(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) giúp giảm thiểu tối đa tổn thất trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Hòa Bình là tỉnh miền núi, đời sống của người dân còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ; vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp còn thấp đã ảnh hưởng tới quá trình thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Bài 2 - Thách thức trong hành trình hội nhập 

>>  Bài 1 - Những dấu ấn chiến lược


Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) là đơn vị tiêu biểu ứng dụng công nghệ tự động trong chăm sóc cây trồng.

Manh nha và mới mẻ

Thời gian qua, để tạo tiền đề hình thành CĐS, kinh tế số trong nông nghiệp, ngành NN&PTNT đã chủ động xây dựng hệ thống website của sở nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tra cứu thực hiện thủ tục trực tuyến, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ trong truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chương trình OCOP, phát triển thương mại điện tử. Song số lượng nông hộ, HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý thức chủ động thực hiện CĐS ở tỉnh còn ít.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, việc ứng dụng công nghệ, CĐS trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn manh nha và mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động của con người. Các mô hình nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ điều khiển tự động còn ít, hoặc người dân mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Số lượng nông sản bán trên các sàn thương mại điện tử khiêm tốn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ số chưa đồng bộ. Nhiều phần mềm cung cấp thông tin đã được Sở NN&PTNT triển khai, nhưng tại một số địa phương hệ thống máy tính cấu hình thấp, chưa khai thác được hiệu quả của phần mềm. Thông tin, dữ liệu của ngành thường xuyên thay đổi, người dân chưa cập nhật kịp thời.

Thách thức nữa mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt trong hành trình CĐS là nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị tự động số, thiết bị phân tích rất hạn chế. Nguồn nhân lực của ngành chủ yếu là nông dân, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của nông dân hiện nay rất thấp. Thậm chí nhiều nông dân chưa được tiếp cận với internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Nông dân chủ yếu "trông trời, trông đất, trông mây” để làm nông nghiệp, chưa đầu tư "mua dữ liệu, trông dữ liệu”. Nông dân thiếu thông tin về thị trường, thông tin đối thủ cạnh tranh nên điệp khúc "được mùa, mất giá” đeo bám. Người nông dân chỉ vì lợi nhuận trước mắt, mù mịt về thị trường, ồ ạt sản xuất theo phong trào.

Chỉ vì thiếu thông tin về quy hoạch, về nhu cầu thị trường mà vài năm trở lại đây, người dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt trồng cây ăn quả có múi (CAQCM), không theo quy hoạch dẫn tới sản xuất CAQCM đối diện với nhiều rủi ro, nhiều nông hộ phải chịu thua lỗ. Trong vòng 10 năm, diện tích CAQCM của tỉnh tăng hơn 10 lần. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.005 ha CAQCM, diện tích kinh doanh 849 ha, sản lượng đạt 19.090 tấn. Đến năm 2020, diện tích CAQCM đạt trên 11,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh 8 nghìn ha, sản lượng 15 vạn tấn. Sự phát triển "nóng” CAQCM không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt khiến người trồng CAQCM phải đối mặt với giá bán giảm, thị trường tiêu thụ khó, cây bị nhiều sâu bệnh. Niên vụ 2020 - 2021, giá cam lòng vàng tại vườn chỉ còn khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi tại niên vụ 2016 - 2017, giá bán tại vườn 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Bứt tốc chuyển đổi số

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên CĐS trước. Theo đó, CĐS quốc gia lĩnh vực nông nghiệp xác định sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Ngày 18/6 vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ TT&TT tổ chức hội nghị trực tuyến về CĐS trong ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Bộ NN&PTNT trong việc đưa tri thức vào từng cánh đồng, khu sản xuất.

Hòa chung quyết tâm của cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo luồng sinh khí mới cho đội ngũ cán bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân thay đổi tư duy thực hiện CĐS. Phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: Thời gian tới, ngành NN&PTNT phối hợp các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp nông dân hiểu rõ trong thời kỳ hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0, dám nghĩ, dám áp dụng công nghệ số để thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tập trung vào một số ngành hàng chủ lực, có điều kiện áp dụng như sản xuất CAQCM, rau quả chất lượng cao, cá lòng hồ, cây dược liệu, cây gỗ lớn... gắn với xây dựng nông thôn mới thông minh.

Nông dân cần tăng cường tiếp cận, ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội zalo, facebook... và các website kết nối cung cầu.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp, có tính thực tiễn cao nhằm huy động nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất. Mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về CĐS cho cán bộ ngành, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật. Chú trọng xây dựng, khai thác hệ thống dữ liệu của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi… Thường xuyên, liên tục đăng tải thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai lên website của sở để nông dân lấy đó làm tài liệu trong sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác. Phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.


Thu Thủy

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục