Bài 4: Chính sách hỗ trợ vùng đặc thù:  cần được triển khai một cách tích cực, hiệu quả

(HBĐT) - Theo đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Giám đốc BQL các dự án xây dựng hạ tầng, nguyên là Phó Giám đốc BQL dự án vùng hồ sông Đà huyện Đà Bắc: Có một thực tế là trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án từ năm 1982 đến năm 2017, theo tính toán, bình quân mỗi hộ dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà của huyện Đà Bắc mới chỉ được hưởng suất đầu tư khoảng 67 triệu đồng/hộ. Trong đó phần lớn số tiền này được đầu tư cho cơ sở hạ tầng. So với việc chuyển cư xây dựng thủy điện ở các địa phương khác, con số này quá nhỏ.


Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các xã vùng lòng hồ sông Đà đã cơ bản được đầu tư một cách đồng bộ.

 

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Là dự án chuyển dân lớn nhất cả nước sau khi đất nước được giải phóng lại được triển khai, tổ chức thực hiện trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc chuyển dân được thực hiện trên cơ sở kế hoạch xây dựng công trình Nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) Hoà Bình. Do vậy, việc chuyển dân được thực hiện trong điều kiện gấp rút; chưa có quy hoạch cụ thể. Việc tổ chức di dân hoàn toàn được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của người dân. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nên việc hỗ trợ cho người dân trong quá trình chuyển dân cũng như sau khi chuyển về nơi ở mới vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Cơ sở hạ tầng nơi chuyển đến hầu như chưa có gì, nhất là những khu vực người dân chuyển vén theo cos nước.

Đồng chí Vũ Văn Tôn, Giám đốc điều hành Dự án vùng hồ sông Đà thuộc BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp tỉnh cho biết: Năm 1979, NMTĐ Hoà Bình được khởi công xây dựng. Đây là dự án lớn và trọng điểm trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Do vậy, mọi công tác chuẩn bị cho dự án được triển khai hết sức khẩn trương và mang tính cấp thiết cao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh Hà Sơn Bình khi đó là kịp thời đáp ứng di chuyển dân vùng hồ, tạo mặt bằng cho dự án và xây dựng lán trại cho cán bộ, công nhân đến xây dựng NMTĐ Hoà Bình. Để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, hàng nghìn hộ dân các dân tộc vùng hồ sông Đà đã tự nguyện hy sinh một phần của cải, rời bỏ quê hương bản quán để di chuyển đến nơi ở mới phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng công trình. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong chính sách sau tái định cư dự án thuỷ điện Hoà Bình, năm 1994 và năm 2002, Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hoà Bình tại các Quyết định số 747/QĐ-TTg ngày 7/12/1994 và số 472/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 với mục tiêu ổn định dân cư và phát triển KT-XH vùng tái định cư lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình. Trong quá trình triển khai thực hiện 2 dự án trên cũng đã mang lại nhiều đổi thay về KT-XH cho các xã vùng lòng hồ. Đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Tuy vậy, theo đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc: Trên thực tế không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà các chương trình, dự án 747, 472 và đề án "ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2009 - 2015” theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg mang lại cho đồng bào chuyển cư vùng lòng hồ trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đà Bắc nói riêng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc ổn định cuộc sống và sản xuất bền vững, lâu dài cho người dân vùng hồ sông Đà còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn hộ dân tái định cư là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ những tập quán canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, điều kiện sản xuất và những nguồn tạo thu nhập của người dân chưa đảm bảo ổn định bền vững, lâu dài. Từ thực tế đó, cho đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà còn chiếm từ 45 - 60%. Đáng nói, đến nay nhiều địa bàn vùng chuyển dân vẫn còn một số chòm xóm, hộ dân chưa thể ổn định lâu dài do thiếu nước sinh hoạt, thiếu đường giao thông, đất canh tác...

Chính sách hỗ trợ vùng đặc thù chỉ là nền tảng để ổn định và nâng cao đời sống người dân

Trên thực tế, những năm qua, về phía tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển KT-XH, ổn định và nâng cao đời sống người dân vùng lòng hồ như các đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đề án về phát triển chăn nuôi; phát triển nghề nuôi cá lồng; đề án phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ, tạo sinh kế cho người dân...

Theo đó, ngày 13/6/2014, Tỉnh uỷ Hoà Bình ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2014 - 2020. Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 1 lần bằng tiền tối đa 25 triệu đồng/lồng sau đầu tư sản xuất cho các hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản bằng lồng khung sắt, lưới có quy mô lồng nuôi từ 50 m3/lồng trở lên, có hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm, nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Số tiền để triển khai thực hiện chính sách này được trích từ ngân sách tỉnh. Có thể nói, chính sách đã đem lại hiệu quả tích cực. Nhờ vậy có hàng trăm hộ dân thuộc vùng lòng hồ sông Đà mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng với các loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá chiên, lăng, bỗng, trắm đen, tầm, lóc, vược... Tính đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU và 2 năm thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh, số lồng cá trên vùng hồ đã phát triển đạt 4.050 lồng, tương đương 250.000 m3, vượt 550 lồng so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng sản lượng đạt 7.700 tấn, vượt 2.100 tấn so với mục tiêu nghị quyết. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động, vượt 2,2 nghìn lao động so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Từ thành công đó, năm 2016 vừa qua, Sở NN&PTNT thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà. Năm 2017 - 2018 tiếp tục triển khai 2 dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện vùng hồ Hoà Bình với quy mô 300 lồng, 70 hộ tham gia. Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh đã cân đối từ các nguồn vốn để tổ chức thực hiện hỗ trợ sau đầu tư có 558 lồng cá với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, các hộ dân được nhận đầy đủ kinh phí hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định.

Cùng với các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển KTXH, ổn định và nâng cao đời sống người dân chuyển cư vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình. Mới đây nhất, để tiếp tục ổn định đời sống và sản xuất cho người dân vùng chuyển dân sông Đà, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2015 phê duyệt Đề án "ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà thủy điện Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2020”.

Theo Quyết định này có 40 xã của tỉnh được thụ hưởng bao gồm 36 xã, phường thuộc Đề án 1558 và 4 xã mới thuộc vùng chuyển dân sông Đà thuỷ điện Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình thuộc 5 huyện (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi) và thành phố Hoà Bình được bố trí tập trung hoặc xen ghép với tổng số 16.913 hộ. Tổng vốn đầu tư 4.053 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất 392 tỷ đồng. Giai đoạn I từ năm 2009 – 2015, ngân sách trung ương đã cấp 580,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình đầu tư 317,213 tỷ đồng, còn lại trong giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục đầu tư 3.155,543 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương cấp 2.480,543 tỷ đồng, vốn lồng nghép các chương trình 675 tỷ đồng.

Chương trình này nhằm mục tiêu ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Đảm bảo không còn hộ nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển KT-XH trong vùng theo tiêu chí NTM. Trong đó, về đầu tư phát triển sản xuất sẽ tập trung huy động các nguồn vốn để phát triển sinh kế bền vững cho người dân như trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng phát triển hàng hoá; tổ chức khai hoang phục hoá đất sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, có chuyên môn để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Tuy vậy, theo đồng chí Tô Xuân Khiêm, Phó BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp tỉnh, Trưởng BQL dự án vùng hồ sông Đà tỉnh thì: Để thực hiện dứt điểm các mục tiêu này, về phía các địa phương, nhất là đội ngũ CB,ĐV ở cơ sở cần tăng cường, vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm bắt được mục tiêu dự án nhằm xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Làm cho người dân hiểu các chính sách hỗ trợ này cũng giống như trao cho người dân chiếc cần câu để họ tự lực vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng chính là yếu tố then chốt để tạo sức bật cho vùng chuyển cư lòng hồ sông Đà. Đồng thời với đó về phía cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng cần phải xác định Chính sách hỗ trợ vùng đặc thù chỉ là nền tảng để ổn định và nâng cao đời sống người dân. Từ đó, có các cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, có khả năng lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở có trình độ, năng lực quản lý, điều hành để tạo nền tảng, sức bật cho những vùng đất khó; hỗ trợ xây dựng, đưa vào các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, điều kiện thực tế của địa phương; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội một cách đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông, đầu tư cho giáo dục cũng như phải có các chính sách vùng đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở các địa bàn chuyển dân vùng lòng hồ.

 

                                                                     Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Khơi dậy sức mạnh đoàn kết tham gia xoá nhà tạm, nhà dột nát

Lễ phát động phong trào thi đua "Xoá nhà tạm, nhà dột nát” phạm vi toàn quốc tại Hoà Bình diễn ra trong không khí sôi nổi và tạo hiệu ứng lan toả. Được kết nối trực tuyến từ tỉnh Hòa Bình đến cầu 62 tỉnh, thành phố, đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước hướng về sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác phi chính phủ nước ngoài

Chiều 12/4, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác PCPNN năm 2024. Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tỉnh Hòa Bình quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đại diện cho lãnh đạo địa phương phát biểu hưởng ứng phong trào. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đọc Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn Lời kêu gọi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát động phong trào thi đua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục