(HBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận rộn nhưng Bác Hồ đã dành thời gian về thăm tỉnh Hòa Bình 4 lần. Lần đầu tiên là ngày 21/2/1947, Bác thăm Nhà máy in tiền ở Chi Nê (Lạc Thủy). Dù đi bí mật nhưng Bác vẫn vào xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa thăm một số gia đình dân tộc Mường. Bác động viên mọi người cố gắng tăng gia sản xuất. Đến chợ Đầm Đa, Bác hỏi việc học của các cháu nhỏ và gọi mấy thanh niên đứng gần giao trách nhiệm dạy, khi Bác quay lại các cháu phải biết đọc hết.



Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình ngày 17/8/1962. (ảnh: T.L)

Gần 11 năm sau, ngày 19/10/ 1958, Bác trở lại Hòa Bình thăm và nói chuyện tại trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh tại Bến Ngọc (Kỳ Sơn), nay là xã Trung Minh (TP Hòa Bình). Bác khen ngợi những tiến bộ mới của đồng bào các dân tộc và phân tích sâu sắc các mặt công tác: sản xuất, tổ đổi công, công trường, cán bộ, kỷ luật lao động, bình dân học vụ. Bác nhấn mạnh: Muốn làm tốt những việc trên, đồng bào, cán bộ, bộ đội, đảng viên, đoàn viên - thanh niên lao động phải gương mẫu trong sản xuất, học tập và cải tiến kỹ thuật. Đồng thời, giúp đỡ đồng bào rẻo cao vì ở đấy làm ăn khó nhọc hơn. Bác cũng chỉ ra những thiếu sót của cán bộ và nhân dân địa phương như bệnh quan liêu, một số sợ khó, sợ khổ, ăn uống lãng phí. Bác dặn phải thực hành tiết kiệm, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân và dân, giữa lương và giáo. Trên đường về, Bác vào thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa tại huyện Lương Sơn.

Ngày 17/8/1962, trong lúc trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình - trường vừa học, vừa làm đầu tiên ở miền Bắc đang khó khăn về phương hướng phát triển, Bác về thăm và nói chuyện. Trước 1.200 cán bộ, giáo viên, học sinh các dân tộc và hơn 400 cán bộ tỉnh, huyện, xã, Bác đã nêu 3 vấn đề: đoàn kết, kỷ luật lao động, thực hành dân chủ. Người nhấn mạnh: Mục đích của trường là dạy cho thanh niên vừa học tập, vừa lao động để trở thành cán bộ ở nông thôn. Vì vậy, phải học những nghề, ngành có liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, cần gì học nấy. Bác ghi vào sổ vàng lưu niệm của trường: "Phải: Học tập tốt, lao động tốt / Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”. Bác tặng nhà trường bức ảnh có chữ ký Bác Hồ và dành 5 huy hiệu làm giải thưởng thi đua cho học sinh, giáo viên. Trong chuyến thăm này, thấy dòng sông Đà hung dữ, Bác nói: Phải biến "thủy tặc” thành "thủy lợi”.

Về với Hòa Bình lần thứ 4, Bác thăm Huyện ủy Kim Bôi đúng vào ngày 19/8/1964. Bác đi thăm nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước. Xem giếng nước, Bác nhắc phải làm nắp đậy, phòng các cháu nhỏ chơi đùa rơi xuống. Đến nhà ăn, thấy chiếc chạn có tấm lưới bị thủng, Bác nhắc phải giữ vệ sinh. Sau khi nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, Bác nhắc: Năng suất cây lương thực còn thấp, diện tích bỏ hoang nhiều, cố gắng đi vào thâm canh. Cần làm tốt việc trồng cây công nghiệp. Mọi người phải nêu cao ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa. Huyện ủy cần mạnh dạn chỉ đạo mọi mặt tốt hơn nữa.

Ngoài 4 lần về thăm, Bác Hồ còn nhiều lần gửi thư thăm hỏi, khen ngợi, động viên quân và dân Hòa Bình trong chiến đấu và sản xuất. Đó là lá thư Bác khen ngợi chị Nguyễn Thị Hợi (tức Minh Tâm) ở châu Mai Đà là "Cán bộ kiểu mẫu đã tổ chức dân chống giặc lập lại và giữ vững chính quyền nhân dân ở địa phương”. Chị Nguyễn Thị Vuông ở xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) là du kích chiến đấu dũng cảm. Anh Nguyễn Phi Hùng, chiến sĩ công an được Bác tặng huy hiệu...

Những lá thư, lời khen, lời căn dặn của Bác có tác dụng to lớn động viên, khích lệ cán bộ, nhân dân Hòa Bình nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phấn đấu, thi đua giành được những thành quả to lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Trường PTDTNT THPT tỉnh, tiền thân là trường Thanh niên lao động XHCN đã trở thành điểm sáng của ngành GD &ĐT tỉnh và hệ thống các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Trên dòng sông Đà đã hiện diện Nhà máy thủy điện Hòa Bình, từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam á... Không chỉ những nơi Bác về thăm mà toàn tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao đều có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là những bông hoa mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình dâng lên Bác và nguyện mãi ghi nhớ lời Bác để sống và thi đua lao động, công tác, học tập tốt hơn.

                                                                           Minh Châu

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục