(HBĐT) - Đúng dịp kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm ngày tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2021), cán bộ, Nhân dân TP Hòa Bình được đón sự kiện ý nghĩa mong chờ bấy lâu - thông xe kỹ thuật công trình cầu Hòa Bình 2. Niềm vui, hạnh phúc là cảm nhận chung được ghi nhận trong những ngày vừa qua.



Công trình cầu Hòa Bình 2 (TP Hoà Bình) thông xe kỹ thuật trước thời hạn kết thúc hợp đồng 8 tháng.

Không vui sao được khi chưa đầy 2 năm, 2 cây cầu bề thế được bắc qua sông Đà. Đặc biệt, cầu Hòa Bình 2 được xây dựng không chỉ đáp ứng yêu cầu về giá trị sử dụng, mà còn được xem là cây cầu đẹp, hiện đại nhất trên dòng sông Đà đến thời điểm này, với tháp dây văng tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị và chiếu sáng. Chẳng vậy mà hàng trăm người dân đã háo hức đi xem cầu, không quên chụp những bức ảnh kỷ niệm dưới hệ thống đèn lung linh, huyền ảo vào buổi tối. Dòng sông Đà mộng mơ nay càng thêm thơ mộng.

Ngược lại thời gian, công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Hòa Bình 2 được đặt ra từ cuối năm 2017. Rất nhiều ý tưởng, phương án xây dựng được đề xuất, báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Từ các phương án cầu vòm thép, cầu Extradosed, cầu dây văng, cầu đúc hẫng cân bằng… cùng các phương án kết nối với hạ tầng đôi bờ sông đã được xem xét, so sánh. Với các yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật và kinh tế, phương án cầu đúc hẫng cân bằng với trụ tháp dây văng kiến trúc đã được lựa chọn. Từ đó, chủ trương đầu tư xây dựng công trình được HĐND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 29/QĐ-HĐND, ngày 18/10/2018.

Thực hiện chủ trương đầu tư, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tiến hành lựa chọn tư vấn thiết kế. Nhà thầu được lựa chọn là Công ty CP tư vấn thiết kế đường bộ, thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - nhà thầu tư vấn hàng đầu trong thiết kế cầu ở Việt Nam. Sau quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định, dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt tại Quyết định 2536/QĐ-UBND, ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh với tổng mức đầu tư 590,81 tỷ đồng.

Cầu Hòa Bình 2 có tổng chiều dài 780 m. Trong đó, phần cầu dài 497,05 m, gồm 9 nhịp với 3 nhịp chính thiết kế dầm hộp liên tục đúc hẫng cân bằng; 6 nhịp dẫn thiết kế dầm SuperT và dầm bản được nối liên tục nhiệt. Mặt cắt ngang cầu rộng từ 21,5 m trên nhịp dẫn đến 24 m trên nhịp chính. Mố, trụ cầu đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 1,5 -:- 2m; diện tích sử dụng đất 14.347 m2.

Đường dẫn 2 đầu cầu dài 281,4 m. Điểm đầu nối với đường Trần Hưng Đạo (phường Đồng Tiến), điểm cuối vuốt nối với đường Hoàng Văn Thụ (phường Thịnh Lang). Có 75 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình.

Công trình khởi công ngày 4/11/2019. Chủ đầu tư là Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo đơn vị thi công huy động đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật có chuyên môn cao nhất, cùng với số lượng lớn thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ xây dựng, quyết tâm đạt tiến độ thi công vượt trội. Theo đó, nhà thầu đã tổ chức 3 mũi chính: mũi thi công trên sông để triển khai các kết cấu bê tông đúc tại chỗ, gồm móng cọc khoan nhồi, thân mố, trụ và phần dầm đúc hẫng; mũi thi công trong bãi đúc để triển khai các cấu kiện: cốt thép cho cấu kiện bê tông, các phiến dầm SuperT, dầm bản...; mũi thi công tường chắn, cống thoát nước, đường đầu cầu...

Trong suốt quá trình thi công, hệ thống kiểm soát chất lượng của chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã vận hành theo đúng quy định của pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án với yêu cầu cao nhất về chất lượng.

Đánh giá về dự án cầu Hòa Bình 2, đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, mặc dù gặp không ít khó khăn, vướng mắc do thời tiết, mặt bằng và có thời điểm dự án phải tạm dừng thi công do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song, với quyết tâm vượt qua khó khăn, cùng sự nỗ lực cao nhất của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, công trình đã thông xe kỹ thuật trước thời hạn kết thúc hợp đồng 8 tháng. Đây là thành công vượt trội của những người xây dựng cầu. Để đạt được thành công này, hơn cả là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hòa Bình trong công tác giải phóng mặt bằng và nhất là sự ủng hộ, hợp tác của các hộ dân.

Thong thả rảo bước trên cầu Hòa Bình 2, ông Nguyễn Văn Tác, tổ 1, phường Thịnh Lang phấn khởi: Thông xe kỹ thuật cầu Hòa Bình 2 đúng ngày kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, niềm vui như được nhân đôi. Chúng tôi ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đầu tư xây dựng cây cầu đẹp thế này. Từ đây, việc đi lại của người dân hai bờ sông Đà thuận lợi, gần gũi hơn. Bộ mặt đô thị thêm hiện đại, văn minh. Hôm nay, bà con ra đây để cùng chung vui với tỉnh và thành phố.

Cùng với cầu Hòa Bình 1 và cầu Hòa Bình 3, khi cầu Hòa Bình 2 hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH của thành phố và dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình trong tương lai.


Hoàng Nga

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục