(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn, đầu năm 2019, chúng tôi có dịp đến thăm gò Đống Đa, nơi in dấu chiến công hiển hách của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Xuân này, giữa Hà Thành hoa lệ, náo nhiệt, Công viên Văn hóa - di tích gò Đống Đa cũng náo nức chuẩn bị cho lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày mồng 5 Tết. Và đặc biệt hơn, tại lễ hội Xuân Kỷ Hợi, gò Đống Đa sẽ được đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Tết đến, xuân về, đứng dưới tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong khoảng trang nghiêm thoang thoảng khói hương được đọc vần thơ: "Như mơ ngày Tết xuân năm ấy/Nguyễn Huệ oai hùng giữa núi sông/Áo trận thơm nồng xuân Kỷ Dậu/Giáp bào rạng rỡ đất Thăng Long” mà như thấy hào khí Quang Trung vọng về với khát vọng thái bình, thịnh vượng.


Đền thờ và Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Công viên - di tích gò Đống Đa là nơisinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh của nhân dân.

Lịch sử viết rằng: Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống cùng một số đại thần thân cận bỏ chạy lên phía Bắc, cho người sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược nước ta. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để thôn tính, vua Thanh sai tướng đem 29 vạn quân tiến sang nước ta với danh nghĩa giúp nhà Lê đánh quân Tây Sơn giành lại chính quyền. Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ chủ yếu là bọn phong kiến xâm lược phương Bắc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng chỉ huy quân tiến công ra Bắc, trên đường đi dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hóatuyển thêm quân. Ngày 15/1/1789, Nguyễn Huệ cùng đại quân (sau khi đã tăng quân số lên đến 10 vạn người) và một đội tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến đã ra đến Tam Điệp, hội quân với Đại tư mã Ngô Văn Sở, chuẩn bị phản công quân Thanh.

Nắm được kế hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Quang Trung đã chia quân Tây Sơn ra làm 5 đạo chính. Đúng đêm 30 Tết (tức ngày 25/1/1789), quân ta được lệnh tiến công với khí thế từ lời hiểu dụ của vua Quang Trung: Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen/Đánh cho nó trích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (ngày 28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km), uy hiếp địch và bắt sống hàng vạn quân Thanh. Mùng 4 Tết (ngày 29/1/1789), quân Tây Sơn tiếp cận Ngọc Hồi. Lúc này, đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy cũng tập kết tại phía Tây Nam Ngọc Hồi, cùng chuẩn bị tiến công.

Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), vua Quang Trung đích thân cưỡi voi chỉ huy quân ta tấn công đồn Ngọc Hồi. Trận đánh vô cùng ác liệt xảy ra. Quân cảm tử bằng mộc ván gỗ và đoản đao đã xông lên tiêu diệt đồn Ngọc Hồi. Cùng lúc ấy, mũi tiến quân của Đô đốc Long tiến đánh địch tại Khương Thượng, Đống Đa bằng rồng lửa và voi chiến. Bị đánh bất ngờ, quân giặc hoảng loạn tan vỡ. Bằng khí thế áp đảo, quân Tây Sơn với đội hình bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại địch, đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của địch.


Di tích gò Đống Đa - nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng trong cuộc đại phá quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789.

Trước thế cùng, lực kiệt, tướng giặc Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy. Tiếp tục thế tiến công, đạo quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng thọc sâu vào Thăng Long, đồng thời uy hiếp vào đại bản doanh của tướng giặc Tôn Sĩ Nghị. Trước sức tấn công như vũ bão, Tôn Sĩ Nghị phải bỏ bản doanh chạy trốn về hướng Bắc.

Trưa mồng 5 Tết, nhân dân kinh thành vui mừng chào đón vua Quang Trung và đoàn quân chiến thắng vào Thăng Long vừa được giải phóng. Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa một lần nữa chứng minh cho tài thao lược của nhà quân sự tài ba Quang Trung - Nguyễn Huệ. Như Chỉ thị số 16, ngày 26/1/1989 của BCH T.Ư Đảng đã viết: "Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hai trăm năm qua, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng, tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta”.


Lời hiểu dụ của vua Quang Trung "Đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ" được khắc ghi tại khuôn viên đền thờ vua Quang Trung như lời nhắc nhủ,giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, hàng năm, cứ vào ngày mồng 5 Tết, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lại được tổ chức, thu hút hàng nghìn du khách thập phương trẩy hội. Đặc biệt, vào mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014, UBND TP Hà Nội đã thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Công viên Văn hóa - Di tích gò Đống Đa với các hạng mục chính là đền thờ, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, hai bức phù điêu tái hiện khí thế tiến công thần tốc của quân Tây Sơn, cổng tứ trụ, quảng trường, sân khấu, bậc lên gò... Công viên đã tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh, cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc, xứng tầm với vị thế khu di tích.

Một mùa xuân mới - mùa của lễ hội đã về trên mọi miền đất nước. Với ý nghĩa lịch sử to lớn kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và sự kiện trọng đại đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội gò Đống Đa xuân Kỷ Hợi 2019 hứa hẹn là điểm chiêm bái, du xuân ý nghĩa của người dân đất Việt.


Bình Giang

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục