Trong chương trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 7/12 đã diễn ra phiên chất vấn tại hội trường. HĐND tỉnh đã thống nhất 5 nhóm vấn đề chất vấn. Báo Hòa Bình trích đăng một số nội dung trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Tập trung công tác đo đạc đảm bảo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời


 

Đại biểu  hỏi: Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dung đất (QSDĐ) cho các hộ dân vẫn còn chậm, giấy chứng nhận in sai họ, tên, địa chỉ thông tin người sử dụng đất; diện tích ranh giới… Xin được hỏi đồng chí Giám đốc Sở TN&MT hiện nay trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu hộ chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp và giải pháp trong thời gian tới?

Đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT trả lời:




Trước đây, trong quá trình triển khai cấp giấy chứng nhận QSDĐ quy trình và công nghệ chưa đảm bảo dẫn đến sai xót không đáng có, các đơn vị chức năng rất khó khăn trong việc rà soát thực địa. Ngoài ra, công tác phối hợp của đơn vị tư vấn và địa phương cũng gặp nhiều trở ngại.

Về phía người dân do nhiều người đi làm ăn xa cũng ảnh hưởng đến việc triển khai cấp giấy chứng nhận QSDĐ và dẫn đến sai sót. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 30.000 thửa đất chưa có giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó còn khoảng trên 22.500 thửa đất lâm nghiệp.

Thời gian qua, Sở TN&MT có xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về vấn đề này. Sở TN&MT đã rà soát, xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh và đến tháng 11/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về đo đạc đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Theo kế hoạch, sẽ rà soát và đo đạc lại với tỷ lệ bản đồ lớn hơn so với trước đây. Trong đó, thực hiện lại đo đạc toàn bộ đất lâm nghiệp, sau đó đăng ký cấp giấy và xây dựng cơ sở dữ liệu. 

Tổng kinh phí của dự án triển khai đo đạc, rà soát, cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn toàn tỉnh lên đến 861 tỷ đồng, trong đó cấp huyện 532 tỷ đồng. Riêng kinh phí của huyện Mai Châu và Đà Bắc tỉnh hỗ trợ 100%; TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn tự túc kinh phí; các huyện còn lại tỉnh hỗ trợ kinh phí một phần khoảng 30%. Với các giải pháp, lộ trình sắp tới, đến năm 2028 việc triển khai đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ sẽ được hoàn thành.

Quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu hỏi: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát còn một số bất cập thuộc Dự án 8, Dự án 4, Dự án 3. Đề nghị Ban Dân tộc có kiến nghị với T.Ư và lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền của tỉnh, đề nghị cho biết giải pháp trong thời gian tới?

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc trả lời:



Đối với Dự án 8, đầu tư xây dựng "địa chỉ an toàn” cho phụ nữ, trang bị nhu yếu phẩm nhưng không sử dụng, hết hạn phải tiêu huỷ gây lãng phí. Do kinh phí sự nghiệp của Dự án 8 chỉ phân bổ chung, không giao chi tiết nội dung thực hiện cho các huyện, thành phố. Việc thực hiện nội dung cụ thể do Hội LHPN các cấp lập kế hoạch và dự toán chi tiết để trình phê duyệt để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các huyện được phép điều chỉnh các nội dung chi để thực hiện và giải ngân vốn được phân bổ. Sau khi tiếp nhận kiến nghị, chúng tôi phối hợp với Hội LHPN các cấp điều chỉnh các nội dung hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn.

Đối với Dự án 4, kinh phí sửa chữa đường giao thông, mương... không quá 30 triệu đồng/1 công trình, giá thấp không phù hợp, đang có sự nhầm lẫn chương trình. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, không quy định cụ thể mức kinh phí để sửa chữa 1 công trình, việc sửa chữa phải được rà soát tính toán trên cơ sở hiện trạng công trình cần sửa chữa.

Đối với Dự án 3, hỗ trợ bò giống (lai) trên 200kg, nhưng tiền mua không đủ dẫn đến gây khó cho hộ nghèo phải đối ứng. Việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng được thực hiện theo hình thức Nhà nước hỗ trợ và người dân được hỗ trợ phải tham gia đối ứng một phần. Nội dung này đã được T.Ư và tỉnh hướng dẫn, quy định rõ. Do đó, trong thời gian tới, đề nghị các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo theo các quy định hiện hành.

Đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội

 Đại biểu hỏi: Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH của một số doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc, trong đó có cả cơ quan hành chính sự nghiệp của Đảng, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước, các huyện, xã, thị trấn về tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH kéo dài. Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH tỉnh, đến ngày 30/6/2023, tổng số tiền nợ đọng, chậm đóng là 66 tỷ 915 triệu đồng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tác động đến công tác an sinh xã hội. Đề nghị nêu tên cơ quan, đơn vị, làm rõ trách nhiệm, đề ra biện pháp, giải pháp khắc phục, thu hồi trong thời gian tới?


Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời: 



Tính đến ngày 30/11/2023, số tiền nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 190.904 triệu đồng. Trong đó có 122 doanh nghiệp, hộ kinh doanh... làm ăn thua lỗ dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH kéo dài và số tiền chậm đóng BHXH của đơn vị phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn kéo dài nhiều năm nay chưa có hướng giải quyết (gần 27 tỷ đồng). Nguyên nhân do một số đơn vị sự nghiệp chưa trích nộp và nộp chưa đủ số tiền phải trích đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo mức lương tăng tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP. Trong 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế do chiến tranh giữa Nga và Ucraina, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp giảm, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đều, chưa đảm bảo được các khoản trích nộp BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng cho người lao động theo quy định. Quy định xử phạt trong lĩnh vực BHXH theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, ngày 17/1/2022 còn thấp. Việc khởi kiện các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH ra tòa cũng còn nhiều khó khăn.
Trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường hoạt động đôn đốc thu và thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất; chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tham gia Đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, chú trọng thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc sau kết luận thanh tra đã góp phần thu hồi giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Bên cạnh đó, hiện nay, dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới, đặc biệt là đã bổ sung các biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật BHXH. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt chậm đóng, trốn đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu hồi, góp phần đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động.

Phối hợp triển khai các dự án giao thông cấp bách, chậm tiến độ

 

Đại biểu hỏi: Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) và 2 dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo kết nối với quốc lộ 6 thuộc phường Dân Chủ (TP Hoà Bình); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 436 với chiều dài tuyến 7 km, thuộc địa phận xã Phong Phú (Tân Lạc) dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2024. Đề nghị cho biết về những nguyên nhân chủ quan dẫn đến làm chậm tiến độ hoàn thành của các dự án trên và xác định khả năng thực hiện, cam kết thời điểm hoàn thành đối với các dự án nêu trên?

Đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT trả lời: 



Các dự án cử tri nêu đều là dự án lớn, cấp bách được nhân dân quan tâm, các cấp, ngành tập trung triển khai. Về nguyên nhân các dự án chậm tiến độ, đối với dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) chủ yếu là khó khăn không có nguồn vốn triển khai, đang điều chỉnh thời gian triển khai, tập trung thực hiện trong 2 năm 2024 - 2025.

 Đối với 2 dự án còn lại đều khởi công từ năm 2022, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, theo chỉ đạo trong năm 2024 hoàn thành. Nguyên nhân các dự án chậm do điều chỉnh nguồn vốn đầu tư; khó khăn về mặt bằng; vấn đề đất đắp chưa được giải quyết. Tại Kỳ họp này, Sở GTVT đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung đề xuất hướng giải quyết để tích cực triển khai vào đầu năm 2024. Sở GTVT sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà. Chủ đầu tư cần chủ động đảm bảo tiến độ triển khai.
Đối với 2 dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo kết nối với quốc lộ 6 thuộc phường Dân Chủ (TP Hoà Bình); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 436 thuộc địa phận xã Phong Phú (Tân Lạc), Sở GTVT cam kết sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án vào hoạt động, đảm bảo tiến độ trong năm 2024.

 Vấn đề thiếu cơ sở vật chất, giáo viên và sự phù hợp giữa kết quả đánh giá, xếp loại học sinh

 

Đại biểu hỏi: Trước thực tế hàng năm kết quả đánh giá cuối năm tại các lớp học tỷ lệ đạt yêu cầu, đủ điều kiện lên lớp rất cao (đạt từ 99 - 100%), trong khi đó, theo kết quả khảo sát đầu năm, khảo sát đầu các cấp học, số học sinh có điểm khảo sát thấp (dưới 5 điểm) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đề nghị Sở GD&ĐT kiểm tra, làm rõ sự phù hợp giữa kết quả đánh giá, xếp loại này?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời: 



Khảo sát đầu năm các cấp học là một trong những giải pháp ngành GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện trong những năm gần đây nhằm mục đích đánh giá chất lượng học sinh, từ đó tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT. Theo đó, qua khảo sát có những con số thực như đại biểu đã nêu. Từ thực trạng khảo sát, chúng tôi đã có kế hoạch, giải pháp phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường, giáo viên có kế hoạch cụ thể, phương pháp giảng dạy thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, năng lực của học sinh. Theo đó, đến cuối năm học chất lượng học tập của học sinh đã đạt được yêu cầu. Và trong 3 năm trở lại đây, chất lượng giáo dục của tỉnh đã tăng 29 bậc, nằm ở tốp giữa.

Ngoài ra, một số đại biểu nêu lên thực trạng về trình độ giáo viên được đào tạo nâng chuẩn nhưng vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức, phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin; về cơ sở vật chất giáo dục mầm non (toàn tỉnh hiện còn 63 phòng học tạm, 31 phòng học nhờ). Bên cạnh đó là tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy trong khi vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định. Đặc biệt là vấn đề có trên 1.600 học sinh học xong bậc THCS không đăng ký học tiếp lên bậc THPT. Đó là những vấn đề tồn tại, khó khăn chúng tôi phải thẳng thắn nhìn nhận, từ đó thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên; có chính sách hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên vùng khó khăn cũng như khuyến khích, động viên giáo viên luân chuyển công tác giữa các vùng; chế độ hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn. Đồng thời, chúng tôi tăng cường tham mưu để có giải pháp, tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, xã hội hóa giáo dục…

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong vận hành hồ thủy lợi


Đại biểu hỏi: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện Kim Bôi, nhiều ý kiến cho rằng một số công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Hòa Bình trực thuộc Sở NN&PTNT quản lý, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất chưa hiệu quả, vận hành chưa phối hợp với địa phương nên có hệ quả: lúc cần nước thì không có, lũ lụt thì không xả nước hoặc chậm xử lý gây úng, ngập... Với trách nhiệm quản lý, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp chỉ đạo như thế nào để công ty hoạt động đồng bộ, hiệu quả?

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời: 



Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình không trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh mà hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý lĩnh vực thủy lợi, Sở NN&PTNT làm rõ: Căn cứ Luật Thủy lợi năm 2017 cùng một số nghị định, quyết định của UBND tỉnh giao các công trình thuỷ lợi cho chủ đầu tư và các đơn vị quản lý vận hành… Theo đó, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hoà Bình quản lý 510 công trình và các đập có chiều cao trên 12m; các bai, đập do công ty quản lý có dung tích từ 500 nghìn đến trên 4 triệu m3 nước. Hàng năm, công ty kiểm tra và cùng Phòng NN&PTNT, UBND cấp huyện xác nhận diện tích tưới tiêu. Thời điểm tháng 4/2023 đã xác nhận diện tích tưới riêng của công ty đạt 99%, còn lại 1% do chuyển đổi đất lúa trồng cây cam, hạn hán El Nino xảy ra ở một số địa phương. Trong quá trình vận hành, công ty có quy chế phối hợp với UBND các huyện trong việc cung cấp, vận hành nước tưới tiêu. Vấn đề úng lụt trên địa bàn tỉnh, công ty đã trình UBND tỉnh đề nghị xây dựng phương án tăng cường trạm bơm, hệ thống tưới tiêu ở những khu vực có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi của tỉnh đến nay vẫn còn hạn hẹp. Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đầu tư đáp ứng nhu cầu khoảng trên 500 hồ, đập lớn, nhỏ trong tỉnh. Trước mắt tăng cường các trạm bơm khu vực có nguy cơ ngập úng… 
Đối với ý kiến của đại biểu chất vấn, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiểm tra các công trình trước, trong và sau mùa mưa lũ để đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư vào thủy lợi, nâng diện tích đất từ 1 vụ thành 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, vận hành an toàn hồ, đập… Sở cũng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có nhiều chương trình cụ thể, đặc biệt là quy chế phối hợp giữa Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Hoà Bình với UBND các huyện, thành phố.

Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

 Đại biểu hỏi: Trong báo cáo phát triển KT-XH năm 2023, có đánh giá "...quan tâm thúc đẩy phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh... Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN được chú trọng. Nhiều mô hình sản xuất mới được ứng dụng và nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của địa phương. Đồng chí có thể phân tích cụ thể hơn những lĩnh vực và hiệu quả kinh tế mà các nhiệm vụ KH&CN từ các đề tài được áp dụng vào thực tiễn tỉnh ta như thế nào?


Đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN trả lời: 



Thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm phát triển KH-CN trong thời kỳ mới, Sở KH&CN đã bám sát tiềm năng, thế mạnh của tỉnh triển khai các hoạt động KH-CN góp phần thay đổi KT-XH của tỉnh.

Có thể nói, việc thúc đẩy nền kinh tế hiện nay dựa chủ yếu vào KH-CN, năng suất lao động và trình độ quản lý. Chính vì vậy, bên cạnh triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, Sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các thương hiệu sản phẩm của tỉnh với trên 400 thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh, trong đó có các sản phẩm nổi bật như cam Cao Phong, cá, tôm sông Đà, các sản phẩm về dược liệu…

Với việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm, ngoài tác động về kinh tế còn tác động sâu sắc đến xã hội. Thông qua các sản phẩm, người dân trong nước đã biết về tỉnh Hòa Bình nhiều hơn, tác động rất lớn đến vị thế tỉnh nhà.

Sở KH&CN đang phối hợp với các địa phương nhằm xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm nước khoáng Kim Bôi. Về vấn đề này, trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, đề nghị UBND huyện Kim Bôi nghiên cứu có giải pháp phối hợp với ngành KH&CN nhằm đảm bảo xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý thương hiệu nước khoáng Kim Bôi.

Giải pháp quản lý, khai thác di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng

 Đại biểu hỏi: Đề nghị cho biết giải pháp quản lý, khai thác đối với các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh hiện nay? Việc thực hiện bàn giao khu di tích Bia Lê Lợi (nằm trên địa bàn huyện Đà Bắc) bao giờ được thực hiện?


Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL trả lời: 



Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Các di tích không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho nhân dân, mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh.

Vấn đề quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 98 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, từ đó có phân cấp tới các địa phương. Hiện toàn tỉnh có 41 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó đã tiến hành kiểm kê và đề nghị UBND tỉnh đưa vào quản lý 303 điểm di tích, danh lam thắng cảnh. Các huyện, thành phố căn cứ quy chế phân cấp cho các xã, thị trấn có di tích trực tiếp quản lý, thành lập ban quản lý để quản lý các điểm di tích. Ban quản lý ban hành quy chế quản lý, phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện. Bên cạnh đó tăng cường sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Ngành cũng đã tham mưu ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ người trông coi các di tích mà không có nguồn thu. Đối với di tích để phục vụ phát triển du lịch đều có ban quản lý để cân đối các nguồn thu phục vụ cho việc quản lý, khai thác điểm du lịch…

Việc thực hiện bàn giao khu di tích Bia Lê Lợi được xếp hạng di tích cấp tỉnh hiện còn vướng mắc trong trình tự thủ tục đầu tư. Sở VH-TT&DL sẽ tham mưu, đề xuất phương án trình UBND tỉnh để sớm đưa dự án vào hoạt động.


 



Các tin khác


Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục