ĐINH VĂN ỔN
 Nguyên Tổng Biên tập Báo Hòa Bình 

(HBĐT) - Trên chặng đường 60 năm phát triển của Báo Hòa Bình, có thể chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (từ 1962-1976); giai đoạn Báo Hà Sơn Bình (từ 1976 - 1991) và giai đoạn hiện tại (từ tháng 10/1991 đến nay). Trong mỗi chặng đường phát triển, Báo Hòa Bình luôn để lại những dấu ấn đặc biệt cùng những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Phóng viên Báo Hòa Bình thực hiện truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh Hòa Bình và 30 năm tái lập tỉnh.

Có thể coi số báo 01 của Báo Hòa Bình ra ngày 1/10/1991 chào mừng sự kiện tái lập tỉnh Hòa Bình từ tỉnh Hà Sơn Bình là một số báo đặc biệt. Đây là số báo khởi đầu cho sự phát triển mới của Báo Hòa Bình từ giai đoạn gian khó sang thời kỳ mới theo xu thế hiện đại. Từ đó đến nay, Báo Hòa Bình đã có một chặng đường dài phát triển. Đã có trên 6.500 số báo được phát hành vơi hàng chục triệu tờ báo mang tiếng nói của Đảng, tri thức đến bạn đọc trên khắp mọi miền quê Hòa Bình. Từ đó đến nay, Báo Hòa Bình đã có những bước tiến xa về nội dung và hình thức. Đội ngũ lãnh đạo được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành. Các nhà báo trẻ trung, tài ba, năng động, làm chủ kỹ năng làm báo hiện đại…

Tháng 10/1991, khi Báo Hòa Bình được thành lập lại, có thể coi các nhà báo Bùi Ỉnh, hai tiền bối đã mất là Bùi Tiến Thịnh, Lê Thưởng và Trần Sỹ Thập là thế hệ đầu tiên. Thời điểm đó, kể cả các nhà báo mới vào nghề thuộc thế hệ thứ hai cũng bắt đầu nghề báo với hành trang chỉ bằng nhiệt huyết. Ngoài việc viết tin, bài, chụp ảnh, các phóng viên đều không ai xa lạ với các công việc của tòa soạn từ vận chuyển báo đi in, đọc morat, biên tập, vẽ maket… Hành trang với nghề chỉ là cây bút, cuốn sổ, chiếc xe đạp cà tàng hay trên những chuyến xe khách, xe lam chật chội lăn lộn với cơ sở trên khắp miền quê Hòa Bình. Các phóng viên trẻ không chỉ được các nhà báo đàn anh chỉ bảo, động viên giúp đỡ về nghiệp vụ mà còn được truyền lửa truyền thống, đạo đức nghề nghiệp để không bị cám dỗ, sa ngã và gắn bó với nghề, sống bằng nghề. Hầu hết các nhà báo đều tâm niệm lời lãnh tụ Lênin về trách nhiệm của nghề báo: "Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. Góc trang trọng, trên trang nhất mỗi số báo luôn có dòng chữ đậm "Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo”.

Những ngày đầu xuất bản, Báo Hòa Bình phát hành 2 kỳ/tuần; tháng 2/1996 tăng lên 3 kỳ/tuần; quý II/2002 tăng lên 4 kỳ/tuần; tháng 1/2012 tăng lên 5 kỳ/tuần và từ tháng 10/2015 đến nay Báo Hòa Bình tăng thành 6 kỳ/tuần, số lượng 8 trang báo hàng ngày và 12 trang báo cuối tuần, phát hành vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu và Chủ Nhật; lượng phát hành đạt 6.000 - 7.000 tờ/kỳ. Hầu hết các chi, đảng bộ cơ sở; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, người có uy tín trên địa bàn dân cư, các điểm Bưu điện văn hóa xã đều có Báo Hoà Bình trong ngày. Nhiều năm qua, Báo Hoà Bình đã cấp không thu tiền trên 800 tờ báo mỗi kỳ cho 5 tổ chức đoàn thể ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cấp trên 1.500 tờ báo cho người có uy tín trong cộng đồng.

Từ chỗ chỉ có một ấn phẩm báo in, năm 2006, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Báo Hòa Bình đã chính thức hòa mạng internet toàn cầu, đưa thông tin, hình ảnh, bản sắc văn hóa Hòa Bình đến với bạn bè trên toàn thế giới. Dấu ấn này được đánh dấu bằng sự kiện: Ngày 26/12/2006, tại trụ sở Báo Hòa Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Tổng Biên tập đã bấm nút khai trương tờ báo điện tử đầu tiên của tỉnh. Đây cũng là một trong những trang thông tin điện tử đầu tiên của các báo Đảng bộ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tháng 4/2017, được sự đồng ý của Tỉnh ủy Hòa Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông, trang thông tin điện tử tổng hợp được nâng cấp thành báo Hòa Bình điện tử với 3 ngôn ngữ chính: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Mường. Bình quân mỗi ngày có trên 30 vạn lượt bạn đọc trong nước và 176 quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi thông tin trên báo Hòa Bình điện tử. Có thể nói, Phiên bản tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử là ấn phẩm chính thống đầu tiên của Đảng được chuyển tải bằng ngôn ngữ Mường, chữ Mường của tỉnh và trên toàn quốc, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Các thiết bị như máy quay phim, flycam, máy tính chuyên dụng, máy chủ, phòng thu, phòng sản xuất chương trình truyền hình, quy trình tòa soạn điện tử, đường truyền internet, mô hình tòa soạn hội tụ hình thành, từng bước được đầu tư để các nhà báo có thể tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, đảm nhận nhiều nhiệm vụ tuyên truyền mới… Với những nỗ lực đó, Báo Hòa Bình đã thực sự bắt kịp xu thế phát triển của báo chí Việt Nam hiện đại dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Từ thời điểm ban đầu, Báo Hòa Bình chỉ có 3 phòng là Thư ký - Tòa soạn, phòng Phóng viên và phòng Trị sự. Tháng 7/2012, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Hòa Bình quyết định thành lập mới phòng Xây dựng Đảng - Nội chính và đổi tên phòng thống nhất theo Quy định 338 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, đưa tổng số phòng chuyên môn lên 7 phòng, gồm: Thư ký - Tòa soạn, Hành chính - Trị sự, Xây dựng Đảng - Nội chính, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội, Bạn đọc - Tư liệu và phòng Báo Hòa Bình điện tử. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, hiện nay số lượng biên chế cán bộ, phóng viên đã giảm, Ban Biên tập cũng sáp nhập lại số phòng chuyên môn từ 7 phòng xuống còn 5 phòng. Công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên cũng được quan tâm thường xuyên. Đến nay, báo đã có trên 200 cộng tác viên từ khắp các lĩnh vực, địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên nòng cốt có chất lượng, đóng góp đáng kể vào thành công của tờ báo.

Một số cán bộ, phóng viên được cơ quan Báo Hòa Bình tuyển dụng năm 1992 - 1993 và các năm sau đã trưởng thành và phát triển như anh Đinh Văn Ổn, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề bạt làm Phó Tổng biên tập năm 1999, Tổng Biên tập năm 2005; các anh Đồng Thế Hưng (nay đã mất), Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Hoàng Thư làm Phó Tổng Biên tập (anh Nguyễn Hoàng Thư đã chuyển công tác làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở TT&TT, hiện nay tham gia Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi); tiếp đó, các anh Bùi Văn Tưởng, Đỗ Ngọc Vinh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề bạt làm Phó Tổng Biên tập. Năm 2019, anh Đinh Văn Ổn, Tổng Biên tập nghỉ hưu, anh Nguyễn Mạnh Tuấn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề bạt làm Tổng Biên tập.

Các anh, các chị: Nguyễn Thị Minh Thu, Bùi Đức Phượng (đã nghỉ hưu), Lê Văn Chung, Quách Công Khương, Hoàng Thanh Nga, Vũ Thị Hương Lan, Bùi Thúy Hằng (hiện đang là Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo tỉnh), Bùi Đình Chiến, Đinh Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thị Cẩm Lệ, Nguyễn Hồng Trung… được Ban Biên tập Báo Hòa Bình đề bạt Trưởng phòng, Phó trưởng phòng. Hiện nay, Báo Hòa Bình có đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đều có trình độ đại học, trên đại học, nhiều phóng viên có từ 2 bằng đại học trở lên; đội ngũ cán bộ cốt cán đều có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị. Nhiều phóng viên đã gây dựng được tên tuổi trở thành các cây bút chủ lực và đạt các giải cao tại các giải báo chí Quốc gia và của tỉnh tổ chức. Đó là các nhà báo: Lê Chung, Mạnh Hùng, Hoàng Nga, Đức Phượng, Đinh Hòa, Cẩm Lệ, Bùi Minh, Thúy Hằng, Đinh Thắng, Dương Liễu…

Từ tháng 10/2013, Chi bộ Báo Hoà Bình chính thức chuyển thành Đảng bộ, với 28 đảng viên, 3 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ Báo Hòa Bình luôn nỗ lực xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, khẳng định vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi hoạt động của đơn vị. Các đoàn thể như Chi hội Nhà báo, Đoàn Thanh niên, Công đoàn cơ quan hoạt động đều tay và có nhiều đóng góp cho thành công chung của đơn vị. Báo Hòa Bình còn tham gia và tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo báo Đảng, giao lưu nghiệp vụ công tác hội; giúp đỡ các xã nghèo theo sự phân công của tỉnh và duy trì tốt Giải Việt dã truyền thống Cúp Báo Hòa Bình hàng năm. Đời sống tinh thần, văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì; thu nhập hàng năm được nâng lên, đảm bảo đời sống cho anh em sống được bằng nghề.

Ghi nhận những thành tích cống hiến của các thế hệ cán bộ, phóng viên, công chức, viên chức của Báo Hòa Bình trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cáo quý; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, các bộ, ngành T.Ư tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Đã có hàng chục nhà báo được T.Ư Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu, Báo Hòa Bình một lần nữa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là những phần thưởng ghi nhận những cống hiến của các cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thế hệ mới với quê hương Hòa Bình.


Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục