Đúng ngày 3.2, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 80 năm Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi tìm gặp một nhân vật đặc biệt: Cụ Nguyễn Công Hoà - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Nói là đặc biệt, bởi cụ là một trong những người cao tuổi nhất trong Đảng (104 tuổi), cũng vừa tròn 80 năm tuổi Đảng! 80 mùa xuân dâng Đảng, với cụ là năm tháng bền bỉ đấu tranh theo ngọn cờ của Đảng; là thời gian tỏ khí khái quật cường của người cộng sản; là quãng đời chất chứa cảm xúc, niềm tin vào lý tưởng cao đẹp... 

Người con Thanh Miện kiên trung

Nắng vàng ấm áp đánh thức những ngày xuân. Thềm nắng, sắc xuân cũng ngập đầy khuôn viên ngôi nhà cổ kính ở số 18 phố Nguyễn Gia Thiều. Ông Nguyễn Công Hoạt - con trai út của cụ Hoà, đã 63 tuổi - mở cánh cổng hoen mờ dấu tích thời gian - dẫn chúng tôi lên gặp cụ ở lầu 2. Những bậc thềm dẫn im ắng như muốn lắng đọng câu chuyện về một đời người vốn đã đi qua nhiều bão tố.

Câu chuyện xuyên suốt gần một thế kỷ, chậm rãi hiện về qua dòng ký ức của một cụ ông đã 104 tuổi mà vẫn rất nguyên vẹn. Nhiều đoàn khách trung ương và các địa phương cùng tìm về ngôi nhà ấy, để được nghe câu  chuyện như chúng tôi.

Cụ kể, thi thoảng phải nhờ ông Hoạt nói lại, nhưng vẫn minh mẫn, liền mạch: "Tôi xuất thân từ một gia đình bần nông ở Thanh Miện (Hải Dương). 11 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. 12 tuổi, tôi bỏ ra Hải Phòng, xoay đủ mọi thứ nghề kiếm sống, từ làm thợ tiện đến công nhân nhà máy gạch men. Hải Phòng khi đó đã là một thành phố công nghiệp phát triển của miền Bắc, lực lượng công nhân rất đông đảo.
 
Năm 1926, khi tôi 19 tuổi, phong trào cách mạng ở Hải Phòng phát triển sôi nổi, công nhân hăng hái tham gia phong trào đòi thả  cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Vì tham gia phong trào mà tôi bị bắt, sau được tha. Cùng lúc đó, Thành bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phái người bắt liên lạc rồi kết nạp tôi vào Tổ chức Công hội Đỏ, Đoàn Thanh niên.
 
Đến năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau là Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư Thành uỷ kết nạp tôi vào Đảng, là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng, bổ sung tôi được vào Ban Chấp hành phụ trách khu công nghiệp từ Sở Dầu đến Cửa Cấm".
 
Mùa xuân năm 1930 là mùa xuân vui đầu tiên của chàng thanh niên Nguyễn Công Hoà vì đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đã tìm thấy chân lý cuộc đời: Sống là chiến đấu. Niềm xúc cảm vẫn còn nguyên trong cụ. "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi là một trong những người công nhân tiêu biểu đầu tiên của đất cảng được đứng vào hàng ngũ của Đảng" - cụ Hoà nói.

Sau này, do bị địch theo dõi sát, cụ Hoà được giới thiệu về đặc khu Hòn Gai, tham gia Đặc khu uỷ mỏ hoạt động trong nhà máy ở Hòn Gai gây cơ sở cách mạng. Chính cụ là người trực tiếp chỉ đạo treo cờ búa liềm lên đỉnh núi Bài Thơ ngày 1.5.1930. Cuối 1930, toàn bộ Ban Chấp hành đặc khu bị khủng bố, người cộng sản Nguyễn Công Hoà  bị địch bắt giam. Bắt đầu những ngày đề lao, bị đòn roi và tra tấn.
 
Giọng cụ bỗng dưng nghẹn lại, dường như lạc đi bởi một dòng ký ức đau thương, hằn lên như vết sẹo nhức buốt. Đó là ký ức về lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh: "Khi còn ở đề lao tại Hải Phòng, một sáng tháng 4.1932, chúng tôi thấy địch kéo máy chém tới. 11 giờ đêm hôm đó thì nghe tiếng rì rầm của người bạn tù ở hầm bên cạnh. Anh đọc thơ Nguyễn Trãi, rồi da diết gửi lời xin tha thứ tới người mẹ của mình rằng không báo hiếu mẹ được. Tôi trèo lên cửa sổ hỏi, mới hay chính là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Anh ấy nói là sớm hôm sau sẽ bị địch xử tử cùng đồng chí Hồ Ngọc Lâm. Anh chào chúng tôi. Đúng hôm sau thì anh bị chúng đưa lên máy chém...".

Những người con từ quê hương Thanh Miện tới chúc mừng cụ Nguyễn Công Hoà.

Rồi chính cụ Hoà  lại phải chịu những đòn roi tra tấn dã man. "Chúng treo tôi lên cây quéo, rồi cầm dùi cui thúc vào ngực. Chúng đánh gãy xương tôi, hòng tôi khai ra cơ sở cách mạng của mình. Nhưng ai trong chúng tôi cũng học tập tinh thần đồng chí Nguyễn Đức Cảnh " - cụ Hoà  nói.

Trước tinh thần của người cộng sản Nguyễn Công Hoà, địch đành đưa cụ Hoà  ra Hỏa Lò và Hội đồng đồ hình ở Hà Nội kết án tù 20 năm cấm cố khổ sai. Hơn nửa tháng trời lênh đênh trên biển, cụ bị đày ra chốn "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Lại những ngày tuyệt thực, bị đòn roi và tra tấn dã man. Có những lúc hiểm nguy như đã cận kề cái chết. Chính tại đây, cụ được gặp gỡ, hoạt động cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ... Đời cách mạng, đã bước chân vô là như đã chấp nhận tù đày, "là gươm kề cổ, súng kề tai".

Tôi hỏi: "Có khi nào cụ chùn bước?". Cụ cười bảo, những chuyện hiểm nguy dài lắm, tôi viết hết trong hồi ký (Con đường sống duy nhất - NXB Lao Động, 1999) rồi. Dấn thân vì lý tưởng của Đảng, còn sợ gì chứ! Tôi luyện trong gian khổ, trưởng thành từ hiểm nguy, có lẽ vì thế mà cụ được tổ chức tin tưởng giao nhiều trọng trách.

Kinh qua nhiều cương vị, tham gia nhiều hoạt động, nhưng người cộng sản Nguyễn Công Hoà  đặc biệt nặng lòng với hoạt động công đoàn. Cụ luôn tâm niệm: "Hoạt động công đoàn là trung tâm của công tác xây dựng và phát triển Đảng". Từ những ngày hoạt động trong Công hội Đỏ, cụ đã xông xáo hết mình trong các phong trào công nhân. Đến năm 1950, cụ được bầu làm Uỷ viên Đảng đoàn, Uỷ viên Thường vụ Tổng Liên đoàn. Rồi từ năm 1961, cụ giữ cương vị Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn.
 
Bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu suy nghĩ, cụ chỉ có một niềm khao khát, ấy là được góp sức trong  hoạt động công đoàn, phong trào công nhân đóng góp vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Đảng.

Thế mới càng thấy thấm thía và trân trọng những dòng tự bút đầy day dứt của cụ chỉnh huấn mùa xuân năm 1965: "...Đáng lẽ, mình là người công tác ở Tổng Công đoàn lâu năm, phải có trách nhiệm bao quát trong việc xây dựng bộ máy; trong việc giúp đỡ các đồng chí mới về để nắm được tình hình phong trào. Nhưng sự tham gia của mình mới ở mức độ bình thường, còn ít suy nghĩ, chưa vươn lên, theo kịp với sự chuyển biến của cơ quan... Trong thời gian tham gia Quốc hội, và trong Ban Kiểm tra trung ương có nhiều công việc phải suy nghĩ nên thận trọng làm tròn trách nhiệm của mình... Từ năm 1963 đến nay, suy nghĩ nhiều về tinh thần trách nhiệm của người cán bộ phụ trách... "...

Con đường sống duy nhất

Chân dung người con Thanh Miện kiên trung Nguyễn Công Hoà  ở tuổi 104...
Tôi hỏi: "Xúc cảm của cụ thế nào khi mùa xuân năm nay đã tròn 80 năm tuổi Đảng?". Lại nụ cười móm mém hiền hậu, cụ không giấu nổi niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt đã chằng chịt những dấu vết đời người. Ông Hoạt - con trai út của cụ, không giấu được niềm xúc động - kể: "Các cấp uỷ, chính quyền trung ương và Hà Nội tổ chức trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho cụ hôm qua, cụ xúc động lắm. Xúc động vì cả cuộc đời, trải qua bao nhiêu lao khổ, tuyệt đối tin tưởng và đi theo con đường của Đảng, ông cụ từng ngày được chứng kiến sự đổi thay, lớn mạnh của Đảng, của đất nước. Niềm vui của cụ cũng là niềm vui, niềm tự hào của cả gia đình chúng tôi". Rất nhiều đoàn khách trung ương và địa phương đã tìm về ngôi nhà ở số 18 phố Nguyễn Gia Thiều trong những ngày này để được chia vui với cụ và gia đình.

Khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì cũng là lúc những người con từ quê hương Thanh Miện do Bí thư Huyện uỷ Lương Anh Tế  tới nơi. Cụ chân tình nắm tay những người đồng chí, cũng là lớp hậu sinh đang tiếp bước con đường cách mạng mà cụ cùng những người đồng chí đã đi từ cách đây gần trọn một thế kỷ. Cụ cởi mở chuyện trò, hỏi nhiều câu hỏi đầy hơi thở thời cuộc. Hoá ra, bàn chân dù đã bước sang mùa xuân thứ 104, sức khoẻ yếu nhiều, đôi mắt cũng không còn tinh anh như trước, nhưng cụ vẫn còn nhiều điều trăn trở!

Ông Nguyễn Công Hoạt cho biết: "Cụ vẫn đều đặn  đọc báo, xem tivi hằng ngày và quan tâm đến những quyết sách của Đảng, Nhà nước". Chẳng thế mà ngồi chuyện với cụ, Bí thư Huyện uỷ Thanh Miện cứ lặng ngồi nghe từng lời truyền dạy của bậc tiền nhân...

Lại nhớ những dòng gan ruột cụ viết trong hồi ký "Con đường sống duy nhất": "Là một người thợ đã phải chịu nhiều nỗi đắng cay tủi nhục trong cuộc đời làm mướn, làm thuê. Rồi được Đảng giác ngộ, dìu dắt, đi theo con đường tranh đấu cách mạng. Nhìn lại con đường mà mấy chục năm qua tôi đã đi dưới ánh sáng soi đường của Đảng, tôi cảm thấy vô cùng thấm thía, rằng đó chính là con đường sống duy nhất của những người cùng khổ, cũng như tất cả những người yêu nước".

Bền bỉ cả đời theo con đường cách mạng. Dường như, với cụ, còn sống là còn trăn trở, là còn cống hiến cho sự nghiệp chung... 

Theo LĐ

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục