(HBĐT) - Huyện Yên Thủy không có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, cũng không có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ. Đời sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% giá trị nền kinh tế. Tuy nhiên, trên mảnh đất "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” này, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với nhiều khó khăn. Do phát triển tự phát nên diện tích nhiều loại cây trồng như cây ăn quả có múi, sắn, ngô… đang vượt quá quy hoạch, đầu ra gặp khó. Việc xúc tiến tiêu thụ nông sản chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, giá trị sản phẩm thấp. Do đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản là việc huyện Yên Thủy đang tích cực triển khai.


>> Bài 2 - Tái cơ cấu gắn với khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp



Người dân xóm Đầm, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) xuống giống bí xanh vụ hè 2023.

Những năm qua làm nông nghiệp theo "phong trào” là thực tế đã diễn ra trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Yên Thủy nói riêng. Khi cam, bưởi được giá, nhà nhà trồng bưởi, từ Hữu Lợi ra Yên Trị xuống Ngọc Lương. Khi cây cà gai leo được xác định là cây trồng thoát nghèo, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện, thế là chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cà gai leo vọt tăng thêm hàng trăm ha. Cung vượt cầu, cuối năm 2022, người dân trồng bưởi khóc ròng vì giá bưởi xuống đáy, bưởi chất đầy nhà không bán được; cà gai leo phải chặt bỏ khi giá lao dốc từ 80.000 đồng còn 15.000 đồng/kg.

Diện tích một số cây trồng đang vượt quy hoạch

Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy, diện tích cây ăn quả lâu năm trên địa bàn huyện là 1.386 ha; trong đó, cây có múi 1.266 ha, chủ yếu là bưởi với diện tích 1.200 ha (đang cho thu hoạch 713 ha); tập trung ở các xã: Ngọc Lương, Yên Trị, Bảo Hiệu, Phú Lai, Đoàn Kết, Hữu Lợi, thị trấn Hàng Trạm… Diện tích bưởi tăng nhanh vượt quy hoạch, do đó huyện đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu, dự kiến giảm diện tích bưởi toàn huyện còn trên 800 ha, tức sẽ cần chuyển khoảng 400 ha trồng bưởi sang canh tác các loại cây trồng khác.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết: Ngọc Lương là vùng trồng bưởi lớn nhất của huyện Yên Thủy. Tính đến tháng 5/2023, diện tích trồng bưởi trên địa bàn xã là 551 ha, diện tích đã cho thu hoạch 300 ha. Theo quy hoạch, diện tích phát triển cây bưởi của xã giai đoạn 2019 - 2030 là 327 ha. Như vậy, diện tích bưởi thực tế hiện vượt quá 224 ha, tương đương vượt gần 70% so với quy hoạch.

Cùng với bưởi, đã có giai đoạn huyện phát triển "nóng” cây cà gai leo. Người dân các xã: Đa Phúc, Bảo Hiệu, Yên Trị… ồ ạt trồng cà gai leo. Đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: Lúc cao điểm, nguyên xã Đa Phúc có đến 200 ha cà gai leo. Thời điểm bán được giá nhất là 80.000 đồng/kg cà gai leo khô, hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Vậy nên nhiều hộ đã chuyển diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cà gai leo. Tuy nhiên, sau đó giá cà gai leo sụt giảm nghiêm trọng, có lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg, tiêu thụ khó khăn. Người dân chặt bỏ cà gai leo, quay trở về trồng sắn, mía. Diện tích cà gai leo trên địa bàn xã hiện còn khoảng 100 ha. Thời điểm này cà gai leo có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bà con bắt đầu trồng lại. Xã đang sát sao theo dõi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không để tái tình trạng diện tích tăng vọt, vượt quá quy hoạch, khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện nay, một số cây trồng cũng có diện tích vượt quá so với quy hoạch, cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Toàn huyện có 1.221 ha sắn, định hướng của huyện phải giảm còn 1.000 ha. Như xã Đa Phúc có diện tích trồng sắn 200 ha, mục tiêu giảm 50 ha, xã đang vận động người dân chuyển diện tích trồng sắn kém hiệu quả, nhất là diện tích sắn bị bệnh khảm lá sắn khiến sắn không có củ, năng suất thấp sang trồng cây khác. Diện tích lúa 3.100 ha, trong khi quy hoạch khoảng 2.700 ha nên cần chuyển diện tích cấy lúa 1 vụ hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng khác.

Khủng hoảng thừa và bấp bênh đầu ra

Tìm hiểu thực tế được biết, ngoài xã Ngọc Lương, việc trồng bưởi tự phát trên địa bàn các xã: Hữu Lợi, Yên Trị, Phú Lai… cũng diễn ra khá nhiều, gây khó cho việc quản lý vùng nguyên liệu, khó khăn cho đầu ra sản phẩm. Mặt khác, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo, thiếu nước tưới…, nhiều diện tích bưởi trồng rải rác tại các xã có dấu hiệu kém phát triển, sản lượng, chất lượng đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Một số hộ đã chặt bưởi, dọn đất để chuyển sang trồng cây khác; một số hộ vì tiếc công đầu tư, chăm sóc nên vẫn cố giữ và hy vọng sẽ có thể bán lá, hoa phục vụ sản xuất tinh dầu bưởi.

Việc phát triển tràn lan không chỉ gây khó cho chăm sóc, hình thành vùng nguyên liệu tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP… mà còn liên quan một vấn đề rất lớn đó là đầu ra cho nông sản. Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết: Với 300 ha bưởi toàn xã đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 6,6 triệu quả/năm, sản lượng quá lớn nên đầu ra gặp khó. Năm 2022, giá bưởi sụt giảm nhiều so với mọi năm. Hiệu quả kinh tế không đạt được như kỳ vọng.

Ngoài bưởi thì phát triển quá "nóng” những loại cây trồng khác mà đầu ra chưa đảm bảo cũng khiến người nông dân lo lắng trước mỗi vụ thu hoạch. Đầu tháng 5, chúng tôi về thăm vựa bí Bảo Hiệu. Bà con đang hối hả thu hoạch bí xanh, bí đỏ vụ trước cũng như khẩn trương làm đất để xuống giống vụ mới. Toàn huyện có 1.500 ha bí, rau, đậu… các loại, trong đó chủ yếu là bí xanh, bí đỏ trồng nhiều nhất ở xã Bảo Hiệu. Khẩn trương xuống giống bí xanh vụ mới, anh Bùi Văn Thành, xóm Đầm, xã Bảo Hiệu cho biết: Nhà tôi trồng khoảng 6.000 m2 bí xanh. Mỗi vụ xuống giống khoảng 1 vạn cây. Trung bình mỗi năm thu hoạch 27 tấn bí. Giá bí xanh được tầm 8.000 đồng/kg thì mới có lãi, nhưng nhiều năm giá xuống đến 2.000 - 3.000 đồng/kg, không đủ bù chi phí đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc. Tuy nhiên, so với lúa và các cây trồng khác thì bí xanh vẫn cho hiệu quả kinh tế hơn, gia đình đã quen và có kinh nghiệm trồng bí nên năm nay vẫn tiếp tục trồng bí xanh. Còn giá cả thì nín thở chờ thị trường, may rủi.

Phát triển nông nghiệp theo phong trào, tự phát, diện tích một số cây trồng vượt cao so với quy hoạch dẫn đến khủng hoảng thừa nông sản, giảm giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp chưa được như kỳ vọng. Đây là bài toán khó mà huyện Yên Thủy cần tập trung tháo gỡ để nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả.

(Còn nữa)


Dương Liễu

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục