(HBĐT) - Bản Suối Rằm thuộc xã Cun Pheo, huyện Mai Châu nằm trên núi cao, là địa bàn giáp ranh của 3 tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La. Bản có 24 hộ dân là người Mông di cư tự do ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái tụ hợp lại. Giao thông khó khăn nên trẻ em không thể đến trường. Nhưng rồi có một "bà giáo” tình nguyện lên đây dạy học để các em biết đến con chữ.


Bà Bùi Thị Kiên (ngồi giữa) kể chuyện học ở bản Suối Rằm, xã Cun Pheo (Mai Châu).

Bà Bùi Thị Kiên sống ở xóm Cun, xã Cun Pheo, cách bản Suối Rằm khoảng 20 km. Bà không phải là công dân của bản Suối Rằm. Gia đình khó khăn nên bà Kiên nhận lời trông lán thuê cho người quen có đất ở bản Suối Rằm. Cách đây 3 tháng, bà Kiên lên bản Suối Rằm làm thuê cho một người cùng bản có trang trại ở đây. Những ngày sống ở nơi gió núi mây ngàn này, bà thường xuyên đến các gia đình người Mông chơi. Các hộ dân nơi đây cuộc sống vô cùng khó khăn, nhà dựng bằng phên tre nứa ghép lại. Cuộc sống của người dân Suối Rằm đơn giản, sáng họ đi trồng ngô, trồng lúa trên núi đến tối về. Trẻ em sinh ra đến lúc lớn lên không được đến trường, ít đứa trẻ nói được tiếng phổ thông. Cảm thông với những đứa trẻ ở đây, bà Kiên quyết định dạy chữ cho trẻ. Bà Kiên đã đưa kế hoạch ra bàn với các hộ trong bản, bà con không ai tin. Sau nhiều ngày thuyết phục, một số hộ đồng ý để bà Kiên mở lớp dạy chữ cho con em mình.

Một vài người đến lán của bà Kiên cùng san gạt góc đồi làm lớp học. Lớp học chỉ đơn giản vài cái cọc, che bạt tránh mưa nắng. Bàn ghế được ghép lại bằng mấy tấm ván cũ. Không có bảng, không có phấn, bà dùng tấm ván cũ làm bảng. Phấn viết dùng than củi. Lớp học thiếu thốn trăm bề nhưng cũng được "khai giảng”. Lần đầu tiên bản Suối Rằm có một lớp học cho bọn trẻ. Buổi đầu có 19 học sinh đến lớp. Bà Kiên chưa từng học qua lớp sư phạm nào, bà cứ lấy tấm lòng nhiệt tình của mình ra dạy các cháu, biết đến đâu dạy đến đó. Sự cố gắng của bà sau một thời gian nhiều cháu đã biết đọc những chữ đầu tiên. Đến nay lớp học đã diễn ra được hơn 1 tháng. Học sinh đến lớp tương đối đều đặn, bà Kiên đã nhớ tên học sinh.

Hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của học sinh ở bản, ông chủ của bà Kiên đã mua một cái bảng đen và phấn trắng ủng hộ bà dạy học. Bà Kiên kể: Giờ trẻ đã viết và đọc được tên của mình. Vui hơn là chúng có thể nói được tiếng phổ thông. Từ đây, việc giao tiếp giữa tôi và bọn trẻ dễ dàng hơn. Tôi biết đến đâu dạy chúng đến đó. Mình không phải là cô giáo, nhưng nghe chúng gọi là cô giáo tôi thấy thật hạnh phúc.

Vào thăm chỗ ở của bà Kiên thấy cuộc sống của bà thật đơn sơ. Dưới mái nhà tranh tre dựng tạm, đồ đạc chỉ có vài cái xoong, nồi cùng chiếc giường được làm từ phên tre ghép lại. Ngoài thời gian làm việc cho ông chủ, bà chăm chút cho lớp học. Sau mỗi ngày, lớp học được ghép thêm bởi những phên tre. "Mùa đông ở nơi này lạnh tê tái, nhìn các cháu ngồi học giữa bốn bề gió lùa mà tôi rơi nước mắt. Điều đó càng thôi thúc tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Các cháu biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông là phần thưởng lớn nhất. Cuộc đời tôi đã từng đi học lớp xóa mù chữ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại trở thành "bà giáo” bất đắc dĩ như thế này”.

Lớp học hiện lên giữa bốn bề gió lùa. 4 cái ghế ngồi kín học sinh. Cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ mới 7 tuổi. Bà Kiên cho hay: Đa phần học sinh trong lớp chưa nói được tiếng phổ thông nên việc dạy học rất vất vả. Buổi dạy học đầu tiên học sinh chỉ biết chào cô giáo bằng tiếng Mông: "nho zoong”, "pù say”, nghĩa là chào cô giáo. Bà Kiên không biết nói tiếng Mông cũng học mót vài tiếng chào của học sinh. Bà cứ theo cái nếp đó mà dạy chúng nói tiếng phổ thông. Từ đầu tiên bà dạy là "Chào cô giáo". Bọn trẻ đồng thanh đánh vần.

Một tuần bà Kiên mở lớp khoảng 5 buổi sáng. Học sinh đến lớp với quần áo lấm lem, vá chằng vá đụp, đầu tóc bết cứng như cây lau bên rừng. "Nhìn các cháu tôi thương lắm! Sau mỗi buổi học tôi rút kinh nghiệm ra cách dạy, cách động viên các cháu học tốt hơn”. Ước mong của bà Kiên là dạy được cho tất cả trẻ nhỏ nơi đây biết đọc, biết viết tiếng Việt là niềm hạnh phúc của bà.
 

Việt Lâm


Các tin khác


Gặp gỡ bác sỹ “thuyền trưởng” Bệnh viện Đa khoa tỉnh

(HBĐT) - Tháng 11/2020, bác sỹ Nguyễn Hoàng Diệu nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong bối cảnh khá đặc biệt. Dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, cùng với đó là những "ngổn ngang” tại bệnh viện như cơ sở vật chất xuống cấp; uy tín, hình ảnh bệnh viện bị ảnh hưởng từ sự cố y khoa năm 2017; một số bác sỹ có tay nghề chuyển công tác; tâm tư cán bộ, nhân viên y tế xáo trộn…

Chị Đào Thị Tuyết vượt khó vươn lên làm giàu

(HBĐT) - Không chỉ là tấm gương phụ nữ tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, chị Đào Thị Tuyết, sinh năm 1980, hội viên chi hội phụ nữ thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) còn có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào Hội Phụ nữ tại địa phương. Hàng năm, chị Tuyết đều được chi hội phụ nữ bình bầu là cá nhân tiêu biểu xuất sắc; năm 2022 được Hội LHPN huyện khen thưởng.

Nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu

(HBĐT) - "Năng nổ, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc, thể hiện tốt vai trò Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp", đó là nhận xét của công nhân lao động về chị Đỗ Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình (Lạc Thủy).

Cán bộ Công an xã thấm nhuần lời Bác dạy

(HBĐT) - Nằm ở phía Tây của huyện Mai Châu, xã Mai Hịch có 7 xóm, 944 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 85%. An ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn cơ bản ổn định, song nổi lên một số vấn đề phức tạp tác động đến nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Tình trạng tranh chấp đất rừng, mâu mắc nội bộ, trộm cắp tài sản, tệ nạn ma túy... gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Học tập và làm theo lời Bác dạy bằng những việc làm cụ thể, Thượng úy Vì Văn Nam, Phó Trưởng Công an xã đã làm chuyển biến rõ nét an ninh cơ sở, được Nhân dân tin yêu, quý mến.

Bí thư Chi đoàn Giàng A La gương mẫu, làm kinh tế giỏi

(HBĐT) - Giàng A La, Bí thư Chi đoàn xóm Pà Khôm, xã Hang Kia (Mai Châu) là tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế của xã.

Sáng ngời nụ cười chiến sỹ Cảnh sát quản lý hành chính

(HBĐT) - Với tinh thần "Vì Nhân dân phục vụ”, cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLCHVTTXH), Công an tỉnh không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn giữ nụ cười thân thiện, niềm nở mỗi khi tiếp xúc, hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục