Ở nơi giao hòa giữa trời đất, Thung Mài hiện ra ngỡ ngàng thật lạ, thật đẹp, thật bình yên.

Ở nơi giao hòa giữa trời đất, Thung Mài hiện ra ngỡ ngàng thật lạ, thật đẹp, thật bình yên.

(HBĐT) - Có một điều kỳ lạ mà chưa có một ai lý giải nổi tại sao ở trên đỉnh ngọn núi cao nhất của xã Hang Kia từ bao đời nay vẫn tồn tại một hồ nước tinh khiết, mát lành, trong khi đó, ngay dưới chân núi luôn phải đối mặt với những “mùa khát” dai dẳng. Nhưng kỳ lạ hơn khi cuộc sống ở Thung Mài lại không có ma túy. Dẫu cho nơi đây chỉ cách con đường thẩm lậu ma túy lớn và phức tạp nhất cả nước, biên giới Việt - Lào chỉ 12 km tính theo đường chim bay.

 

 Bài 2 - Kỳ lạ Thung Mài

Khó quá Thung Mài!       

 

Dù đã nhờ cả Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Nhà và Trưởng Công an xã Khà A Ga cho người dẫn đường lên Thung Mài nhưng vẫn phải chạy ngược, chạy xuôi ở UBND xã Hang Kia mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới mượn được xe và tìm được người chịu dẫn đường lên Thung Mài, đó là Phó Trưởng Công an xã Giàng A Tráng.

 

Cũng là người bạo gan, hay đi nhiều trên các tuyến đường xương xẩu ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng có lẽ chưa có con đường nào làm tôi chùn tay lái như con đường lên Thung Mài, dù từ UBND xã tới xóm chỉ 8 km. Có những đoạn đường thênh thang toàn... đá hộc. Lạ đường, quả không dễ đi. Chiếc xe cứ chồm lên như con ngựa chứng buổi đầu vào kỳ thuần hóa. Phía sau tôi, phó Trưởng Công an xã Giàng A Tráng bám chặt như một con mèo rừng nhưng mấy bận cũng suýt bị hất ngã. Là xóm nằm ở đỉnh núi cao nhất vùng nên đường lên Thung Mài cũng toàn dốc dựng ngược. Giữa đại ngàn thâm u, chiếc xe gằn lên đến xót ruột bò qua từng mỏm đá, hộc lên những tiếng rền rĩ với mùi dầu máy khét lẹt.

 

Trên đỉnh dốc ở nơi giao hòa giữa trời đất, Thung Mài hiện ra ngỡ ngàng thật lạ, thật đẹp và thật bình yên. Những nếp nhà gỗ cùng một lối kiến trúc, cùng một tay thợ tài hoa như những bao diêm với những hàng rào đá đặc trưng chạy dài xung quanh được sắp xếp kỳ công quần tụ chênh vênh trên sườn núi đẹp như một bức tranh thủy mặc. ở đó, lẫn trong bản hòa ca vi vút của gió núi đại ngàn, của tiếng khèn môi đang tấu lên những khúc nhạc yêu đời phía rừng xa còn có tiếng ê a học chữ của đám trẻ ở chi trường tiểu học xã Hang Kia. Như để cho tôi hiểu thêm cuộc sống ở Thung Mài, Giàng A Tráng bảo: Đây là xóm ở nơi cao nhất xã. Cái tên Thung Mài là được gọi theo tiếng Thái nó có nghĩa là vùng đất có nước. Khoảng đất bằng phẳng trước mặt chúng tôi và cũng là nơi 39 nóc nhà hướng mặt về trước đây là một cái hồ nước quanh năm mát lành đảm bảo phục vụ cho cuộc sống của 200 nhân khẩu nơi đây. Thế nhưng chẳng hiểu tại sao 2 năm lại đây, hàng nghìn m3 nước như có ai múc đổ đi hết, đến giờ chẳng còn nổi một vũng bùn cho trâu đằm. Lòng hồ giờ đã khô đét, đất rắn đanh trở thành sân chơi cho bọn trẻ. Là vùng cao nhất, điều đó cũng có nghĩa Thung Mài là nơi khó khăn nhất. Cho dù Thung Mài đã được đầu tư có điện lưới với một con đường dốc đá chênh vênh, một chi trường mầm non và tiểu học với 3 lớp ghép cho hơn chục đứa trẻ. Cuộc sống gần như khép kín nên ở Thung Mài vẫn còn nguyên những hủ tục lạc hậu với tình trạng tảo hôn khá phổ biến. Đất canh tác ít, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, dong riềng và cây mận hậu nên đa phần vẫn còn nghèo khó. Tuy vậy, khi trao đổi với chúng tôi cả Vàng A Nhà, Khà A Ga, Giàng A Tráng và cả lãnh đạo Công an huyện Mai Châu cũng đều khẳng định: Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cho đến giờ, Thung Mài vẫn là xóm duy nhất trong 13 xóm của 2 xã đồng bào người Mông không có người nghiện ma túy, không có người tham gia buôn bán, vận chuyển và liên quan đến ma túy. Dù cho xung quanh đó đều là những điểm nóng vô cùng phức tạp về tình trạng tội phạm ma túy. Dù cho nơi đây cũng không xa con đường vận chuyển ma túy lớn nhất, phức tạp nhất cả nước. Nếu tính theo đường chim bay, Thung Mài chỉ cách biên giới  Việt - Lào 12 km, còn nếu theo đường rừng, từ Thung Mài qua biên giới cũng chỉ khoảng hơn 20 km.     

 

Mỗi nóc nhà là một “pháo đài”

 

Nằm ở giữa vòng vây của ma túy, tại sao Thung Mài lại không có một ai nghiện ma túy, không có ai tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy như những xóm bản khác?! Chúng tôi đã mang thắc mắc, câu hỏi đó đến với chính những người dân sống ở Thung Mài để tìm lời giải đáp. Người mà chúng tôi gặp là Sùng A Đua, Chủ tịch Hội CCB xã Hang Kia. Lý giải về điều này, Sùng A Đua cho rằng, để giữ vững không cho ma túy xâm nhập vào địa bàn xóm liên tục trong những năm qua, các ngành, đoàn thể xóm đã tích cực phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng - chống tội phạm ma túy. Từ đó đã làm cho người dân tin vào Đảng, nghe theo cán bộ trong bài trừ ma túy ra khỏi cuộc sống. Nhờ vậy, từ năm 1993 đến nay, sau khi thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, ở Thung Mài cũng xóa luôn người nghiện. Theo phó Trưởng Công an xã Hang Kia Giàng A Tráng thì không phải là một ngoại lệ, trước đây người dân ở Thung Mài cũng trồng rất nhiều cây thuốc phiện và có nhiều người nghiện. Tính ra, nhà nào trồng ít cũng vài nghìn mét, còn nhà trồng nhiều thì cũng hàng chục nghìn mét. Cây anh túc được trồng quanh nhà, trải một màu đỏ, tím khắp nương đồi. Cuộc sống người dân khi đó chủ yếu phụ thuộc vào cây thuốc phiện. Vậy nhưng khi được vận động, người dân ở Thung Mài từ người già đến người trẻ đã tự nguyện nhổ phá vườn cây thuốc phiện đang bước vào kỳ thu nhựa,  cũng tự nguyện cai nghiện ma túy. Lý giải thắc mắc là dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng chẳng ai có ý định tham gia buôn bán hay vận chuyển ma túy?! Sùng A Đua cho rằng, do được tuyên truyền đầy đủ, kịp thời nên người dân ở Thung Mài đã luôn có ý thức giữ gìn không vi phạm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Người già bảo người trẻ, người trẻ bảo nhau không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, không nghiện ma túy. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ai cũng xác định tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy lúc được thì không sao nhưng khi bị bắt sẽ mất tất cả. Người đi tù thì sướng rồi nhưng khổ nhất là vợ con những người thân ở nhà.

 

       

         Cuộc sống khó khăn nhưng Thung Mài không còn thiếu con chữ.

 

Với nhận thức đó, tính từ thời điểm năm 1993 đến nay, Thung Mài chỉ có duy nhất một người là Khà A Dưa bị đi tù vì ma túy năm 2008. Khi đó, Khà A Dưa đang là học sinh bị các đối tượng dụ dỗ vận chuyển thuê. Khà A Dưa đã bị lực lượng chức năng Công an tỉnh bắt quả tang khi đang trên đường vận chuyển 2 bánh hêrôin. Tại phiên tòa xét xử, Khà A Dưa đã nhận rõ lỗi lầm và 15 năm tù mà TAND tỉnh đã tuyên phạt được chính Khà A Dưa và những người thân trong xóm đồng tình. Trường hợp của Khà A Dưa trở thành gương xấu để người già ở Thung Mài thường mang ra răn dạy con cháu. Trong luật tục của người Mông không có những quy định, quy ước nào về tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Nhưng trong quy ước bất thành văn của xóm Thung Mài, nhà nào có người liên quan đến ma túy thì cả dòng họ, những người có uy tín trong dòng họ và các chủ hộ phải nói được cho người vi phạm nghe, hiểu, phải làm cho họ từ bỏ con đường phạm tội, phải làm theo chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước không tham gia buôn bán, vận chuyển, không nghiện ma túy. Nếu không sẽ bị cộng đồng dòng họ tẩy chay. Đây được coi là biện pháp mạnh,  có hiệu quả trong ngăn chặn sự xâm nhập, thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Thung Mài.

 

Cho đến nay, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Thung Mài vẫn giữ được sự bình yên vốn có. Giữ cho cuộc sống không có ma túy giữa vòng vây ma túy chính là điều kỳ lạ nhất ở đỉnh núi quanh năm mờ sương này. Từ đỉnh núi Xà nhìn về Thung Mài giữa ngày đông hiếm hoi có chút nắng thật thanh bình. Thanh bình từ trong mỗi ánh mắt, nụ cười của những cô gái trẻ ngồi bên hiên nhà sưởi nắng, thanh bình từ khúc nhạc réo rắt của cụ Sùng A Dễ vút cao hòa cùng tiếng ê a học chữ của lũ trẻ trong ngôi trường mới xây còn thơm mùi vôi vữa. Nơi đây, không xa miền biên viễn, chúng tôi vẫn luôn tin rằng cuộc sống ở Thung Mài ngày mai sẽ sáng. Nơi đại ngàn người Mông kiên định với tinh thần “bài trừ” ma túy thì chẳng cơn gió độc nào có thể làm vẩn đục vào cuộc sống bình yên.

 

 

 

                                                                            Mạnh Hùng  

Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục