Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn Hoà Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn Hoà Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

(HBĐT) - Sáng ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012.

 

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội Hoà Bình cho rằng: Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, kết quả vẫn có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ đã bám sát thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nghị quyết đã có tác động mạnh đến nền kinh tế, làm cho giá cả hàng hóa tăng chậm lại, lạm phát được kiềm chế dưới 10%. Báo cáo cho thấy thu, chi ngân sách đạt kết quả khá. Các giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông bước đầu đã phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng hơn. An sinh xã hội được đảm bảo.

 

Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội còn có một số vấn đề cần được quan tâm; tôi xin đề cập về những tồn tại của nền  kinh tế nước ta cũng như ở các địa phương hiện nay; tình hình doanh nghiệp và những giải pháp:

 

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế nước ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, phát triển thiếu ổn định. Sự thăng trầm từ thăng hoa - lạm phát - suy giảm kinh tế liên tục diễn ra. Nguyên nhân là do nhiều chính sách ban hành trong điều hành kinh tế vĩ mô còn chậm, thiếu nhất quán, thay đổi liên tục, nặng về giải quyết tình huống. Việc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế chưa theo kịp yêu cầu với công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu trong công nghiệp nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung. Trong đó, việc thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng hàm lượng giá trị gia tăng sau hơn 10 năm triển khai thực hiện nhưng chuyển biến rất chậm, nguyên nhân cơ bản là do cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng. Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế Nhà nước được xác định là yếu tố chủ đạo, chi phối lớn đến nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Chiến lược điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chưa theo kịp diễn biến của thị trường. Chính sách quản lý, điều tiết về đầu tư nước ngoài mất cân đối, gây ra tình trạng bị động về cung cầu hàng hóa ở một số mặt hàng quan trọng, tình trạng lách luật, chuyển giá, chốn thuế vẫn diễn ra đặc biệt đối với một số doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài.

 

Hiện nay, tồn tại một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước thì trông chờ sự hỗ trợ; Doanh nghiệp tư nhân thiếu định hướng, hoạt động riêng rẽ thiếu chiến lược kinh doanh. Cả nước có hơn 600 nghìn doanh nghiệp được thành lập, thì có tới trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng 50% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước, nếu tính cả mô hình hợp tác xã, trang trại và hộ kinh doanh cá thể thì đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới xấp xỉ 60% GDP. Tuy nhiên, sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước tới các đối tượng này còn hạn chế. Theo dự báo năm 2012 sẽ có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. Riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến thời điểm 31/5/2012 có khoảng 847 trên 2.118 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn đến ngừng hoạt động chiếm tỷ lệ gần 40%. Đây là hiện tượng bất thường khi con số này vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu ở những doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp đầu tư chưa kịp thu hồi vốn, nay máy móc thiết bị ngừng hoạt động, hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng cao.

 

So với năm 2009 khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu là do tác động của kinh tế thế giới thì ngược lại thời điểm này số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn bên trong là chủ yếu, đó là những tác động của chính sách điều tiết về giá cả và tiền tệ, môi trường và cách thức điều hành kinh tế trong bối cảnh vừa kiềm chế lạm phát, vừa chống suy giảm; cơ chế chưa rõ ràng khiến cho nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, có thương hiệu mạnh, nay cũng trở thành làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến ngừng hoạt động hoặc phá sản đã gây mất việc làm cho nhiều người lao động.

 

Theo tôi, trong thời điểm hiện nay để phát triển kinh tế chúng ta cần chấp nhận một tỷ lệ lạm phát hợp lý. Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, có tính dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 13 đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp. Nhiều cử tri cho rằng, giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng và việc lùi thời hạn nộp đối với một số loại phí, thuế và các khoản thu nộp ngân sách của doanh nghiệp là chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

 

Từ đánh giá nêu trên, tôi xin kiến nghị một số giải pháp sau:

 

Một là, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp “cứu” doanh nghiệp bằng các hình thức như:

 

Tiếp tục hoãn, giãn, miễn giảm thuế, có giải pháp kích cầu, tiêu thụ hàng hóa.

Để giảm bớt áp lực cho Ngân hàng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong lúc này thành lập ngay “Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” theo Nghị định 138 của chính phủ; “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” theo Quyết định số 193 của Chính phủ.

 

Đối với các dự án đầu tư công mà ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp: Đề nghị được miễn giảm thuế; trả lãi suất theo lãi vay ngân hàng đối với các dự án được nhà thầu hoàn thành khối lượng bàn giao đưa vào sử dụng sau 3 tháng (như hiện nay doanh nghiệp phải vay ngân hàng để hoàn thành dự án, vừa phải vay để nộp thuế). Phương án ràng buộc này tránh được cơ chế xin cho; tránh đầu tư giàn trải; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giảm giá thành sản phẩm.

 

Hai là, Đề nghị ưu tiên thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình bình đẳng khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Tìm rõ nguyên nhân về sự tăng giảm bất thường của lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, gây ra biến động của nền kinh tế.

 

Ba là, Đề nghị Chính phủ cho phát hành bổ sung trái phiếu năm 2013-2014, chấp nhận một tỷ lệ lạm phát hợp lý trong tầm kiểm soát của Chính phủ và có sự ổn định qua các năm nhằm cứu vãn tình hình kinh tế. (Hiện nay, các dự án đầu tư công như y tế, giao thông, thủy lợi rất hiệu quả, đang đầu tư  dở dang phải giãn, hoãn tiến độ gây thiệt hại lớn cho ngân sách). Tiếp tục bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương để phục vụ cho nông nghiệp.

 

Bốn là, Đề nghị Ngân hàng: Có lộ trình giảm lãi suất vay xuống dưới 10%/năm để doanh nghiệp trong nước có khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực; cơ cấu lại khoản nợ sấu, khó đòi. Điều chỉnh lại tiêu chí, điều kiện vay vốn để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Tiếp tục triển khai các dự án dở dang, căn cứ vào dự án có hiệu quả kinh tế cao để được vay vốn. Nới lỏng van tín dụng ở lĩnh vực Bất động sản cho một số dự án đã có mặt bằng sạch hoặc nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

 

 

                                                Bích Ngọc

               Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục