(HBĐT) - Mo Mường là di sản văn hóa (DSVH) đặc biệt linh thiêng của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Trước nguy cơ "báu vật” vô song có thể bị mai một những giá trị không thể khôi phục, hành trình bảo vệ khẩn cấp mo Mường đã được khởi động với sự đồng hành của những con người tràn đầy tâm huyết và trí tuệ, vừa tự hào, vừa có trách nhiệm với mo Mường.


Nghệ nhân mo Mường thực hành diễn xướng mo Mường trên sân khấu của sự kiện "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường". 

Tự hào gắn liền với trách nhiệm

Nghệ nhân mo Mường (NNMM) Bùi Văn Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân” theo Quyết định số 1020/QĐ-CTN, ngày 9/9/2022. Ông trở thành NNMM đầu tiên của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trước đó, vào năm 2015, khi lần đầu tiên Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tôn vinh 20 nghệ nhân có nhiều đóng góp vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của DSVH mo Mường, ông Minh là 1 trong 3 NNMM của tỉnh vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú”. Cùng đợt phong tặng có ông Bùi Văn Nợi và ông Bùi Văn Lựng, đều ở xã Phong Phú (Tân Lạc). Cả 3 đều là nghệ nhân có đóng góp xuất sắc và nổi bật vào việc gìn giữ, bảo tồn DSVH phi vật thể có giá trị vô song của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình: Mo Mường, thuộc loại hình di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng.

"Tôi cũng như các nghệ nhân khác đều vô cùng tự hào khi được phong tặng danh hiệu cao quý. Đây là động lực, tinh thần mà Đảng, Nhà nước đã trao, giúp những nghệ nhân có thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục cống hiến, kiên tâm thực hiện hành trình gìn giữ, phát huy giá trị DSVH của quê hương” - Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh tâm sự.


Các nghệ nhân trong buổi giao lưu các câu lạc bộ mo Mườngtại huyện Cao Phong.

Cùng với các NNMM khác, từ khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú”, NNMM Bùi Văn Minh đã ý thức sâu sắc rằng, tự hào phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm của NNMM là phải phát huy giá trị của di sản bằng cách gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau. Ông kể: Năm 2018, tôi và một số NNMM tâm huyết đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ (CLB) Mo Mường huyện Lạc Sơn. Đến nay, CLB hoạt động được hơn 4 năm, kết nạp được 40 hội viên. Các hội viên luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của mo Mường trong đời sống đương đại. Theo điều lệ của CLB, chúng tôi mở rộng không chỉ có nghệ nhân làm nghề mo mà xem xét kết nạp cả những người làm công tác nghiên cứu khoa học, những người yêu mến và muốn tìm hiểu mo Mường, có trách nhiệm bảo tồn DSVH mo Mường… Hiện nay, CLB có 2 hội viên không phải là nghệ nhân mo, nhưng hiểu biết sâu sắc về mo Mường. Rất tự hào, trong đợt xét duyệt vừa qua, trong CLB có tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân”, ngoài ra có 6 người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú”. Với sự công nhận đó, chúng tôi được tiếp thêm động lực trên hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của mo Mường.

Trên hành trình gìn giữ và phát huy giá trị của mo Mường, toàn tỉnh thành lập được 4 CLB Mo Mường ở các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thuỷ. Bình quân mỗi CLB quy tụ 35 - 40 hội viên là các nghệ nhân, người yêu thích, quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hoá mo Mường. Thống kê đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 NNMM đang nắm giữ và thực hành di sản. Với trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm của mình, họ đã gắn tình yêu với trách nhiệm, biến niềm tự hào thành hành động cụ thể, quyết tâm đóng góp công sức để thực hiện hành trình đầy ý nghĩa: Gìn giữ và phát huy giá trị của mo Mường, giúp di sản quan trọng bậc nhất của người Mường Hòa Bình được "sống” vẹn nguyên và mãi mãi.

Hành trình để mo Mường được "sống”

NNMM Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB mo Mường Thàng (Cao Phong) chia sẻ: Mo là sáng tạo vĩ đại của người Mường, tích tụ gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường. Để mo Mường được "sống” như một giá trị trường tồn mãi với thời gian, trăn trở của NNMM là tìm được truyền nhân xứng đáng để trao truyền, tiếp nối lộ trình nắm giữ và thực hành di sản của chính họ. Hơn ai hết, NNMM là những người hiểu sâu, hiểu rõ nhất những giá trị tốt đẹp của mo Mường. Đây là văn hóa bản địa, là niềm tự hào, tín ngưỡng luôn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường Hoà Bình. Còn trách nhiệm của những NNMM không chỉ là gìn giữ được trọn vẹn hồn cốt của mo Mường mà quan trọng hơn, còn phải trao truyền lại cho thế hệ sau. Đó là con đường duy nhất để mo Mường "sống” trong lòng dân tộc, như một dòng suối nguồn trong trẻo, chảy mãi trong cuộc sống của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.


Nghệ nhân mo Mường Bùi Văn Khẩn, xã Phong Phú (Tân Lạc) với các đồ tế khí hành nghề mo.

Nếu như mo Mường được coi là "báu vật” của người Mường, giữ một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được, thì NNMM - người nắm giữ lời mo và trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường chính là "hồn cốt” của "báu vật” mo Mường. Vì mo Mường chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu nên NNMM có vai trò then chốt trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di sản trong cuộc sống đương đại. Xác định rõ điều đó, tỉnh đã động viên các NNMM hiện có tiếp tục thực hành và truyền dạy di sản mo Mường thường xuyên. Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận; ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh người có công bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy mo Mường… Cùng với đó, hành trình gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của mo Mường đang thu hút sự tham gia của hệ thống chính trị và ngày càng nhiều người con xứ Mường yêu quê hương. Từ trái tim kết nối đến trái tim, tất cả cùng tiếp sức cho các NNMM trên lộ trình trao truyền và kết nối, quyết tâm xây dựng một không gian văn hóa giúp nuôi dưỡng mo Mường.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL trao đổi: Mo Mường ở Hòa Bình là DSVH phi vật thể quốc gia mang nhiều giá trị đặc sắc, đang được "sống” trong cộng đồng dân tộc Mường của tỉnh. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ hội thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của mo Mường dần bị thu hẹp, có nguy cơ mai một, đặt ra yêu cầu cấp bách cần bảo tồn DSVH đặc biệt này. Bằng chứng là mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn là di sản cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Việc đệ trình hồ sơ mo Mường nhằm khẳng định vai trò, giá trị của di sản với đời sống văn hóa cộng đồng người Mường; góp phần kịp thời bảo vệ, phát huy giá trị di sản; đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng chủ thể đang nắm giữ di sản. Đến nay, việc xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các tỉnh có di sản; đồng thời, giao Sở VH-TT&DL phối hợp Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) lập kế hoạch xây dựng hồ sơ. Quá trình xây dựng hồ sơ đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng chủ thể, các nhà quản lý văn hóa, đặc biệt là chính quyền địa phương. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ khẩn cấp DSVH mo Mường, để mo Mường được "sống” vẹn nguyên, xứng đáng là "báu vật” tinh thần trường tồn nơi đất Mường tươi đẹp.

TT

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục