Bài 1 - Trường Sa đang đổi thay từng ngày

(HBĐT) - Được đế thăm Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với chúng tôi đó là niềm vinh dự, tự hào và một trải nghiệm quý báu của tuổi trẻ. Với hải trình gần 20 ngày, chúng tôi được gặp gỡ quân dân ở các đảo tiền tiêu, nghe những câu chuyện kể về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân mọi miền đất nước, quân dân trên quần đảo Trường Sa đã có đủ nước ngọt để sử dụng. 

"Trường Sa đang thay da, đổi thịt từng ngày, về mọi mặt”, chúng tôi ra khơi với sự hứng khởi và tò mò khám phá từ lời giới thiệu ngắn gọn của đại tá Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)…

Điện, nước ngọt không còn là nỗi lo

Hành trình đến thăm tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa có 7 đảo, 13 điểm đóng quân, bắt đầu là đảo chìm Đá Lát, rồi đến Trường Sa Lớn, An Bang, Thuyền Chài, Đá Đông, Trường Sa Đông, và kết thúc hải trình với 3 điểm đảo Đá Tây. Quan sát thực tế, rồi qua gặp gỡ, trò chuyện với quân và dân nơi đảo xa, Trường Sa đã và đang thay đổi từng ngày cả về cơ sở vật chất, lẫn đời sống tinh thần. Minh chứng rõ ràng nhất là các đảo đã giải quyết được bài toán thiếu điện, thiếu nước ngọt.

Đến thăm các đảo, một hình ảnh mới mẻ là đảo nào cũng có các cột điện gió, trên mái nhà là những tấm pin năng lượng mặt trời. Ở đảo Trường Sa Lớn, những cột điện gió, tấm pin năng lượng mặt trời đã đem lại nguồn năng lượng sạch cho đảo. Để đảm bảo cung cấp điện cho quân dân, đảo Trường Sa Lớn có trạm xử lý điện. Anh Trần Văn Quân, quản lý trạm cho biết: Những năm đầu giải phóng, điện chỉ sử dụng được 1 - 2 giờ đồng hồ. Đa số nguồn điện từ các bình ắc quy nạp sẵn đem ra từ đất liền, hoặc dùng năng lượng dầu diesel để chạy máy phát điện. Hiện nay, với hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời, vào những ngày nắng đẹp, mỗi giờ đồng hồ, trạm được nạp thêm 200 kWh. Nguồn điện này đủ cung cấp 24/24h cho hoạt động quốc phòng, và khoảng 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho sinh hoạt của người dân.

Ở Trường Sa, nước ngọt là máu. 2 ngày 1 đêm lưu trú ở Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông đã cho chúng tôi hiểu được giá trị của câu nói đó. Trước đây, để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, lính đảo Trường Sa Lớn đã nảy ra sáng kiến đào giếng khơi. Vất vả dùng cuốc chim bổ xuống những khối đá lớn, nhưng thành quả nhận lại chỉ là dòng nước lợ, không thể dùng để uống được. Khi đó, nguồn nước ngọt chỉ trông vào nguồn nước mưa và từ đất liền vận chuyển ra. Còn hiện nay, quân dân trên đảo đã có đủ nước ngọt để sử dụng. "Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đảo được đầu tư xây dựng các bể chứa nước lớn. Đặc biệt là hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt, có thể uống trực tiếp tại vòi, nên đảm bảo đủ nước ngọt để sử dụng” -thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết.

Có điện nên các hộ dân trên đảo Trường Sa Lớn đều mua sắm được ti vi, tủ lạnh để sử dụng hàng ngày. Đủ nước ngọt không chỉ đảm bảo cho sinh hoạt, mà còn giúp các đảo có nước tưới để tăng gia, sản xuất, nâng cao đời sống.

Trường Sa trong tình yêu thương của cả nước

Sự đổi thay của Trường Sa còn thể hiện qua hệ thống cơ sở vật chất, doanh trại, với cảnh quan ngày càng xanh, sạch đẹp và khang trang. Hạ tầng giáo dục ngày càng được cải thiện, giúp học sinh có điều kiện được học tập như ở đất liền. Hệ thống y tế cũng đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân dân trên đảo và ngư dân ra khơi đánh bắt. "Ở trên đảo, ngoài nhận được sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy giáo và cán bộ, chiến sỹ (CB, CS), các con còn nhận được sách vở, đồ chơi do bà con trong đất liền ra thăm đảo tặng. Trạm xá ở đảo cũng được đầu tư máy chụp X-quang, máy nội soi, phòng mổ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân và ngư dân ra khơi đánh bắt cá” - anh Lâm Văn Vinh, người dân đảo Trường Sa Lớn chia sẻ.

 Để có được Trường Sa như ngày hôm nay là nhờ sự đùm bọc, yêu thương của Nhân dân mọi miền đất nước. Đến đảo nào, khi chia sẻ với đoàn công tác, CB, CS cũng bày tỏ sự trân trọng đối với tình cảm của bà con ở đất liền. Trong những ngày cuối của hải trình, với chuyến thăm đảo Đá Tây A, Đá Tây C, chúng tôi đã có dịp được "check in” tại 2 công trình, được coi là biểu tượng cho tình yêu thương của cả nước đối với Trường Sa. Đó là 2 công trình nhà đa năng khang trang, được xây dựng từ chương trình "Góp đá xây Trường Sa” mà Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh đã phát động, với hàng triệu người dân cả nước hưởng ứng. Trung tá Nguyễn Văn Khoái, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây chia sẻ: Công trình không chỉ là nhà ở, nơi tổ chức hội họp, mà còn là nơi CB, CS tập luyện thể thao để giải trí, nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Sự đùm bọc, giúp đỡ của quân dân cả nước là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để CB, CS luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nơi đầu sóng ngọn gió khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của quân dân cả nước, đặc biệt là sự kiên trung, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của CB, CS, Trường Sa đang ngày càng "thay da, đổi thịt”. Và những người con đất Việt đang viết tiếp những bản hùng ca của cha anh.

Viết Đào

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục