(HBĐT) - Không cam chịu số phận nghiệt ngã của người tàn phế do tai nạn giao thông, anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã bền bỉ vượt lên nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, để chế tạo thành công sản phẩm xe lăn đầu kéo điện được khách hàng cả nước tin dùng. Câu chuyện của anh Tích đã truyền cảm hứng cho những người cùng hoàn cảnh vươn lên hòa nhập với xã hội, có ích cho cộng đồng, là điển hình học tập, làm theo lời Bác và điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh.


Anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) hướng dẫn kỹ thuật chế tạo sản phẩm xe đầu kéo điện cho khách hàng.

Những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, chúng tôi trở lại thăm cơ sở sản xuất xe lăn đầu kéo điện dành cho người khuyết tật của anh Lê Huy Tích. Cuộc sống, công việc của anh vẫn gắn bó với chiếc xe lăn. Ngồi trên xe lăn, anh chỉ đạo nhân viên chủ yếu là người khuyết tật gia công, khớp nối, lắp ráp các chi tiết, cấu kiện hoàn thiện sản phẩm xe lăn đầu kéo, sửa chữa các loại xe máy điện để kịp thời cung cấp cho các đơn hàng.

Anh Tích cho biết: Từ ngày tham gia diễn đàn "Hoàn thiện sự đi lại cho người già và người khuyết tật” với sản phẩm xe lăn đầu kéo điện, rồi ý tưởng, dự án được trao giải ba cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, tại cuộc thi giải pháp sáng tạo tiếp cận người khuyết tật quy mô toàn quốc tổ chức vào tháng 10/2019, sản phẩm xe lăn đầu kéo hoàn thiện việc đi lại của người khuyết tật của cơ sở Lê Huy Tích vinh dự là 1 trong 3 giải thưởng được tổ chức UNDP và chương trình hỗ trợ chuyên sâu từ Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trao thưởng. Sau giải thưởng danh giá này, một tổ chức quốc tế đã hỗ trợ cơ sở của anh Tích đầu tư trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thông qua đó, các đơn hàng nhiều hơn, cơ sở huy động tối đa nhân lực làm không hết việc. Có một công ty chế tạo muốn hợp tác để sản xuất xe lăn đầu kéo điện với quy mô lớn.

Câu chuyện vượt lên số phận, hòa nhập với cuộc sống, lập nghiệp của anh Lê Huy Tích thật đáng nể phục. Gần 20 năm trước, khi là một thanh niên có trình độ, được đào tạo cơ bản, làm việc trong cơ quan Nhà nước với biết bao ước mong, dự định chờ đón, trên đường đi công tác, anh Tích bị tai nạn giao thông. Cú ngã trên đường khiến anh trở thành người tàn phế, bị liệt nửa người, cả đời phải di chuyển trên xe lăn. Kèm với nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần hoảng loạn là gánh nặng cho người thân, gia đình tưởng như anh không thể gượng dậy. Chính những lúc ngồi trên xe lăn, nhìn dòng đời hối hả, anh Tích dần hình thành khát vọng vươn lên, ban đầu chỉ là mong muốn tự sửa chữa, chế tạo xe lăn cho bản thân để di chuyển thuận lợi hơn. Rồi về sau, khát vọng mãnh liệt là chế tạo xe lăn cho người cùng hoàn cảnh.

Năm 2016, với khoản tiền trợ cấp tai nạn và huy động người thân thế chấp đất vay vốn ngân hàng, anh Tích quyết định học thêm và mở cơ sở sửa chữa xe điện. Trong quá trình làm việc, anh đã nghiên cứu chế tạo, lắp ráp thành công sản phẩm xe lăn đầu kéo điện dành cho người khuyết tật. Vì cũng là người khuyết tật nên sản phẩm phẩm xe lăn đầu kéo điện của anh Tích có tâm huyết và sự chân thành, bảo đảm kết cấu vững chắc, độ tiện nghi vượt trội. Sản phẩm xe ngày càng hoàn thiện với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tiện dụng, giá thành hợp lý, nhiều người biết đến hơn. Kết cấu xe có phần đầu kéo riêng, dễ dàng lắp ghép với xe khác, giúp người dùng chủ động tháo lắp mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Khi không cần đi xa, người dùng có thể tách rời đầu kéo và di chuyển bằng bánh lăn. Giá xe lăn đầu kéo điện trên thị trường khoảng 20 triệu đồng/chiếc, tại cơ sở của anh Tích từ khoảng 18 triệu đồng/chiếc, được khách hàng là người già, người khuyết tật tin tưởng. Tính từ năm 2016 đến nay, hàng trăm sản phẩm của cơ sở được cung cấp đến hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Nam, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh... Anh Tích tâm sự: Nhiều người gọi tôi là Tích tiền tỷ. Sản xuất hàng trăm chiếc xe lăn, thế nhưng cũng chỉ là bóc ngắn cắn dài. Làm một sản phẩm phải trả tiền vật liệu, vật tư, công vận chuyển nên lãi không nhiều. Mừng vì việc nhiều, nhưng chúng tôi cũng lo lắng không đủ thời gian hoàn thành đơn hàng cam kết. Mỗi khi thời tiết thay đổi, thân thể lại đau ê ẩm nhưng vẫn phải cố không chỉ vì việc làm và thu nhập. Mà chính trong lao động đem lại hạnh phúc cho bản thân và còn là niềm vui khi cung cấp được các sản phẩm vừa ý cho khách hàng là người khuyết tật, không may mắn.

Tới đây, hoạt động của cơ sở tiếp tục được mở rộng khi đưa máy móc hiện đại vào sản xuất sẽ nâng công suất lên gấp rưỡi, gấp đôi, chất lượng, mẫu mã cũng sẽ đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn sớm được cơ quan chức năng, tổ chức tạo điều kiện để có mặt bằng khi xưởng sản xuất hiện tại chuẩn bị thu hồi để có mặt bằng mới thuận lợi, thực hiện dự định xây dựng một trung tâm sống và làm việc cho người khuyết tật.

Linh Trang


Các tin khác


Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục