(HBĐT) - Với trên 28% dân số là thanh niên, những năm qua, việc thực hiện chiến lược phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm sâu sát. Qua đó, phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên trên chặng đường đổi mới và phát triển.



Đoàn viên thanh niên Tỉnh Đoàn nhắn tin ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 tỉnh.

Xây dựng và sử dụng nguồn nhân lực trẻ

Theo Sở Nội vụ, từ năm 2011 đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh lãnh đạo quản lý được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Tính đến năm 2020, đã có trên 1.200 lớp đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm nghìn lượt CB, CC, VC, trong đó, thanh niên chiếm trên 30%. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm giới thiệu nguồn cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực, triển vọng vào các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 192 cán bộ Đoàn được bầu tham gia cấp ủy Đảng cùng cấp. Đại biểu HĐND đương nhiệm (nhiệm kỳ 2016-2021) hiện có 6 đại biểu cấp tỉnh; 62 đại biểu cấp huyện, 1.717 đại biểu cấp xã ở lứa tuổi thanh niên.

Để phát huy những sáng kiến của tuổi trẻ, từ năm 2014 đến nay, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT duy trì việc tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, sinh viên hàng năm. Theo đó, đã có 190 dự án dự thi cấp tỉnh, 34 dự án được chọn dự thi cấp quốc gia, có 14 dự án đoạt giải. Tại cuộc thi Olympic phát minh sáng chế thế giới (WICO) diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 7/2019, đoàn học sinh của tỉnh vinh dự giành huy chương vàng với dự án "Thiết bị tự động khử mùi và hút ẩm trong không gian kín". Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2017-2020, từ năm 2018 đến nay, Sở KH&CN đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình”. Các ý tưởng xuất sắc vào vòng chung kết hàng năm đã được các chuyên gia hướng dẫn xây dựng đề án, hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp tham gia phát triển kinh tế của thanh niên. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đóng góp sức trẻ cho tiến trình đổi mới và phát triển của tỉnh.

Chăm lo giáo dục, đào tạo và phát triển thanh niên

Với sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Phong trào "5 xung kích trong phát triển xã hội”, "4 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được đẩy mạnh. Tăng cường các hình thức hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển KT-XH, tìm kiếm việc làm và khởi sự doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp cho thanh niên nhằm giúp thanh niên có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, việc làm.


Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây năm 2020 xã Bình Sơn (Kim Bôi).

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện thường xuyên công tác nắm tình hình, thông tin, tuyên truyền đầy đủ chủ trương, đường lối ứng xử ngoại giao của Đảng, Nhà nước cho ĐVTN. Tích cực tuyên truyền, vận động ĐVTN thể hiện lòng yêu nước đúng cách, không nghe theo luận điệu kích động của thế lực thù địch. Những năm gần đây, Sở TT-TT duy trì phối hợp tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” nhằm giúp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo; khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước, thúc đẩy hành động cách mạng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sẵn sàng xung kích

Những ngày này, cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19, lực lượng thanh niên tỉnh luôn giữ thế sẵn sàng vào cuộc. Ngay từ đầu tháng 1/2020, BTV Tỉnh Đoàn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trước thực trạng khan hiếm khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ phòng, chống dịch, các cấp bộ Đoàn đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, vận động và phối hợp cấp phát trên 12.000 khẩu trang, gần 4.000 tờ rơi đến Nhân dân. Nhiều cơ sở Đoàn đã có những sáng kiến sáng tạo, chủ động phối hợp với các cơ sở may may khẩu trang vải và phát miễn phí cho người dân; kêu gọi mọi người cùng ý thức, chung tay đối phó với dịch bệnh. Cùng với đó, các cơ sở Đoàn bố trí lực lượng tình nguyện cùng phối hợp ngành chức năng tổ chức các đội hình ra quân phun thuốc khử trùng, vệ sinh tại khuôn viên các trường học trong thời gian học sinh, sinh viên được nghỉ học. Treo pano, áp phích tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống dịch bệnh. Thiết kế các infographic tuyên truyền cách phòng, chống; chia sẻ thông tin về app Sức khỏe Việt Nam của Bộ Y tế đăng tải trên các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội. Hiện tại, các ĐVTN tích cực cập nhật tình hình dịch bệnh, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc khai báo y tế. Một số tổ chức Đoàn trên địa bàn TP Hòa Bình "đến từng nhà, rà từng ngõ” để hỗ trợ người dân khai báo y tế online (trên ứng dụng NCOVI).

Đầu tháng 3 vừa qua, Hội LHTN tỉnh phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh tổ chức thành công Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2020, lan tỏa thông điệp "Phòng chống Covid-19 - Đừng quên đi hiến máu”. Gần 350 ĐVTN tình nguyện và cán bộ, nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp trẻ đã đăng ký hiến máu. Ngày 27/3, gần 400 người đã tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1/2020 của TP Hòa Bình, trong đó chủ yếu là lực lượng thanh niên. Tháng thanh niên năm 2020 không có nhiều hoạt động bề nổi, không mít tinh, tọa đàm… nhưng sức trẻ vẫn được phát huy với những việc làm thiết thực. ĐVTN tiếp tục học tập, lao động, cống hiến vì mục tiêu phát triển của tỉnh.

 

Đề xuất, kiến nghị nhằm tạo nền cho thanh niên phát triển

Nhằm thực hiện tốt hơn chiến lược phát triển thanh niên trong thời gian tới, Ban chỉ đạo chương trình phát triển thanh niên tỉnh đã đề nghị: Các bộ, ngành T.Ư khi xây dựng, ban hành các chính sách xã hội cần có tính toán tới yếu tố thanh niên và cụ thể hóa vào trong chính sách. Đồng thời chỉ đạo, theo dõi các chỉ tiêu cụ thể liên quan tới thanh niên theo hệ thống ngành dọc. Đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ, ngành T.Ư ban hành, tổ chức nghiêm cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật trong công tác phát triển thanh niên (theo ngành dọc).

Đề nghị Bộ GD&ĐT có chính sách hỗ trợ về học phí, trợ cấp sinh hoạt cho sinh viên là người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT để gia tăng số học sinh tham gia học nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Đề nghị T.Ư tổ chức các hội thảo chuyên đề về phát triển thanh niên hàng năm, thường xuyên giới thiệu những mô hình triển khai hiệu quả ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để các tỉnh khác cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển thanh niên.

 

Đồng bộ các giải pháp tạo cơ hội nghề nghiệp cho thanh niên

Theo khảo sát của ngành LĐ-TB&XH, mỗi năm, tỉnh có khoảng 12.000 người bước vào lứa tuổi thanh niên, khoảng 11.000 người bước vào độ tuổi lao động. Để có sự chủ động, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2017- 2020 và kế hoạch giải quyết việc làm cụ thể cho từng năm. Theo đó, ngành tích cực tham mưu, phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Hiện nay, trên đia bàn tỉnh có 6 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 12 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 3 cơ sở tham gia theo hình thức liên kết đào tạo, đây là cánh cửa rộng lớn để thu hút và thực hiện việc đào tạo nghề cho thanh niên. Qua công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp, mỗi năm có khoảng 500 học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đăng ký học trung cấp, cao đẳng nghề tại tỉnh, góp phần tăng cường nguồn nhân lực lao động chất lượng cao cho tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên theo từng năm: Năm 2010 ở mức 25%, đến hết năm 2019 tăng lên 54,2%.

Để tạo cơ hội việc làm cho người lao động, những năm gần đây, ngành LĐ-TB&XH tổ chức đều đặn các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các địa phương. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới 2 hình thức: lưu động và online. Ký biên bản ghi nhớ về việc cung ứng lao động và tuyển sinh học nghề với Sở LĐ- TB&XH tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh. Đồng thời, kết nối, cung ứng xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, mỗi năm tỉnh tạo việc làm mới cho từ 16.000 - 17.000 lao động, trong đó, lao động ở lứa tuổi thanh niên chiếm gần 80%.

 

Nguyễn Đức Cường

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH 

 

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cho chiến sỹ

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong đơn vị, những năm gần đây, Bộ CHQS tỉnh tăng cường công tác giáo dục truyền thống, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ. Xác định rõ việc giáo dục pháp luật cho ĐVTN trong quân đội không chỉ có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng ý thức sống, làm việc theo pháp luật, kỷ luật, mà còn trực tiếp tạo động lực để các chiến sỹ phấn đấu, rèn luyện hoàn thiện nhân cách, đơn vị đã gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Bộ CHQS tỉnh đã lồng ghép việc hưởng ứng "Ngày pháp luật” hàng năm với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, CVĐ "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Gắn công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật với quản lý, rèn luyện kỷ luật cho bộ đội. Theo đó, đa số cán bộ, chiến sỹ có kiến thức, hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật Nhà n¬ước, kỷ luật quân đội, các quy định của đơn vị và địa phương. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các đơn vị thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tuyên truyền, PBGDPL theo hình thức sân khấu hóa tại một số địa phương trong tỉnh tạo ấn tượng và kết quả tốt. Đến nay, các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL và giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh niên đơn vị vẫn được duy trì đều đặn. Qua đó nêu cao vai trò xung kích của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đại tá Phạm Đức Hoài

Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

 

Quan tâm hơn nữa tới thanh niên khuyết tật

Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật (NKT). Thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tham gia các lớp học văn hóa, học nghề, trình độ học vấn của thanh niên khuyết tật được nâng lên, có nhiều thanh niên khuyết tật thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Sau khi hoàn thành việc học đã được giải quyết việc làm. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay có trên 830 NKT được học nghề và có việc làm, trong đó có 455 người ở lứa tuổi thanh niên. NKT ở mức độ nặng đều được cấp thẻ BHYT, được chăm sóc sức khỏe theo đúng quy định, được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, cấp xe lăn, xe lắc.

Với sự kết nối, vận động của Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi, MTTQ và các ngành, đoàn thể của tỉnh, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tích cực chung tay giúp đỡ người tàn tật nói chung, NKT ở lứa tuổi thanh niên nói riêng. Tỉnh đã chỉ đạo các tuyến xe buýt miễn giảm giá xe theo đúng quy định đối với NKT. Thực hiện việc miễn giảm giá vé cho NKT khi vào thăm quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn… Những việc làm đó đã góp phần quan trọng giúp NKT vượt qua tự ti, mặc cảm để vươn lên. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, NKT nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, trở ngại. Cần nhiều hơn nữa những tấm lòng để giúp đỡ những NKT vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Văn Trung

Phó Chủ tịch Hội người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh

 

Thúy Hằng


Các tin khác


"Bão công nghệ" ảnh hưởng trẻ em - cần sự tỉnh ngộ của chính phụ huynh

(HBĐT) - Điện thoại thông minh, máy tính bảng, smart tivi… với đủ loại ứng dụng, chương trình hấp dẫn, có thể thấy cơn bão công nghệ đang hiện hữu khắp nơi, tác động mạnh mẽ đến đời sống, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên, thay vì mang lại nhiều thông tin hữu ích, cơn bão công nghệ đang để lại những hệ lụy khôn lường khi "cướp” đi thời gian, thậm chí cả cuộc đời của trẻ.

Vì một mùa lễ hội vui tươi, an toàn

(HBĐT) - Mỗi độ xuân về, cùng với không khí tưng bừng đón Tết đến, xuân sang, các địa phương cũng sẵn sàng đón mùa lễ hội. Các ngành chức năng của tỉnh đã, đang nhập cuộc để có một mùa lễ hội thực sự vui tươi, an toàn, tôn vinh và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

(HBĐT) - Theo quy luật của thị trường, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm. Thời điểm này, diễn biến nguồn cung hàng hóa và giá cả là vấn đề người dân quan tâm. Đây cũng là lúc cần phát huy cao nhất vai trò của các ngành chức năng trong công tác bình ổn thị trường.

Cấp bách thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng vùng mía đường nguyên liệu

(HBĐT) - Diện tích mía đường nguyên liệu của tỉnh đã đến thời vụ thu hoạch kể từ tháng 11. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, người trồng mía nguyên liệu ở các địa phương lại lần nữa bất an về tình hình tiêu thụ, giá cả. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang cùng vào cuộc với vai trò thúc đẩy.

Cải tạo vườn tạp - thêm sức mạnh cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(HBĐT) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, khoảng 12.380 ha vườn tạp trên địa bàn tỉnh cho thu nhập trung bình 10,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, những diện tích vườn tạp đã được cải tạo (khoảng 6.350 ha) cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều diện tích được cải tạo để thâm canh các loại cây ăn quả đã mang lại nguồn thu từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm. Đây là những con số ấn tượng cho thấy hiệu quả vượt trội của cải tạo vườn tạp (CTVT) - một định hướng đột phá giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng sức mạnh cho người nông dân và củng cố những giá trị bền vững để toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số - cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

(HBĐT) - Được lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu phù hợp với nơi cư trú và thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe; thông tuyến khám, chữa bệnh tại các tuyến huyện, xã, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế bỏ qua rào cản về thủ tục hành chính..., đó là những chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh BHYT nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách mới mang lại nhiều thuận lợi cho đồng bào DTTS, việc triển khai chính sách BHYT đối với vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề người dân quan tâm chính là cơ hội để người nghèo, DTTS tiếp cận được với dịch vụ y tế cao, đảm bảo chất lượng từ tuyến cơ sở. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục