(HBĐT) - LTS: Kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh Hòa Bình là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ôn lại truyền thống đấu tranh, bảo vệ và xây dựng quê hương; ghi nhận thành tựu phát triển KT-XH, củng cố an ninh, quốc phòng trong thời kỳ đổi mới... Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những dấu ấn trên hành trình phát triển.


Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đến thăm, kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty CP tre gỗ Hải Hiền tại Khu công nghiệp Mông Hóa - TP Hòa Bình, tháng 3/2021.  

P.V: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, những tháng năm đầu tái lập, Hoà Bình được đánh giá là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Đồng chí chia sẻ thế nào về nhận định này?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH: Đúng vậy, tháng 10/1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào xây dựng quê hương trong điều kiện vô cùng gian khó. Cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, nhất là hệ thống điện - đường - trường - trạm thiếu thốn, xập xệ. Nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, nặng tính tự sản tự tiêu với cây lương thực là chính, không có cây hàng hóa mang giá trị kinh tế. Ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quá nhỏ bé, sơ sài. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hết sức khó khăn, nạn thiếu đói diễn ra trầm trọng, ghi nhận bằng con số 253.500 người thiếu đói vào năm 1991. Cả tỉnh mới có 3 huyện, thị xã có điện lưới quốc gia; 17 xã, phường có điện. Sau 1 năm tái lập (năm 1992), thu NSNN của tỉnh chỉ được 61,135 tỷ đồng. Giá trị tổng sản lượng CN-TTCN mới đạt 10 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm phần lớn; thu nhập bình quân đầu người ở mức rất thấp...

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không lùi bước. Chính tinh thần vượt khó, truyền thống đoàn kết; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đặc biệt là dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng đã giúp Hòa Bình vượt qua khó khăn, ngày một đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn.

P.V: Thực tế đã chứng minh, tỉnh Hòa Bình trưởng thành trong gian khó. Vậy, xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới của tỉnh, nhất là 5 năm trở lại đây?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH: Sau 30 năm tái lập, với quyết tâm, khát vọng và niềm tin vững chắc, chúng ta đã phát huy tinh thần đoàn kết; nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn để thực hiện công cuộc đổi mới một cách toàn diện. Song song với tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tỉnh luôn chú trọng huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từ đó đã tạo ra những đột phá trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Trong 5 năm (2015 - 2020), kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển. Năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp 38,89%), dịch vụ chiếm 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. Thu NSNN bình quân tăng 15,2%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 60,3 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc, bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,6%.

Tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Nổi bật là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức thực hiện. Năm 2018, TP Hòa Bình đã sớm về đích xây dựng NTM; năm 2019 đến huyện Lương Sơn và năm 2020 là huyện Lạc Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 58/131 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, với sự chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đến thời điểm này, tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh phòng, chống dịch bệnh hiệu quả của cả nước. Từ đó giúp tỉnh thực hiện khá tốt "mục tiêu kép". 9 tháng năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,91%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,15% (công nghiệp tăng 13,17%); dịch vụ tăng 5,06%; thuế sản phẩm tăng 10,8%. Cùng với đó là văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; QP-AN luôn ổn định, giữ vững.

P.V: Những kết quả đạt được là hết sức quan trọng, tuy nhiên, Hòa Bình vẫn còn là tỉnh khó khăn. Vậy, để phấn đấu đưa kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước như mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, giải pháp mang tính đột phá như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: "Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước". Đây là mục tiêu mang tính cách mạng. Để hiện thực hóa, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị, nỗ lực cao nhất thực hiện các đột phá chiến lược được Đại hội đề ra. 

Trong đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và cũng là trách nhiệm chính của các sở, ngành, các huyện, thành phố. Đồng thời quan tâm lập quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thu hút các dự án tiềm năng, từ đó tạo nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết; nhất là xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Chú trọng rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, gây cản trở sự phát triển của tỉnh...

Với sự kiên cường, truyền thống đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, chúng ta có niềm tin vững chắc sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trên hành trình đổi mới, để tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

 HOÀNG NGA (thực hiện)

Các tin khác


Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban chỉ đạo) tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục