Hôm qua 20-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và biểu quyết thông qua Luật này; thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi).


Đại biểu QH tỉnh Tuyên Quang phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ANH TUẤN

Tạo tiền đề và cơ sở để thành phố mang tên Bác vươn lên mạnh mẽ

Về cơ sở và sự cần thiết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh, hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến cho rằng: Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với T.Ư và các địa phương. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đang chậm lại, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư giảm, cản trở sự phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp yêu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Một số đại biểu đề nghị: Cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho thành phố cần đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, phù hợp khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của thành phố. Việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư,... tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn.

Vấn đề quản lý tài chính - ngân sách nhà nước tại Điều 5 của Nghị quyết được nhiều đại biểu QH quan tâm góp ý kiến. Theo các đại biểu, việc cho phép thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thu mới hoặc điều chỉnh các chính sách thu hiện hành sẽ có tác động đến một số doanh nghiệp và người dân, nhưng yêu cầu vẫn phải bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước. Chính sách về thuế, phí và lệ phí, đều theo hướng tăng lên và mở rộng, nhưng về thuế, Nghị quyết không giao cho TP Hồ Chí Minh quyết định tất cả mà thành phố sẽ là đơn vị soạn thảo, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định và chỉ thí điểm áp dụng trên địa bàn của thành phố, thí điểm về thuế tài sản vẫn do QH quyết định... Như vậy, những quy định này không trái với Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng: Vấn đề quan trọng là tăng mức nào để không gây bất lợi về môi trường kinh doanh của thành phố so với các địa phương khác. Việc này chính TP Hồ Chí Minh sẽ phải cân nhắc khi xây dựng chính sách cụ thể về thuế. Các chính sách này cần triển khai theo hướng mở rộng đối tượng thu hơn là tăng tỷ lệ hoặc mức thu và cần tận dụng triệt để các loại thuế và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố quy định tại Luật Phí và lệ phí. Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu ý kiến: Điều 5 của Nghị quyết cần bổ sung nguyên tắc về bảo đảm sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, bởi việc điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí chắc chắn sẽ tác động tới nhiều tập thể, cá nhân, người dân, doanh nghiệp và muốn thành công thì cần phải có sự đồng thuận, ủng hộ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cần có những chính sách để khuyến khích khởi nghiệp. Do vậy, đòi hỏi phải triển khai chính sách này một cách thận trọng, chặt chẽ và nhất là phải minh bạch. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng trước khi triển khai chính sách, tránh gây bức xúc và những phản ứng không đáng có từ phía người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến giải trình và làm rõ thêm những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm, đặt ra. Đồng thời nêu rõ: TP Hồ Chí Minh đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất và mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước. Về GDP của thành phố chiếm một phần năm GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao gấp 1,6 lần so tốc độ của cả nước. Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của thành phố chiếm một phần ba tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ, như vậy thành phố phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước. Việc QH ban hành Nghị quyết với nhiều cơ chế đặc thù, trong đó có tăng thuế, phí nhưng không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, tăng mức đối tượng chịu thuế, đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác. Sau đó, báo cáo HĐND, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ QH và QH nếu cần thiết để xem xét quyết định.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ hiện đại

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, với 436 đại biểu tán thành, bằng 88,8% tổng số đại biểu QH.

Tiếp đó, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Các đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang), Lê Minh Thông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật được xây dựng theo lối truyền thống, nhưng hiện nay, lĩnh vực đo đạc và bản đồ (ĐĐBĐ) liên quan chặt chẽ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều nội dung của ĐĐBĐ đã trở nên phổ thông, thí dụ: sử dụng phương tiện kết nối in-tơ-nét có thể biết vị trí rất chính xác, dùng thiết bị bay để chụp ảnh rõ nét khu vực địa lý, bằng công nghệ la-de có thể kiểm soát khoáng sản mà không phải khoan thăm dò rất tốn kém... Do đó, dự thảo luật cần chỉnh sửa theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành và phù hợp thực tiễn. Bên cạnh đó, nội dung dự thảo luật liên quan nhiều luật đã ban hành, cần tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước các hoạt động ĐĐBĐ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐĐBĐ quốc gia đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu đề nghị, cần liệt kê đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo cách thể hiện của một số luật đã được QH ban hành gần đây, đồng thời bổ sung nội dung về sản phẩm, công trình, chất lượng, thông tin, dữ liệu không gian địa lý quốc gia ĐĐBĐ... Như vậy, khi ban hành luật bảo đảm đầy đủ, không chồng chéo các luật khác. Nhiều đại biểu tán thành nguyên tắc và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động ĐĐBĐ, nhưng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo luật cần quy định rõ hơn việc ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ ĐĐBĐ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ. Ưu tiên hoạt động ĐĐBĐ phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu, như: thành lập bản đồ xâm nhập mặn, lũ lụt, ngập úng, sạt lở cho các tỉnh chịu ảnh hưởng, xây dựng bản đồ hạn hán cho các địa phương thường xuyên bị hạn hán. Khi quy định xã hội hóa hoạt động ĐĐBĐ, cần cân nhắc có nội dung cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia hoạt động ĐĐBĐ tại Việt Nam để bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế...

Với đánh giá chưa đầy một trang về tác động của Nghị quyết, tôi nghĩ chưa thỏa đáng. Do đó, tôi đề nghị cần đánh giá tổng thể hơn khi ban hành Nghị quyết, nhất là tác động đến kế hoạch trung hạn của cả nước và mức dư nợ vay cũng như các địa phương lân cận sẽ có ảnh hưởng như thế nào. Đặc biệt, khi triển khai Nghị quyết này, tôi nghĩ thành phố cần nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể, rõ hơn, nhất là những vấn đề liên quan thuế, lệ phí và tác động đến người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu LÊ CÔNG ĐỈNH (Long An)

Tôi đồng ý khi thí điểm phải có sự khác biệt nhưng những chính sách mang tính thí điểm có thể tác động đến tâm lý cũng như lợi ích của người dân thì cần thận trọng. Bên cạnh đó, nếu có thuế tài sản áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rằng sẽ ảnh hưởng thị trường bất động sản, ảnh hưởng thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, chỉ số hấp dẫn của thành phố…

Đại biểu VŨ THỊ LƯU MA

 

                                          TheoNhandan

Các tin khác


Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2024): Hội Nhà báo Việt Nam- Dấu ấn hướng về cơ sở

Có thể nói những chuyến công tác "Hướng về cơ sở" đã là dấu ấn đặc biệt cho một năm 2023 đầy sôi động cũng như chặng đường hoạt động vừa qua của Hội nhà báo Việt Nam, là sự cụ thể hóa thành công tinh thần "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”, hướng về hội viên, nhà báo.

Khiển trách Đảng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường Dân Chủ

Ngày 16/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hòa Bình tổ chức kỳ họp thứ 15, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tỉnh Hoà Bình tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada

Từ ngày 20/4 đến ngày 28/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sẽ đi tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada do Bộ Ngoại giao tổ chức. Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh; Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT; Ban quản lý các KCN tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh; huyện uỷ huyện Lạc Thuỷ và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục