(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.


Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Tân Lạc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân cho công dân Bùi Văn Quang (SN 1994) ở xóm Ngay, xã Mỹ Hòa trong tâm thế "dở khóc, dở cười”. 

Chuyện thật như đùa

Cơn mưa rừng bất chợt cũng không làm vợi bớt vị mặn mòi của mồ hôi trên áo những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) trong tổ công tác lưu động thu nhận hồ sơ cấp CCCD của Công an huyện Tân Lạc và Công an xã Vân Sơn trên con đường núi gập ghềnh đá tai mèo sắc nhọn. Trên đầu là mưa, dưới chân là những con vắt rừng ngoe nguẩy khi thấy hơi người trên nền đất ẩm trơn trượt. Nhưng bước chân của CBCS tổ công tác lưu động vẫn đi về phía ngôi nhà nhỏ tạm bợ được che chắn bằng cành củi, lá khô nằm chon von nơi vách núi của "người đàn bà cô đơn” Bùi Thị Ừng. Là người bị mắc bệnh tâm thần nên từ nhiều năm qua, bà Ừng chỉ có một mình, cũng chẳng giao tiếp với ai. Cuộc sống đơn côi như đã trở thành thói quen nên mỗi khi thấy bóng người, người đàn bà này lại co rúm, hú hét rồi chạy biến vào rừng sâu...

Thiếu tá Đinh Xuân Tùng, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH), Công an huyện Tân Lạc chia sẻ: Trường hợp này các tổ công tác của Công an huyện, Công an xã đã nhiều lần đến vận động, hỗ trợ làm CCCD nhưng đều không được. Do cứ thấy có người là lại bỏ chạy, anh em không thể tiếp cận được.   

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở xã vùng cao được gọi là "cổng trời” của huyện Tân Lạc. Theo Đại úy Bùi Văn Việt, Phó trưởng Công an xã Vân Sơn, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp mắc bệnh tâm thần. Đối với những trường hợp này, việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD là hành trình hết sức gian nan, thậm chí nguy hiểm đối với CBCS.

Là người chỉ huy luôn sâu sát, sát cánh cùng CBCS trong chiến dịch cấp CCCD, Thượng tá Phạm Minh Thắng, Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc luôn thấu hiểu những gian nan, vất vả của đồng đội, anh chia sẻ: Việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD, nhất là cho các đối tượng yếu thế, người mắc bệnh tâm thần, có những việc nếu không được tận mắt chứng kiến có lẽ nhiều người cho rằng đó chỉ là những câu chuyện đùa tếu táo. Theo đó, để có thể thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các trường hợp là người tâm thần, CBCS tổ công tác lưu động và Công an xã phải vận dụng mọi phương thức để tiếp cận, vận động, hóa trang... Nhiều trường hợp, CBCS vừa chụp ảnh thu nhận hồ sơ cấp CCCD vừa trong tâm thế sẵn sàng... bỏ chạy, khi trên tay công dân lúc nào cũng lăm lăm con dao sắc lẹm. Hoặc có trường hợp CBCS phải chơi trò "đuổi bắt” với công dân khắp quả đồi chỉ để chụp được cái ảnh chân dung. 

Đại úy Bùi Văn Việt, Phó trưởng Công an xã Vân Sơn chia sẻ thêm: Quá trình thu nhận hồ sơ cấp CCCD, anh em chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp "dở khóc, dở cười”. Như trường hợp của công dân Bùi Văn Banh ở xóm Bục, Đinh Văn Bì ở xóm Hượp. Đây là những công dân bị bệnh tâm thần, nhiều năm qua gia đình nuôi nhốt ở nhà để tránh gây ra những hậu họa đáng tiếc. Vì bị nuôi nhốt trong thời gian dài nên tâm tính của họ rất hung hãn, chỉ cần thấy có người lạ là có những hành vi đe dọa hoặc phản kháng quyết liệt, không dễ để tiếp cận...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ sự cố gắng, nỗ lực và sáng tạo

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tính đến thời điểm này, cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, Công an huyện Tân Lạc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 73.181/73.181 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, kể cả những người yếu thế, người mắc bệnh tâm thần. Đáng nói, các xã vùng cao của huyện luôn là những đơn vị "về đích sớm” khi hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân có đăng ký thường trú, kể cả số công dân đi làm ăn xa.

Để có được những kết quả đó, theo Đại úy Bùi Tiến Lâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHCVTTXH, Công an huyện Tân Lạc là do Công an huyện đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, quyền và lợi ích cũng như những tiện ích mang lại cho người dân từ việc làm thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an huyện quan tâm sâu sát, động viên CBCS nỗ lực hết mình cho "chiến dịch” thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Với tinh thần làm việc "người nghỉ nhưng máy không nghỉ”, mỗi CBCS luôn nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Như đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua, nhằm tạo điều kiện tối đa cho những công dân chưa làm thủ tục cấp CCCD, nhất là công dân đi làm ăn xa, học sinh sinh viên có đăng ký thường trú tại huyện, Công an huyện tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho người dân xuyên suốt trong 5 ngày nghỉ lễ tại trụ sở Công an huyện, thành lập các tổ công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD lưu động ở 15 xã trên địa bàn. Nhiều trường hợp ở xa, khó khăn về phương tiện, lực lượng Công an chủ động bố trí phương tiện đến tận nhà người dân đưa đón đến trụ sở để làm thủ tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Với tinh thần "vì Nhân dân phục vụ”, những hành động đẹp này của CBCS Công an trong toàn huyện được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Không chỉ có sự cố gắng, nỗ lực hết sức, hết mình vì Nhân dân, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính phục vụ Nhân dân, Công an huyện Tân Lạc đã có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt phát huy, áp dụng thực hiện tốt, có hiệu quả sáng kiến phần mềm quản lý tác nghiệp tích hợp với thiết kế, vận hành trang thông tin điện tử Đội Cảnh sát QLHCVTTXH của Công an huyện. Sáng kiến này đã đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng kiến khoa học cấp tỉnh.

Ngoài ra, sáng kiến "Cải tiến quy trình cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân huyện Tân Lạc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số và cải cách hành chính” đoạt giải nhất cấp huyện. Cả 2 sáng kiến đều được công nhận có ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh. Những kết quả này là sự ghi nhận cố gắng, nỗ lực vượt khó của CBCS Công an huyện Tân Lạc.

Ngoài phần thưởng là bằng khen, giấy khen thì sự ủng hộ của Nhân dân đối với lực lượng Công an với những hình ảnh đẹp trong lòng dân chính là phần thưởng có giá trị nhất đối với mỗi CBCS Công an huyện. Hơn nữa, việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp CCCD cho người dân cũng là nền tảng mở ra một chương mới trên hành trình chuyển đổi số, đưa những người dân, kể cả những người dân yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn của vùng đất Mường Bi trở thành những "công dân số” trong thời đại số...    

 Mạnh Hùng

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục