Bài 2 - Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu
(HBĐT) - Lĩnh vực du lịch của tỉnh có những bước tiến quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để du lịch có bước phát triển mới mang tính đột phá, cần các giải pháp và chính sách đặc thù, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình.




Du khách diện trang phục và tìm hiểu văn hóa dệt của dân tộc Mông, xã Hang Kia (Mai Châu).

Mục tiêu này được tỉnh xác định trong các nghị quyết, đề án, chương trình hành động... Ngày 9/8/2019, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Đề án cơ cấu lại ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; đang xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới đến năm 2030. Khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra 4 mũi nhọn tỉnh cần tập trung, trong đó đầu tiên là xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch.

Theo Đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh: Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh đón trên 4,9 triệu lượt khách (khách quốc tế 1 triệu lượt), tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng, du lịch đóng góp khoảng 7,25% trong GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, đón trên 7,3 triệu lượt khách (khách quốc tế 2 triệu lượt), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng, du lịch đóng góp khoảng trên 10% trong GRDP của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh xác định cơ cấu lại ngành du lịch. Đối với thị trường khách du lịch, bên cạnh tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách truyền thống, trọng điểm từ Pháp, Hàn Quốc, Úc, Nhật..., tăng cường liên kết để mở rộng thị trường khách tiềm năng từ Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN, châu Âu có thời gian lưu trú dài, chi trả cao, muốn trải nghiệm thiên nhiên, bản sắc văn hóa. Tập trung khai thác khách từ Hà Nội và kết nối với các tỉnh phía Bắc; mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...), du lịch cuối tuần gắn với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm văn hóa dân tộc. 

Đối với củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, khu vực động lực. Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh về du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí. Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng: du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mạo hiểm, mua sắm...

Tập trung hành động hiện thực hóa mục tiêu

Mục tiêu, định hướng phát triển du lịch đã có, vấn đề là xây dựng, triển khai các giải pháp cũng như quyết tâm hành động để hiện thực hóa. Tỉnh đang bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch. Chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào du lịch, đặc biệt là khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Góp ý vào nhiệm vụ, giải pháp lĩnh vực du lịch nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về du lịch như: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của du khách; cơ chế riêng về khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa... 

Thực tế thời gian qua, tăng trưởng lượng khách du lịch và doanh thu chưa cân xứng. Tỉnh đang thực hiện các biện pháp kích cầu du lịch sau dịch Covid-19, song nhìn về tương lai, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Trường nhìn nhận: Quan trọng nhất là sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ. Cần xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao để thu hút nguồn khách có mức chi tiêu cao. Ví như các khu nghỉ dưỡng cao cấp: Serena (Kim Bôi); Ecologe, Hideway (Mai Châu)... Một số dự án du lịch có khách sạn 5 sao trên hồ Hòa Bình, dự án cáp treo ở TP Hòa Bình... đang triển khai hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách.

Ngành VH-TT&DL xác định, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch. Đây được cho là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc, thương hiệu du lịch Hòa Bình.

Chủ cơ sở du lịch cộng đồng ở xã Hang Kia (Mai Châu) Sùng Y Múa chia sẻ: Giữ được bản sắc độc đáo, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn mới thu hút, giữ chân được du khách. Đơn cử như khách cùng trải nghiệm làm nghề nông, nghề truyền thống với dân bản như vẽ sáp ong, dệt vải, nhuộm chàm, làm giấy dó, hái ngô, hái mận, hái chè...

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, khi tăng trưởng sẽ tạo hiệu ứng tốt đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển là các cấp, ngành, địa phương và người dân nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển KT-XH. Từ đó có sự chuẩn bị, tham gia tích cực, chủ động, chuyên nghiệp, bài bản hơn vào nhiệm vụ chung, đem lại lợi ích cho bản thân, cộng đồng và tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu cho du lịch Hòa Bình.

Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Nguyễn Thế Dũng cho biết: TP Hòa Bình phấn đấu tỷ trọng ngành dịch vụ 5 năm tới chiếm 53,9% trong cơ cấu kinh tế. Xác định khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trọng tâm phát triển du lịch thể thao, giải trí, sân golf, khu biệt thự cao cấp tại vùng hồ Hòa Bình; tạo thuận lợi thu hút dự án nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh tại phường Thái Bình, xã Hòa Bình... Tiếp tục phát triển phố văn hóa du lịch ẩm thực 2 bờ sông Đà; hệ thống cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín. Khôi phục, phát huy các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng...


Cẩm Lệ


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục