(HBĐT) - Khi thông tin về việc Tập đoàn Sun Group xin chủ trương khảo sát lập dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại khu vực Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) được UBND tỉnh chấp thuận, ngay lập tức khu vực này lên cơn "sốt đất”. Nhiều kẻ mang danh nghĩa "nhà đầu tư” nhảy vào "ôm” hàng chục ha đất để trục lợi khi dự án được triển khai. Tuy nhiên, sau cơn sốt đất, nhiều lá đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi...

 



Cán bộ xã Quý Hòa (Lạc Sơn) tuyên truyền người dân không mua bán, chuyển nhượng đất trái phép trên địa bàn xóm Thung 1.

Trên thực tế, việc mua bán đất nông nghiệp, đất rừng, thậm chí là đất rừng phòng hộ trái phép diễn ra sôi động ở Đồi Thung trong thời gian khá dài. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Cho đến khi cơn sốt hạ nhiệt, nhiều lá đơn kêu cứu được gửi đi khắp nơi để tố cáo về những hành vi sai phạm trong việc mua bán đất trái phép và dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các "nhà đầu tư”...   

Từ lá đơn kêu cứu

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa cho biết: Thời gian qua, UBND xã nhận được nhiều đơn đề nghị của người dân các xóm Thung 1, Thung 2 trình báo về việc bị một số người đến mua đất, sau khi mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đi không thấy quay trở lại. Gần đây nhất vào tháng 5/2023, UBND xã nhận được đơn tố cáo của bà Tạ Thị Minh, trú tại tổ 3, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) tố cáo bà Bùi Thị Hồng, đăng ký thường trú tại tổ 6, phường Thái Bình đã dùng GCNQSDĐ một số lô đất rừng, đất canh tác mua trái phép tại khu vực Đồi Thung làm tài sản thế chấp để lừa, đổi lấy bất động sản gồm nhà, đất của em trai bà là ông Tạ Hồng Chương tại TP Hòa Bình có trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Cùng với gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đơn tố cáo gửi đến Báo Hòa Bình, bà Tạ Thị Minh nêu: Bà Bùi Thị Hồng đã mua trái phép nhiều lô đất rừng, ruộng trực tiếp của nông dân. Sau đó mang 14 GCNQSDĐ của người dân được mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật dưới hình thức viết tay, không được cơ quan chức năng xác nhận để gán nợ mua bán nhà đất với ông Tạ Hồng Chương. Số tài sản gồm nhà, đất của ông Tạ Hồng Chương tại TP Hòa Bình trị giá khoảng 10 tỷ đồng...

Đồng chí Nguyễn Quốc Tiệp, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Vừa qua, UBND huyện nhận được đơn của bà Tạ Thị Minh tố cáo bà Bùi Thị Hồng dùng nhiều GCNQSDĐ của các hộ dân ở Đồi Thung làm tài sản thế chấp trong việc mua bán nhà, đất tại TP Hòa Bình. UBND huyện đã chuyển đơn, giao Công an huyện xác minh, điều tra, làm rõ.

Mua bán đất không văn tự

Theo các hồ sơ, tài liệu do UBND xã Quý Hòa cung cấp, tính đến thời điểm tháng 4/2022, tại xóm Thung 1, Thung 2 có 48 trường hợp người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trái phép cho 6 người ở địa phương khác, trong đó có bà Bùi Thị Hồng. Theo biên bản làm việc ngày 27/1/2021 giữa UBND xã Quý Hòa và bà Bùi Thị Hồng về việc bà Hồng nhận chuyển nhượng QSDĐ đất ở, đất vườn, đất canh tác (trồng lúa), đất rừng phòng hộ trái pháp luật tại khu vực Đồi Thung, bà Hồng đã nhận chuyển nhượng QSDĐ ở, đất canh tác và đất rừng của khoảng gần 30 hộ dân tại xóm Thung 1, Thung 2. 

Qua tìm hiểu được biết, trong tổng số hàng chục nghìn m2 đất bà Bùi Thị Hồng nhận chuyển nhượng QSDĐ của người dân, số đất ở chiếm tỷ lệ rất ít và diện tích nhỏ, chủ yếu là đất canh tác (trồng lúa) và đất rừng phòng hộ. Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Lạc Sơn, pháp luật quy định đất rừng phòng hộ là loại đất không được phép chuyển nhượng, mua bán. Đối với đất canh tác (trồng lúa) nếu không phải là người địa phương, mua bán đất không sử dụng vào mục đích canh tác sẽ không được mua bán, chuyển nhượng. Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng QSDĐ canh tác, đất rừng phòng hộ giữa các hộ dân với bà Bùi Thị Hồng hoàn toàn trái pháp luật.

Điều đáng nói, dù biết trái pháp luật nhưng bà Bùi Thị Hồng vẫn thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng QSDĐ "chui” với các hộ dân. Đồng chí Bùi Văn Dương, Trưởng phòng TN&MT huyện Lạc Sơn cho biết: Huyện đang tiếp nhận, thụ lý giải quyết 7 đơn tố cáo của người dân liên quan đến việc các tổ chức, cá nhân, trong đó có bà Bùi Thị Hồng về việc cho các hộ dân ký vào cuối tờ giấy trắng hoặc điểm chỉ mà họ không biết chữ ký, dấu điểm chỉ các đối tượng này sử dụng vào mục đích gì.

Trong nhiều hồ sơ, tài liệu gia đình bà Tạ Thị Minh cung cấp cho phóng viên, có 8 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, 13 GCNQSDĐ kèm theo hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa các hộ dân với bà Bùi Thị Hồng, hầu hết không có thông tin về tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của cả "bên chuyển nhượng” và bên "nhận chuyển nhượng”. Dẫu vậy, ở cuối trang vẫn có chữ ký, điểm chỉ của người dân là "bên chuyển nhượng”.

Quá trình nắm bắt thông tin từ người dân, chúng tôi được ông Bùi Văn Dưn, xóm Thung 2 là người đã chuyển nhượng QSDĐ rừng phòng hộ cho bà Bùi Thị Hồng chia sẻ: Quá trình làm hợp đồng, thủ tục mua bán chuyển nhượng QSDĐ với bà Bùi Thị Hồng chúng tôi chỉ biết ký, điểm chỉ vào dưới tờ giấy trắng. Sau khi thực hiện xong thủ tục mua bán, bà Hồng cầm luôn GCNQSDĐ và hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đi, gia đình tôi không được cầm bất cứ một loại giấy tờ gì khác. 

Đáng nói hơn, theo ông Bùi Văn Dưn, gia đình ông chỉ bán 1/2 trong tổng số 21.592m2 đất rừng phòng hộ được Nhà nước giao. Nhưng sau khi làm các thủ tục mua bán, chuyển nhượng QSDĐ, bà Hồng đã cầm luôn GCNQSDĐ để làm thủ tục tách bìa mấy năm nay chưa thấy trả lại.

Theo đồng chí Bùi Thế Lượng, công chức địa chính - xây dựng xã Quý Hòa, thành viên tổ công tác của xã về xử lý tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất trái phép ở khu vực Đồi Thung: Quá trình rà soát, nắm tình hình có nhiều trường hợp giống gia đình ông Dưn. Nhiều người cũng trong tình cảnh "đứng ngồi không yên” khi GCNQSDĐ bị người mua cầm đi từ mấy năm nay sau khi ký và điểm chỉ vào một tờ giấy trắng không có nội dung gì. Thậm chí có những người chỉ cầm có 2 triệu đồng mà vẫn đưa sổ đỏ cho người mua cầm đi. Vì lẽ đó có thời điểm gây bức xúc trong Nhân dân, một số trường hợp người dân trở nên quá khích khi cán bộ xã, huyện đề cập đến vấn đề này...

(Còn nữa)


Nhóm PV Phòng XDĐ - NC

Các tin khác


Tìm hướng đi bền vững cho nông sản chủ lực “xuất ngoại”: Bài 1- Nỗ lực để có được "visa” ra thế giới

 
(HBĐT) - Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là lĩnh vực nhận được sự quan tâm, đầu tư phát triển và đã chứng minh vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho việc đưa nông sản thế mạnh, đặc trưng của tỉnh lần lượt "xuất ngoại”.
 

Thành phố Hòa Bình vươn tầm đô thị loại II: Bài 2 - Kỳ vọng “về đích” đúng hẹn

(HBĐT) - Bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, thành phố vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn để trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Song, TPHB quyết tâm hoàn thành mục tiêu nghị quyết đã đề ra, "về đích” đúng hẹn.

Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù.  Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định. 

Gỡ nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp: Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Thành phố Hòa Bình vươn tầm đô thị loại II: Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục