(HBĐT) - Vốn là một quan võ của triều đình, đi đến đâu cũng "tiền hô, hậu ủng”, nhưng Thạch Phò mã mắc khá nhiều khuyết điểm, nên Phụ vương đành hạ chỉ đưa về làm Phó trưởng phòng GD&ĐT phụ trách khối mầm non ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.


Giữ chức vụ mới, Thạch Phó phòng không khỏi băn khoăn, trăn trở với mục tiêu xây dựng "trường ra trường, lớp ra lớp”, để lũ học trò lít nhít "mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Vậy là ngày ngày, tân Phó Trưởng phòng đến từng trường, thăm từng lớp để kiểm tra, rà soát, nắm tình hình nhằm đưa mọi việc đi vào nề nếp.

Mọi việc rồi cứ dần dà trôi qua, khối mầm non do Thạch Phó phòng phụ trách đã có những bước khởi sắc. Các bậc phụ huynh không tiếc lời khen. Nào là "Con tôi đi học phát triển hài hòa về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm”. Nào là "Cháu tôi bé xíu nhưng đến trường đã được học kỹ năng sống và có đầu óc thẩm mỹ, lại biết viết chữ, biết đếm từ 1 đến 10, thực sự là rất yên tâm khi vài năm nữa cháu vào lớp 1”... Tiếng lành đồn xa, mấy năm liền, khối mầm non ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được cấp trên ghi nhận, biểu dương, khen thưởng khiến Thạch Phó phòng cũng "mát lòng, mát dạ”.

Hôm ấy, khi Thạch Phó phòng đang mải mê nghiên cứu Chương trình giáo dục trẻ mẫu giáo từ 3 đến 6 tuổi do Bộ GD&ĐT mới ban hành, thì nghe tiếng gõ cửa. Vừa sộc vào, ông anh kết nghĩa đã oang oang: "Chú ngồi ở cái chức ấy mà gia cảnh sập sệ thế, nghe lời anh chắc chắn chú sẽ đổi đời”. Vốn không ít lần "sểnh chân” vì mưu kế của Lý Thông, nên Thạch Phó phòng tỏ ra rất cảnh giác: "Em được Phụ thân chiếu cố cho làm ở vị trí này là quý lắm rồi. Từ nay trở đi chẳng ham hố làm gì cho mang tiếng anh ạ!”. Ấy vậy mà khi Lý Thông ghé vào tai thì thầm một lúc đã thấy Thạch Phó phòng gật đầu lia lịa, rồi còn trầm trồ: "Đúng là thượng sách”.

Chả là theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với các trường mầm non, trẻ từ 3 tuổi đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Theo đó, lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi tối đa 25 trẻ, lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi, tối đa 30 trẻ và lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi, tối đa 35 trẻ. Vậy là lấy danh nghĩa "Đối ngoại”, Thạch Phó phòng đã ngầm chỉ đạo các Hiệu trưởng ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” nhận thêm mỗi lớp từ 10 đến 15 trẻ. Các bậc phụ huynh cũng hiểu để tranh giành được suất "đối ngoại” là phải phong bao, quà cáp. Được Thạch Phó phòng "bật đèn xanh”, nên sỹ số học sinh ở các trường mầm non trong vùng luôn trong tình trạng dôi dư. Đương nhiên là "lộc bất tận hưởng” nên cuộc sống của Thạch Phó phòng và thuộc hạ ngày càng dư giả.

Làm trái quy định nên việc đối phó với hoạt động kiểm tra, giám sát của các trường cũng phải hết sức "nhanh nhậy”. Vì thế, nếu cấp trên kiểm tra định kỳ thì các cô giáo gọi điện cho cha mẹ học sinh tạm nghỉ 1 buổi hoặc 1 ngày. Nhưng nếu kiểm tra đột xuất thì cô giáo đành phải đưa trẻ "tạm lánh” ra cổng trường, dưới nhà bếp, sau tường rào… Hôm ấy, đoàn thanh tra bất ngờ đến "thực thi công vụ” ở trường mầm non X., do quá đột xuất, cô giáo chủ nhiệm lớp 3 - 4 tuổi chỉ kịp đưa được 7 trẻ thuộc diện "dôi dư” ra cổng sau, còn lại 3 cháu vội đưa vào tủ quần áo và dặn dò rất cẩn thận: "Các con nằm yên trong đó, không được mất trật tự, khi nào cô cho ra mới ra nhé!”. Khi đoàn thanh tra kết thúc công việc, cả trường thở phào nhẹ nhõm. Vì có việc riêng, cô chủ nhiệm nhờ đồng nghiệp khác trông lớp hộ để về trước. Khi các phụ huynh đến đón con, cháu thì cả trường nháo nhào vì thiếu 3 trẻ. Bị triệu đến, cô giáo chủ nhiệm cũng nhợt nhạt vì hoảng sợ. Cũng còn may, khi mở tủ thì 3 trẻ vẫn đang ngủ li bì.

Sự việc vỡ lở, khối mầm non ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” bị thanh tra toàn diện và phương án "đối ngoại” của Thạch Phó phòng cùng các thuộc hạ cũng bị "lật tẩy”. Hàng loạt cán bộ quản lý và giáo viên bị kỷ luật. Riêng Thạch Phó Phòng với vai trò là người "cầm đầu” nên bị buộc thôi việc. Trở về với cung, rìu, nỏ, chàng tiều phu ân hận lắm, nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Đại Quang

 

Các tin khác


“Chủ thầu”

(HBĐT) - Quanh đi quẩn lại, cuối cùng Thạch Sanh quyết định vay vốn thành lập riêng một công ty TNHH của mình, nhằm "mượn vía” phụ vương để kiếm chác ít nhiều khi xây dựng các công trình từ nguồn vốn của cung đình ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Thạch Sanh tân truyện: Không dùng tiền mặt

(HBĐT) - Vì thương con gái yêu và bày cháu lít nhít, cân nhắc mãi, cuối cùng Vua cha cũng quyết định can thiệp với thuộc cấp bố trí cho chàng rể đầy tai tiếng giữ chức Đội trưởng Đội kiểm tra trật tự đô thị (KTTTĐT) ở vùng "rừng xanh núi đỏ”.

Điểm số của con

(HBĐT) - Vừa vào nhà, anh D. thấy vợ tóc tai rối bù, đi đi lại lại trong phòng ra chiều sốt ruột, còn con cún - con gái rượu đang thút thít khóc ở chân cầu thang. Tiếng bà vợ trầm bổng:

Chuyện đời thường: Bao bọc “cậu ấm”

(HBĐT) - Chiều nay, thằng cu Tũn nhà bên phố vừa bị mẹ nó đánh cho một trận nên thân… Thông tin đó được mấy gia đình cùng dãy đưa thành "chủ đề” chính cho cuộc trà thuốc cuối ngày. Còn bọn trẻ con thì tò mò hơn, liếc mắt nhìn bố mẹ với nhiều hàm ý và đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau. Cuối cùng, mọi chuyện cũng rõ: Nó bị đánh vì "can tội” dám trốn nhà đi tắm suối cùng bạn học.

Những người bạn của con

(HBĐT)-Lâu lắm bà K mới gặp bà bạn cũ. Trước ở cùng phố với nhau mấy chục năm, nhưng do điều kiện gia đình đã "hạ sơn” theo các con về đồng bằng. Nay, du lịch khởi động lại, dịch Covid-19 tạm lắng, nhân chuyến đi lòng hồ, gặp lại người quen, chuyện cứ nổ như ngô rang. Rôm rả lắm. Chuyện về những người bạn chung, về dãy phố thân quen, về những người con đang tuổi trưởng thành…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục