(HBĐT) - Ký ức trong tôi, Hải Phòng khi xưa chỉ có trong những câu chuyện bà ngoại kể, đó là một nơi phố xá phồn hoa, tấp nập người xe trong mắt của một người ở quê ra phố thị làm "hàng xáo” (buôn gạo)... Từ ký ức đó, sau này mỗi lần có dịp về thành phố cảng, tôi lại dành một ngày để lang thang khắp phố phường đất cảng như bước chân của ngoại khi xưa...


Nhà hát thành phố - một trong những điểm check in của giới trẻ khi đến Hải Phòng.

Sức hấp dẫn nơi thành phố cảng

Hải Phòng không chỉ có cảng biển lớn nhất miền Bắc mà còn nhiều địa điểm có sức hấp dẫn du khách đến đây. Lịch sử ghi chép rằng, Hải Phòng là vùng đất cổ nằm trong đồng bằng châu thổ sông Hồng. Có nhiều dòng sông lớn, nhỏ chảy qua thành phố trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Con sông Cấm lớn nhất thành phố không chỉ mang phù sa cho đồng ruộng mà còn là tuyến đường thủy huyết mạch, nơi bến cảng lớn nhất được người Pháp xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX để giao thương với nước ngoài. Cũng vì thế mà Hải Phòng mang tên thành phố cảng.

Ngoài cái tên thành phố cảng, Hải Phòng còn được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ, vì nơi đây trồng rất nhiều phượng. Trong mắt nhiều du khách, Hải Phòng nổi tiếng với Đồ Sơn hay Cát Bà với những tour du lịch biển đảo hấp dẫn. Nhưng đến Hải Phòng lần này, tôi muốn lang thang ở trung tâm thành phố để trải nghiệm một ngày bình thường của người dân nơi đây.

Bắt đầu từ công viên trước nhà hát thành phố, tôi lang thang trên vài con đường lớn nhỏ. Những con đường sạch sẽ dọc ngang nối nhau, điểm vài hàng quán bán trên vỉa hè. Những hàng cây tán rộng phủ bóng mát xuống lòng đường. Trên những tuyến đường nội đô nhiều căn nhà cũ xen lẫn những căn nhà mới, cửa tiệm buôn bán. Qua những con đường có cơ quan hành chính, nhiều tòa nhà được xây dựng với phong cách, kiến trúc của thời kỳ người Pháp đến vùng đất này. Tôi đến với những con đường buôn bán sầm uất của thành phố như: phố Cầu Đất, chợ Ga, phố Quang Trung, phố Lãn Ông... Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, ghi chú cả năm tháng, phủ rêu phong và bụi thời gian nằm phía sau dãy hàng quán, như khẳng định sự hiện diện rất lâu của mình ở thành phố. Một nét lạ là trung tâm thành phố không đông khách du lịch. Hầu hết là hoạt động thường ngày của người dân địa phương với dịch vụ hàng quán và các loại hình giải trí. 

Như nhiều thành phố khác, Hải Phòng cũng có những con hẻm nhỏ giữa khu dân cư, khu tập thể. Các hàng quán bán những món đồ rất đặc trưng và gắn liền với đời sống người dân từ bao năm nay. Đi du lịch thì phải thưởng thức ít nhất một món đặc sản nơi ghé thăm. Chúng tôi chọn món bánh đa cua trên phố Lê Chân, món ăn gắn với tên thành phố này. Tôi nghĩ lại những lời cảnh báo của bạn bè từ thuở sinh viên, về Hải Phòng nếu lơ ngơ là sẽ bị bắt nạt, nhất là khi mua đồ hay ăn uống ở nơi này. Nhưng trải nghiệm lại cho tôi cảm giác Hải Phòng là thành phố thân thiện, gần gũi với du khách. Chúng tôi không bị chèo kéo khi mua đồ, không bị hét giá khi vào cửa hàng ăn uống, thậm chí chủ quán còn chủ động đến hỏi thăm, trò chuyện khi biết khách ăn không phải là người địa phương.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt

Một trong những điều đặc biệt ở thành phố này là phía sau sự ồn ào phố thị có rất nhiều di tích cổ hoặc những địa điểm gắn với di tích cổ từ thời kỳ phong kiến đến những tòa nhà được thực dân Pháp xây dựng thời kỳ nửa thuộc địa nhuốm màu thời gian. Đầu tiên là đền Nghè, nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người đã có công khai phá và lập ra làng An Biên xưa - nay là Hải Phòng. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh thuộc dạng di sản, mà còn là nơi người dân thành phố đến viếng mỗi buổi chiều hàng ngày để cầu xin phước lộc.
 
Ngoài đền Nghè, Hải Phòng còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lễ hội độc đáo với các khu di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên) gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc là Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền; khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy. Đây là nơi thờ linh vị 5 vị vua triều Mạc. Tại khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều đồ thờ, cổ vật quý giá. Đặc biệt là thanh Định Nam Đao, từng được vua Mạc Đăng Dung sử dụng xông pha chiến trận và "bách chiến bách thắng”; khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); chùa Dư Hàng (quận Lê Chân); khu di tích đền, chùa Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên)... là những điểm tâm linh có ý nghĩa quan trọng đối với người dân thành phố cảng.

Sau những bước chân lang thang, chúng tôi chọn quán cà phê Art gallery Lục trên đường Quang Trung, phía sau quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân là điểm dừng chân cuối cùng, nghỉ ngơi trước khi rời thành phố. Với dân du lịch bụi, đây là điểm dừng chân thú vị. Bởi ngoài việc được ngắm những bức tranh của chủ quán còn có thể trò chuyện về những tác phẩm và niềm đam mê của ông. Đây cũng là nơi nhiều người có máu du ca lãng tử tụ tập, tìm về ngồi ôm cây đàn ghi ta hát. Không đủ lớn khiến khách ngồi bàn bên khó chịu, nhưng cũng đủ gây chú ý với những ai yêu thích môn nghệ thuật này.

Rời thành phố cảng, trên những tuyến đường rợp bóng cây phượng già xù xì nét cổ kính, chợt nghe đâu đó vang lên lời ca quen thuộc, hào sảng của bài hát "Khi xuân sang trên bến cảng”. 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục