(HBĐT) - Gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) ở huyện Đà Bắc diễn biến phức tạp với số lượng, tính chất và mức độ nghiêm trọng có xu hướng ngày càng tăng. Nổi cộm trong giai đoạn 2016 - 2021 xảy ra một số vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, như: Đối tượng và nạn nhân có cùng huyết thống; nạn nhân còn quá nhỏ tuổi hoặc bị xâm hại nhiều lần. Tội phạm XHTDTE và bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, tạo sự lo lắng, bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.


Cộng tác viên Chương trình vùng tuyên truyền can thiệp tại hộ gia đình trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc).

6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn xảy ra 2 vụ XHTDTE, trong đó 1 vụ ở thị trấn Đà Bắc, 1 vụ ở xã Tân Minh. Đáng chú ý, nạn nhân bị XHTDTE ở thôn Công, thị trấn Đà Bắc là X.P.A (SN 2013) năm ngoái đã từng bị chính ông nội xâm hại. Đối tượng XHTDTE đối với X.P.A lần này là X.V.S (SN 1977). Vụ XHTDTE ở xã Tân Minh nạn nhân là L.Q.A (SN 2011), đối tượng xâm hại là L.V.H (bố dượng). Sau khi bị xâm hại, cháu L.Q.A có biểu hiện bị sang chấn tâm lý, một thời gian sau cháu mất chưa rõ nguyên nhân. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Theo đánh giá nguyên nhân chủ yếu của tình hình tội phạm XHTDTE nhức nhối là do một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa còn thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm XHTDTE chưa chặt chẽ. Công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong một số gia đình còn lơ là, mất cảnh giác, kỹ năng bảo vệ của trẻ em hạn chế. Tình trạng thiếu việc làm của một số thanh niên trong độ tuổi lao động khá phổ biến. Các điểm sinh hoạt, vui chơi văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao để thu hút thanh niên tham gia chưa nhiều. Phim ảnh có tính khiêu dâm trên internet chưa được quản lý chặt chẽ đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận lớp trẻ trên địa bàn.

Kết quả rà soát, thống kê, toàn huyện có 15.746 trẻ em, trong đó 14.136 trẻ em là người dân tộc thiểu số; 139 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi cha mẹ; khuyết tật; nhiễm HIV/AIDS); 4.867 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em bỏ học sớm; sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bố mẹ đi làm xa). Đồng chí Bùi Thanh Hải, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Bên cạnh việc kịp thời thăm hỏi, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị XHTDTE, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là biện pháp tuyên truyền cá biệt. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp là những người thân, người đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các xã, thị trấn nâng cao công tác phối hợp với các nhà trường, Chương trình vùng để giáo dục, tư vấn cho trẻ em, tạo điều kiện về sân chơi, môi trường lành mạnh cho trẻ. Tới đây, các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Công an phối hợp với Chương trình vùng - Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện xây dựng mô hình "Phiên toà giả định” để đa dạng hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, răn đe hành vi XHTDTE.

Mặt khác, để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTDTE, Công an huyện chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa, cung cấp, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTDTE. Quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi XHTDTE, bạo lực gia đình, đối tượng có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn, hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ trì phối hợp các cơ quan, ban, ngành hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Nhân rộng mô hình "vãng gia" trong thực hiện quản lý trường hợp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi trên địa bàn.


Bùi Minh


Các tin khác


Không có quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe mô tô hạng A1 bằng giấy bìa 

Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin người dân đang sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) mô tô hạng A1 bằng giấy bìa phải đổi sang GPLX bằng thẻ nhựa (vật liệu PET), nếu không sẽ bị xử phạt hoặc phải thi lại. Từ đó đã dẫn đến tình trạng người dân các xã, huyện ở xa trung tâm thành phố bỏ công việc đổ xô lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh xếp hàng chờ được đổi GPLX.

Ra mắt Chương trình tài chính vi mô hỗ trợ phát triển nông thôn

Chiều 7/12, Quỹ hỗ trợ phát triển nông thôn tổ chức ra mắt Chương trình tài chính vi mô hỗ trợ phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự lễ ra mắt có đồng chí Trần Đăng Ninh, nguyên Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh…

Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn

Một trong bốn chương trình trọng tâm của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 là chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội Người cao tuổi 

Ngày 7/12, Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội năm 2023. Tham dự có gần 200 đại biểu đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh.

Tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người

Ngày 7/12, tại TP Hòa Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) về quyền con người. Dự hội nghị có các đồng chí: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác TTĐN T.Ư; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục TTĐN, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an... Tham dự có 280 đại biểu làm công tác TTĐN về quyền con người của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. 

Nâng tầm vị thế "người trực tiếp đưa luật về cơ sở"

Người dân sinh sống ở vùng nông thôn thường chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, những lệ làng, luật tục, chưa có thói quen và ý thức giải quyết mối quan hệ xã hội theo quy phạm pháp luật. Vì vậy, các hòa giải viên ở cơ sở phải chia sẻ một phần đáng kể gánh nặng "đưa luật về làng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục