(HBĐT) - Nhìn tải măng trước mặt áng chừng đến 30 kg. Mang bán số măng, tính ra chưa đầy 1 tiếng, người nông dân này đã bỏ túi 450.000 đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người miền núi. Không chỉ gia đình anh Pốt mà trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi, nhiều gia đình mỗi năm có nguồn thu từ măng lên tới vài chục triệu đồng không còn là hiếm. 

 


Từ việc thu hoạch măng và cây lành hanh đã mang lại nguồn thu đáng kế cho gia đình anh Cao Viết Pốt ở xã Gia Mô (Tân Lạc). 

Trồng rừng, giữ rừng để hưởng "lộc" rừng

Dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi không thể theo kịp anh Cao Viết Pốt, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) để len vào giữa cánh rừng lành hanh mọc trên sườn núi đá. Nhiều cây măng đã lớn vổng vượt quá đầu người sau những trận mưa vào hè. Những ngọn măng vừa nhú khỏi lớp đất mềm xốp chính là thứ "lộc” rừng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh và những người biết trồng rừng, giữ rừng...

Sau một hồi mải miết luồn rừng, tôi cũng tìm thấy anh Pốt. Mới một loáng "lạc người” anh Pốt đã kịp "hái” cả nửa tải măng. "Cái giống măng này cây nào lớn nhất cũng chỉ to bằng bắp tay người lớn. Ngon nhất là những cây măng vừa nhú lên khỏi mặt đất khoảng chục phân. Lúc này măng vẫn còn ngọt, không bị đắng. Khi cây măng đã bật lên khỏi mặt đất ăn sẽ đắng hơn. Tuy nhiên, người ăn được đắng thì lại thích loại măng này”, anh Pốt chia sẻ. Theo anh Pốt, ở đất Gia Mô này, ngoài nhà anh trồng khoảng 2 ha rừng lành hanh để lấy măng và cây làm cột chống thì cả xã chỉ có dăm bảy hộ nữa có rừng lành hanh với diện tích cũng không lớn. Do vậy, nhiều khi thu hái măng bán cho người dân quanh xã không đủ.

Lành hanh trước đây là loại cây rừng tự nhiên, giống với tre, trúc. Tuy nhiên, cây lành hanh không mọc thành bụi mà mỗi cây mọc riêng lẻ. Nhưng khi có 1 cây, lành hanh sẽ lan rộng, phát triển thành rừng. Rễ cây lan đến đâu sẽ mọc thành cây ở đó. Khu rừng lành hanh của gia đình anh Pốt tính ra cũng đã được cả chục năm. Trước đây chỉ là vùng núi đá, toàn cây tạp dại. Sau những lần đi rừng, anh Pốt mang cây lành hanh về trồng nhằm giữ cho đất không bị trôi, lở. Sau nhiều năm, giống cây lành hanh phát triển thành rừng với diện tích lên tới cả ha. Ban đầu gia đình anh nghĩ đơn giản cây dùng để làm cột chống, đan lát đồ dùng, măng để ăn thay rau. Người trong xóm ai ăn măng tự lên rừng lấy, ăn được bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Vì ngọn măng có đáng là bao nên cũng chẳng cần trông giữ.

Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, khi măng đắng trở thành sản vật của vùng đất Hòa Bình, được người tiêu dùng ưa chuộng thì mỗi năm cũng mang về cho gia đình anh Pốt cả chục triệu đồng. Ngoài bán măng, hàng năm, gia đình anh chặt cây bán có thêm một nguồn thu đáng kể. Theo anh Pốt, điều thú vị là càng cuối mùa măng lại càng được giá, nhất là loại măng đắng từ giống cây lành hanh mọc trên núi đá. Cái đắng làm cho ta có cảm giác càng ăn càng thấy ngon, càng thấy "nghiện”... Nếu như đầu mùa và giữa mùa bán với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, cao lắm cũng chỉ 7.000 đồng/kg. Nhưng vào cuối mùa, phải đến 15.000 đồng/kg, nhiều lúc không có mà bán.

Nhìn tải măng trước mặt áng chừng đến 30 kg. Mang bán số măng, tính ra chưa đầy 1 tiếng, người nông dân này đã bỏ túi 450.000 đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người miền núi.

Không chỉ gia đình anh Pốt mà trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi, nhiều gia đình mỗi năm có nguồn thu từ măng lên tới vài chục triệu đồng không còn là hiếm. Như ở xóm Đồi Thung - xã Quý Hòa (Lạc Sơn), xóm Bưa Cầu - xã Hùng Sơn (Kim Bôi) từ xưa đến nay, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào thu hái măng trên rừng. Bình quân mỗi hộ ở các xóm này thu hàng chục triệu đồng/vụ từ măng và chặt tỉa cây, chủ yếu là thu từ măng. Nhờ đó, nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống, mua được tivi, xe máy, có điều kiện cho con ăn học đầy đủ.

Sản phẩm từ măng, tre được chắp cánh vươn xa

Thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT, đến năm 2023, toàn tỉnh có 17.704,88 ha tre, luồng. Phần lớn là diện tích rừng trồng, phân bố chủ yếu ở huyện Đà Bắc và Mai Châu, chiếm 71% tổng diện tích tre, luồng toàn tỉnh. Trong đó, huyện Đà Bắc có diện tích lớn nhất với 7.151,91 ha, chiếm 40,4% tổng diện tích tre, luồng của tỉnh; huyện Mai Châu có 5.430 ha, chiếm 30,6% tổng diện tích tre, luồng của tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc trồng và kinh doanh tre, luồng góp phần nâng cao sinh kế của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của nhiều hộ đã đổi thay nhờ việc trồng tre, luồng và thu hoạch măng.

Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh thu hoạch khoảng 5 triệu cây tre, luồng các loại và 8.253,6 tấn măng, mang lại nguồn thu trên 136,3 tỷ đồng. Cây tre, luồng đã trở thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ phục vụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp thu mua chế biến các sản phẩm từ tre, luồng để phục vụ xuất khẩu. Trong đó có 1 doanh nghiệp chế biến sản phẩm tre, luồng quy mô lớn nhất Việt Nam đặt tại huyện Mai Châu. Bên cạnh thu hoạch cây, việc thu hoạch măng cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Sau khi khai thác, măng được bán cho các chợ đầu mối để phân phối đến người tiêu dùng ở các tỉnh và nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, trên trong tỉnh có 1 doanh nghiệp sản xuất măng xuất khẩu là Công ty CP Kim Bôi tại thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy). Sản phẩm măng của công ty vừa lọt vào top "20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam” năm 2023. Sản phẩm không chỉ có mặt ở các siêu thị, sàn thương mại điện tử mà còn xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Trong đó, sản phẩm đặc trưng là măng Kim Bôi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, xuất khẩu đi các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước Đông Âu.

Từ việc đẩy mạnh, tập trung các sản phẩm từ tre, luồng trở thành nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất. Nhờ đó, năm 2022, giá trị hàng hóa của các sản phẩm tre, luồng toàn tỉnh đạt 50,85 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xuất khẩu 29,083 tỷ đồng; giá trị sản xuất, tiêu thụ nội địa 21,76 tỷ đồng. Trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ măng, tre toàn tỉnh đã đạt hàng chục tỷ đồng; riêng các sản phẩm măng của Công ty CP Kim Bôi đạt giá trị xuất khẩu trên 13 tỷ đồng. Đây được xem là cơ hội cho nhiều hộ gia đình, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đổi thay cuộc sống.


Phóng sự xã hội của Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục