngơi khiến nhiều người thán phục. "Mặc dù vợ nó hay đau ốm nhưng chúng nó tu chí làm ăn nên cũng xây được nhà cửa khang trang rồi. Nếu cứ đổ lỗi cho con ma rồi bỏ làng mà đi thì làm sao có được cuộc sống như ngày hôm nay”, ông Giang phấn khởi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Giang trải lòng rất nhiều. ông nói về đám cưới, đám hiếu, về tục cấp sắc của bản Dao đã và đang thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Những hủ tục lạc hậu xưa kia nếu có mười phần thì nay đã bớt 7 – 8 phần. ông Giang cho rằng: "Đường và điện là hai cái quan trọng nhất giúp đời sống vật chất và tinh thần, sự hiểu biết của bà con ngày càng được nâng lên. Chuyện bỏ làng trước kia cũng là do đường xa, ốm đau cứ nằm ở nhà cúng bái rồi bói toán thì ra ma, ra quỷ. Ngày nay, người Dao thay đổi rồi, ốm đau thì đi bệnh viện, bây giờ, việc khám, chữa bệnh ngày càng thuận lợi hơn”.

Bản làng tưởng chừng như "chết” ngày nào giờ hồi sinh mạnh mẽ, bà con nơi đây đang cần mẫn, tu chí làm ăn để đón thêm những mùa xuân no ấm.

 

                                                                               Viết Đào

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục