(HBĐT) - Theo Quyết định mới ban hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước: Từ ngày 20/3/2019, giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh, thấp nhất 1.678 đồng/kWh.


Người dân nộp tiền điện tại Điện lực TP Hòa Bình và chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến cách tính giá điện sinh hoạt mới áp dụng từ ngày 20/3/2019.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với việc tăng giá điện như trên, mỗi tháng, người dân sẽ phải trả thêm từ 7.000 - 77.000 đồng tiền điện. Cụ thể, khách hàng sử dụng dưới 50 kWh/tháng sẽ phải trả thêm hơn 7.000 đồng, 100 kWh là hơn 14.000 đồng, 200 kWh là gần 32.000 đồng, 300 kWh là hơn 53.000 đồng, 400 kWh là hơn 77.000 đồng. Với các hộ dùng điện cho kinh doanh, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/tháng.

Đón nhận thông tin trên, phóng viên Báo Hòa Bình đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Kết quả, những người được khảo sát đều có chung nhận thức: Tăng giá điện đồng nghĩa với việc phải tăng ý thức tiết kiệm điện. Thay vì lo lắng hay than vãn về các đợt tăng giá, đại đa số người dân - những khách hàng có nhu cầu sử dụng điện thường xuyên đang có nhiều cách khác nhau để thực hiện mục tiêu tiết kiệm điện. Đây cũng chính là giải pháp hữu hiệu nhất giúp họ sẵn sàng "sống chung” với thời kỳ giá điện tăng.

Theo chị Nguyễn Thanh Tú, tổ 1, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ, gia đình chị có 4 người. Hai vợ chồng đều là lao động tự do với nguồn thu nhập bấp bênh vài triệu đồng mỗi tháng, nuôi hai con đang tuổi ăn học. Tình hình tài chính eo hẹp buộc chị phải tính toán từng đồng cho chi phí sinh hoạt. Nhà có vài thiết bị điện thiết yếu như tivi, tủ lạnh, điều hòa, nồi cơm điện và mấy bóng đèn dây tóc đã cũ. Chừng ấy thiết bị thôi nhưng "ngốn” của gia đình chị đều đều mỗi tháng hơn 400.000 đồng tiền điện. So với mức bình quân trong tổ dân phố, tiền điện hàng tháng của gia đình chị thuộc diện cao. Chính vì thế, trong thời gian tới, chị nhất định phải tìm cách giảm bớt nhu cầu sử dụng điện để tiết kiệm được đồng nào quý đồng ấy.

"Tôi quyết định thay mấy cái bóng đèn đã cũ trong nhà bằng loại bóng huỳnh quang compact tiết kiệm điện” - Chị Thanh Tú cho biết. Loại bóng này tuy giá thành ban đầu cao hơn một chút so với loại bóng nhà chị vẫn dùng nhưng qua tìm hiểu, chị được biết mức tiêu thụ điện năng của loại này ít hơn 75% và có tuổi thọ cao gấp nhiều lần so với loại bóng sợi đốt thông thường. Ngoài ra, chị còn tham khảo cách sử dụng hiệu quả các thiết bị điện khác trong gia đình, như thay phần đệm cửa tủ lạnh để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tắt nguồn ti vi khi không sử dụng thay vì tắt bằng điều khiển từ xa, thỉnh thoảng nấu cơm bằng bếp than, không quá lạm dụng nồi cơm điện…       
     
Cũng như chị Tú, bắt đầu từ cuối tháng 3 này, chị Hoàng Thị Thương Huyền ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) buộc phải lên kế hoạch tiết kiệm điện khá cụ thể cho gia đình nhằm đối phó với tình hình tăng giá điện. Nhà chị bán hàng ăn ở ngay trung tâm thị trấn nên có nhu cầu sử dụng điện khá cao, trung bình trên 2 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng cách tính giá điện mới, tiền điện mỗi tháng của gia đình chị sẽ tăng vài ba trăm nghìn đồng, tức là ngót nghét 3 triệu đồng. Số tiền này khiến chị giật mình và quyết tâm thay đổi thói quen sử dụng điện. Nguồn điện sử dụng cho việc kinh doanh thì vẫn phải giữ nguyên, chị Thương Huyền đã lập kế hoạch tiết giảm điện cho tất cả thành viên trong gia đình với việc nhất định phải thay đổi một số thói quen: tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng, không sử dụng máy giặt, điều hòa hay bình nóng lạnh trong giờ cao điểm, dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi trời không quá nóng, kiểm tra lại mức tiêu thụ điện năng của tủ lạnh và máy điều hòa để có cách sử dụng phù hợp hơn… Bản thân chị khi vào bếp cũng không còn thường xuyên sử dụng lò vi sóng và lò nướng như trước, bởi đây là những thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn nên hạn chế sử dụng, nhất là trong giờ cao điểm.

Đã nhiều năm chuyên kinh doanh các thiết bị điện phục vụ nhu cầu của đông đảo doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Hà, tổ 1A, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) nhận thấy: Những năm gần đây, người dân đã thay đổi nhiều từ nhận thức đến thói quen sử dụng điện. Không chỉ ngay sau mỗi đợt tăng giá điện như một cách đối phó tình huống mà bình thường, người dân cũng đã có sẵn thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng như bóng đèn tiết kiệm điện compact, điều hòa nhiệt độ có tính năng tiết kiệm điện Inverter... "Đây là xu hướng tiêu dùng tích cực và thông minh, giúp người dân kiểm soát tốt hơn khả năng tài chính, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu giúp họ chủ động thích nghi với bối cảnh giá điện tăng như hiện nay” - bà Xuân khẳng định. 

                                                                                        TT

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục