(HBĐT) - Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau gần 2 năm Luật có hiệu lực thi hành, hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh được đánh giá nâng cao về quy mô, chất lượng. ở tất cả các khâu, từ nguồn vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công, chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chất lượng công trình, tiến độ thi công đều có sự thay đổi cơ bản.

Công tác quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động đầu tư công đúng quy trình, thủ tục. ảnh: Công trình Trung tâm hành chính - chính trị TP Hòa Bình tại bờ trái sông Đà đang được đầu tư xây dựng.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Đầu tư công của tỉnh được thực hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực thông qua các dự án hạ tầng KT-XH không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hoá được. Nhìn chung, công tác quản lý dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng các quy định của Luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, Luật mới cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư công, quy trình thực hiện chặt chẽ, dân chủ hơn, yêu cầu nhiều thủ tục hơn.

 

Một trong những thay đổi được quan tâm đó là nguồn vốn đầu tư công có biến động lớn. Vốn trong cân đối ngân sách tỉnh tăng từ 266.500 triệu đồng lên 634.900 triệu đồng năm 2016, bao gồm 524.900 triệu đồng giao theo tiêu chí, 110.000 triệu đồng nguồn thu sử dụng đất. Nguồn vốn T.ư hỗ trợ có mục tiêu tăng từ 627.878 triệu đồng lên 1.026.368 triệu đồng. Nguồn vốn giao cho các CTMTQG giảm từ 302.800 triệu đồng còn 286.220 triệu đồng. CTMTQG và Chương trình ngân sách T.ư hỗ trợ có mục tiêu được cơ cấu lại, thay đổi cả về số lượng và nội dung đầu tư. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 9 CTMTQG và 15 chương trình mục tiêu được giao vốn đầu tư công, đến năm 2016 chỉ còn 2 CTMTQG (CTMTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM) và 13 chương trình mục tiêu có thay đổi về nội dung đầu tư.

 

Trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, hoạt động đầu tư công của tỉnh chưa có kế hoạch rõ ràng mà được thực hiện thông qua quyết định giao dự toán ngân sách hàng năm của HĐND và UBND tỉnh. Khi Luật có hiệu lực, hoạt động đầu tư công được quản lý, điều hành thông qua kế hoạch đầu tư công hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các nguồn vốn: ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.

 

Những sự thay đổi trong hoạt động đầu tư công về cơ bản cho thấy dấu hiệu tích cực. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công được chấn chỉnh, tăng cường gắn với việc xác định rõ nguồn vốn, thẩm định nguồn vốn. Việc phê duyệt dự án đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn, cơ quan có thẩm quyền chỉ phê duyệt dự án đầu tư khi có nguồn vốn, đảm bảo tính hiệu quả của sử dụng nguồn vốn NSNN, hạn chế đầu tư dàn trải.

 

Cùng với kết quả đạt được, hoạt động đầu tư công cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Hiện đối với tỉnh, nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi khả năng cân đối của ngân sách có hạn nên việc lựa chọn, bố trí vốn cho các dự án rất khó khăn, chưa đảm bảo theo quy định. Sau khi Luật có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, việc triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định mới còn lúng túng nên việc áp dụng, thực hiện còn nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Năm 2016, một số chương trình sử dụng vốn T.ư hỗ trợ có mục tiêu, vốn CTMTQG giao muộn nên tiến độ giải ngân các nguồn vốn chậm. Quy định về phân bổ vốn như đối với dự án nhóm C bố trí vốn không quá 3 năm, nếu dự án đầu tư 30 tỉ đồng thì hợp lý nhưng dự án chỉ 5 - 10 tỉ đồng cũng phân bổ trong 3 năm thì bất cập…

 

Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số dự án dẫn đến tiến độ thi công công trình chậm. Một số chủ đầu tư chưa tập trung triển khai dự án nên tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa có hướng dẫn về chuyển đổi dự án đang sử dụng vốn NSNN sang dự án PPP, khó xác định khi áp dụng giữa loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), phần vốn NSNN tham gia dự án PPP chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác tư vấn xây dựng còn nhiều bất cập, năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thi công hạn chế… có những tác động nhất định đến công tác quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công của tỉnh.

 

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Sở KH&ĐT đã đề ra các giải pháp: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc về tiến độ, chất lượng các dự án chuyển tiếp, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, bồi thường GPMB để sớm khởi công dự án, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2016 đã giao. Trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn, các chủ đầu tư báo cáo Sở để kịp thời điều chuyển cho các dự án có khối lượng thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ; tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng quy định; các chủ đầu tư thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ cho các cơ quan chức năng để có chỉ đạo kịp thời, sát với thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

 

                                                                                    Hà Thu

 

 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục