(HBĐT) - "Cam là "cây nhà giàu”. Người ta khuyên hai vợ chồng tôi khi đó nghèo cả về vốn lẫn về sức, thậm chí còn chẳng hiểu gì về khoa học kỹ thuật thì tuyệt đối không nên trồng cam...”. Nhớ lại thời điểm này hơn 10 năm về trước, cả vùng bạt ngàn vải thiều, riêng chỉ có khu vườn của vợ chồng anh Lê Minh Quy (thôn 2C - xã Cố Nghĩa) chuyển sang trồng cam. Đó là hộ đầu tiên của thôn 2C mạnh dạn thử sức với cây cam trên đất Lạc Thủy.


Anh Lê Minh Quy luôn chú trọng đầu tư thâm canh để giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm cam Lạc Thủy.

Thực ra, Cố Nghĩa vốn được coi là "cái nôi” trồng cam của huyện Lạc Thủy cùng với các xã thuộc thị trấn nông trường Sông Bôi (cũ) là Đồng Tâm, Lạc Long, Liên Hòa, Phú Lão, Phú Thành và Hưng Thi. Tại đây, từ những năm 1970, cây cam đã phủ xanh hàng ngàn ha đất màu mỡ, mang lại nguồn sống dồi dào cho hàng trăm hộ công nhân nông trường. Tuy nhiên sau đó, thị trấn nông trường Sông Bôi đã giải thể vào tháng 8/1999 và vì nhiều nguyên nhân khác, diện tích cam bị thu hẹp dần, đánh mất đi vị thế cây chủ lực ở Cố Nghĩa nói riêng và trên đất Lạc Thủy nói chung.

Là người con của đất Lạc Thủy, bố mẹ lại là công nhân nông trường Sông Bôi nên bản thân anh Lê Minh Quy biết rất rõ những thăng trầm của cây cam trên đồng đất quê hương và hiểu rằng chẳng dễ dàng gì để mưu sinh bằng nghề nông ở nơi thân thương nhưng đầy gian khó này. Đến năm 18 tuổi, sức trẻ và hoài bão cuốn anh đi xa, anh quyết chí vào Nam lập nghiệp. Sau gần 30 năm bươn ba đủ nghề nơi đất khách quê người, vợ chồng anh tích lũy được chút vốn và quyết định trở về quê hương với mong ước giản dị: Mua mảnh vườn nhỏ để đào ao, thả cá rồi an yên tận hưởng một cuộc sống thanh bình, không nặng nề vật chất.

Đó là thời điểm cuối năm 2006. Về quê đúng như dự định, vợ chồng anh Quy mua được mảnh đất gần 1, 5 ha là đất trồng vải lâu năm. Nhanh chóng từ bỏ ý định sống an nhàn, hưởng thụ kiểu "vườn cây, ao cá” tự cung, tự cấp, vợ chồng anh vào cuộc ngay với kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, phấn khởi bắt kịp xu thế chung của cả huyện Lạc Thủy khi đó là "nhà nhà trồng vải thiều”.

"Khi đự, cả vùng này bạt ngàn vải thiều. Đến mùa thu hoạch, đất đỏ hỏn màu đặc trưng của quả vải chín. Nhìn đâu cũng thấy quả vải chín đỏ mọng, tròn căng” – vợ anh Quy nhớ lại. Hình ảnh đó ám ảnh chị đến tận bây giờ. Bởi đó là cú sốc đầu tiên của hai vợ chồng khi trở về quê hương làm kinh tế. Giữa năm 2007, vào vụ thu hoạch, vải được mùa chín nặng trĩu trên cành nhưng cũng như nhiều hộ trồng vải khác trong huyện, vợ chồng anh Quy khóc đỏ mắt vì vải ế, không bán gỡ nổi một đồng vốn đầu tư.

"Vạn sự khởi đầu nan”, hai vợ chồng động viên nhau như vậy rồi kiên quyết dọn sạch vườn vải để làm đất trồng loại cây khác. Tính thử sức với cây cam, anh Quy tham khảo ý kiến nhiều người và đều nhận được những cái lắc đầu ngăn cản. "Cam là "cây nhà giàu”. Người ta khuyên hai vợ chồng tôi khi đó nghèo cả về vốn lẫn về sức, thậm chí còn chẳng hiểu gì về khoa học, kỹ thuật, tuyệt đối không nên trồng cam...”.

ông Bùi Ngọc Sơn, khuyến nông viên xã Cố Nghĩa xác nhận: Trồng cam đòi hỏi rất cao về vốn đầu tư, các điều kiện chăm sóc và vấn đề mấu chốt là phải có trình độ khoa học, kỹ thuật. Vì vậy, trong một thời gian dài, người dân xã Cố Nghĩa chưa dám mạnh dạn thử sức với loại cây khó tính này mặc dù nơi đây chính là "cái nôi” trồng cam của cả huyện Lạc Thủy. Phải đến chục năm trở lại đây, tình hình mới bắt đầu thay đổi, xã có những hộ tiên phong trồng cam. Trong đó, tại thôn 2C, gia đình anh Lê Minh Quy là hộ tiên phong thử sức với cây cam và đã thành công với mô hình này, trở thành hộ kinh tế tiêu biểu của cả xã.

Quyết tâm khởi nghiệp với "cây nhà giàu”, anh Lê Minh Quy bắt đầu trồng cam từ đầu năm 2008. Thời điểm đó, thôn 2C chưa có hộ nào trồng cam, nhìn ra cả xã có lác đác vài hộ. Vì ít vốn nên hai vợ chồng bàn nhau trồng thử 5 sào cam, 5 sào nhãn, còn lại trồng một số loại cây ngắn ngày phục vụ chăn nuôi, thực hiện mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để "lấy ngắn nuôi dài” chứ không đổ dồn vào cây cam như đã làm với cây vải trước đó. Với cây cam, vợ chồng anh chưa hề có kinh nghiệm thực tế, kiến thức về khoa học, kỹ thuật cũng không, thế nên phải vừa làm, vừa học hỏi qua nhiều kênh: ti vi, đài, báo, sách tham khảo, đi thực tế tại các vùng trồng cam...

Càng làm càng "vỡ” ra được nhiều điều. Anh Quy cho biết: Do cam là cây trồng khó tính, rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh nên gia đình anh chú trọng đầu tư. Do chịu khó đầu tư phân bón cùng với kiến thức về khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc và bảo vệ nên vài năm gần đây, diện tích cam của gia đình phát triển tốt, chất lượng quả cao. Với 3 giống chủ lực là V2, Vinh lòng vàng và đường Canh, thời vụ thu hoạch có thể kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Trong đó, cam Đường Canh và cam Vinh có ưu điểm nổi bật là vỏ mỏng, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ xơ thấp và có vị ngọt đậm, thơm, rất được thị trường ưa chuộng. Hiện, vườn cam của gia đình anh Quy đã mở rộng diện tích gần 4 ha, trong đó 2 ha kỳ kinh doanh cho thu nhập ổn định khoảng 600 triệu đồng /niên vụ.

Chưa hài lòng với thành quả của mình, anh Quy dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho cây cam bằng cách mở rộng diện tích gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau 10 năm bền bỉ gắn bó với cây cam, đến nay, anh đã nắm chắc bí quyết để cho ra đời những quả cam ngọt lành, tươi mát, góp phần củng cố thêm sức mạnh của thương hiệu nông sản đầy tự hào mang tên: Cam Lạc Thủy.

Thu Trang

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục