(HBĐT) - Tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư. 6 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án trong nước với số vốn đăng ký 2.867 tỉ đồng, sử dụng khoảng 730 ha đất. Đến nay, toàn tỉnh có 211 dự án đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động SX-KD, góp phần khai thác tiềm năng, tăng thu NSNN, thúc đẩy KT-XH phát triển. Trong đó, 24 dự án FDI tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động, 187 dự án đầu tư trong nước tạo việc làm cho gần 8.000 lao động.

 

Chất thải từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Thành Long tại xã Cư Yên (Lương Sơn) gây ô nhiễm môi trường.  

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã phát sinh vấn đề môi trường. Bên cạnh các cơ sở, doanh nghiệp có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, còn không ít đơn vị gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt, thiệt hại kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc, sự cố về môi trường được dư luận quan tâm, nhất là hiện tượng cá chết trên sông, suối. Điển hình, ngày 17/5, Bộ TN&MT ban hành quyết định xử phạt 3 cơ sở tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường sông Bưởi với số tiền gần 4 tỉ đồng; yêu cầu đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng và khắc phục xong các hậu quả. Ngày 1/7, UBND huyện Lương Sơn ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động 6 trại nuôi lợn trên địa bàn. Ngày 11/7, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty CP khoáng sản đồng An Phú, trụ sở tại xã Yên Thượng (Cao Phong) vi phạm quy định của pháp luật về môi trường, làm cá chết ở 2 ao và ô nhiễm nguồn nước suối Nhẹm, Màn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã kiểm tra 104 cơ sở, lập biên bản, kiến nghị, yêu cầu khắc phục 184 thiếu sót, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát hiện, phối hợp bắt giữ 22 vụ vi phạm về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 399,5 triệu đồng.  

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Vì vậy, cùng với các giải pháp về tuyên truyền, thanh - kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, phối hợp với các ngành chức năng trong hướng dẫn xem xét, lựa chọn các dự án đầu tư, bám sát quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với bảo vệ môi trường.

Thực hiện chỉ đạo do UBND tỉnh giao tham mưu về việc hạn chế các dự án đầu tư trong lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Sở KH&ĐT đã tham vấn ý kiến các Sở: TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng góp ý kiến bằng văn bản do bà Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc Sở ký như sau: Đối với các dự án SX-KD thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất tẩy rửa công nghiệp, ngoài việc đảm bảo các quy định về điều kiện sản xuất, môi trường theo quy định thì thời gian hoạt động chỉ từ 10 - 15 năm, ngoài ra không nên xem xét cấp mới đối với loại hình này. Hạn chế cấp phép đầu tư các dự án chế biến tinh bột sắn, sản xuất bột giấy, sơn và phụ gia. Đồng thời, yêu cầu các ngành nghề này vào các KCN có hệ thống xử lý nước thải.  

Ý kiến của Sở TN&MT do ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở ký đồng ý dự án SX-KD thuốc BVTV phải đảm bảo các điều kiện theo quy định và thời gian hoạt động không quá 15 năm. Đối với các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, đồng ý với ý kiến của Sở KH&ĐT thời gian hoạt động không quá 20 năm.  

Ý kiến của Sở NN&PTNT do ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở ký đồng ý với việc không xem xét các dự án chưa đáp ứng các quy định, không nằm trong quy hoạch và các quy định của Nhà nước về vệ sinh môi trường trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Phát triển chăn nuôi gắn với xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, xa khu dân cư.  

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thời gian tới, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính thức có hiệu lực mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, do đó cần có quy định hạn chế đầu tư những dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Sở, Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh: Hạn chế thu hút đầu tư các dự án SX-KD thuốc BVTV, chăn nuôi, chế biến tinh bột sắn, sản xuất bột giấy, sơn và phụ gia. Thời gian hoạt động không quá 15 năm và thực hiện dự án trong các KCN có hệ thống xử lý nước thải. Các dự án chăn nuôi tập trung thời gian hoạt động không quá 20 năm, hết thời gian nếu vẫn đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, phù hợp với quy hoạch chung thì xem xét tiếp tục gia hạn. Ngày 26/7/2016, tại Văn bản số 3608, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, lựa chọn các dự án chăn nuôi lợn đảm bảo công nghệ xử lý môi trường, khoảng cách đến công trình, hộ gia đình, cá nhân và các quy định về bảo vệ môi trường.  

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, một trong những giải pháp được đưa ra là: Tiếp tục phát triển công nghiệp với vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, may mặc, sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng nhằm tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, bảo quản nông sản sau thu hoạch, sản xuất bia, rượu, nước giải khát. Thu hút các dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động tại các địa bàn nông thôn. Song, môi trường cũng là 1/4 chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết.

Thời gian qua, môi trường là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 lưu ý: “Khi phát triển kinh tế phải chú ý đến môi trường, không vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân”. Rõ ràng, cùng với thu hút đầu tư cần có cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu.

 

 

                                                                                      Cẩm Lệ

Chỉ tiêu môi trường trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020: 95% dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 95% chất thải nguy hại được xử lý; 100% các KCN, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, rác thải; 100% cơ sở SX-KD được xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường…

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục