Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi, đào tạo cán bộ, tạo bước phát triển mới trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng "chảy máu chất xám” do những bất cập trong chế độ đãi ngộ người tài. Để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị công nghệ cao và thông minh, TP Hồ Chí Minh cần sớm có chính sách đột phá để tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học…


 

Thạc sĩ Đỗ Tân Khoa (áo trắng) hướng dẫn học viên lập trình thao tác tự động hóa rô-bốt tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Trải thảm đỏ mời gọi trí thức

Năm 2014, TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND về việc thực hiện cơ chế thuê chuyên gia khoa học và công nghệ (KH và CN) làm việc tại bốn đơn vị, gồm: Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện KH và CN tính toán (Sở KH và CN) và Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Chuyên gia KH và CN được hưởng chế độ đãi ngộ với mức lương khoán cao nhất 150 triệu đồng/người/tháng. TS Nguyễn Quốc Bình (quốc tịch Ca-na-đa) làm việc tại Trường đại học Laval (Ca-na-đa) đã trở về quê hương theo lời mời của chính quyền TP Hồ Chí Minh, để góp sức xây dựng thành phố. TS Nguyễn Quốc Bình được giới khoa học lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) đánh giá là một trong những người đi đầu trong nghiên cứu chuyển gien trên cây trồng. Với mục tiêu xây dựng cơ sở nghiên cứu ứng dụng CNSH hiện đại, thành phố đã tin tưởng giao cho TS Bình làm Phó Giám đốc Trung tâm CNSH. Đồng thời, Trung tâm CNSH mời hai chuyên gia hợp tác làm việc, đó là TS kỹ thuật sinh hóa Nguyễn Trúc Sơn (quốc tịch Ô-xtrây-li-a) và TS sinh học phân tử Nguyễn Lê Xuân Trường, là người Việt Nam nhưng đang làm việc tại Viện ung thư chuyên sâu Stanford, Trường Y khoa, Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Việc bổ nhiệm nhà khoa học Việt kiều làm Phó Giám đốc Trung tâm CNSH thể hiện sự cởi mở và quan tâm thu hút nguồn lực trí tuệ của TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, chủ trương thu hút người tài với những kết quả đạt được đã trở thành động lực phát triển cho thành phố. Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, thực hiện Quyết định số 5715/QĐ-UBND nêu trên, từ năm 2014 đến năm 2018, thành phố đã thu hút 17 chuyên gia về công tác (trong đó có tám chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, hai chuyên gia người Việt Nam và bảy chuyên gia người nước ngoài). Đến nay, còn 12 chuyên gia đang công tác, năm chuyên gia hết hợp đồng làm việc. Sự đóng góp của các chuyên gia thông qua những dự án, đề tài, công trình nghiên cứu là rất lớn, trong đó có những công trình mang tính ứng dụng cao. Thí dụ, TS Nguyễn Quốc Bình đã đóng góp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNSH và nông nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ để tạo nguồn nhân lực cho trung tâm. Trung tâm CNSH ngày càng phát triển với hơn mười phân khu chức năng trên diện tích 23 ha. Trong đó, có khu nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với 12 phòng thí nghiệm về CNSH, khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thí nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới... Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Bình đã hướng dẫn và phối hợp các phòng, ban, tổ chuyên môn đăng ký bản quyền "tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gen Wzz làm vắc-xin kháng bệnh gan, thận cho cá tra”. Hiện, TS Nguyễn Quốc Bình đã nghỉ hưu, nhưng vẫn làm cố vấn cho Trung tâm CNSH. TS Nguyễn Trúc Sơn đã hỗ trợ xây dựng, đưa vào vận hành Phòng thí nghiệm CNSH vật liệu và na-nô, phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu về công nghệ na-nô ứng dụng trong các lĩnh vực sinh học, y dược và nông nghiệp. TS Lê Xuân Trường đã chủ trì thực hiện đề tài Nghiên cứu vai trò của Protein Epb1-p48 đối với tăng trưởng và xâm lấn của tế bào ung thư biểu mô tuyến đại, trực tràng. Quyền Trưởng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Lê Bích Loan cho biết, các chuyên gia đã giúp Khu công nghệ cao phát triển việc nghiên cứu và mở rộng quan hệ với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới về các lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu, như: vi cơ điện tử, vi mạch, vật liệu na-nô. Họ đã tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, giúp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực cho các đơn vị tốt hơn.

Cần chính sách đột phá để giữ nhân tài

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của TP Hồ Chí Minh được dư luận đồng tình cao, nhưng qua nhiều năm thực hiện, dù đã có điều chỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Việc mời các chuyên gia về làm việc rất khó khăn và để giữ chân họ không phải dễ. Các chuyên gia về làm việc chủ yếu thông qua quan hệ cá nhân và bằng sự đam mê nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chế độ ưu đãi, môi trường làm việc cũng chưa thật sự thuận lợi. Theo thống kê, trong năm 2018 và ba tháng đầu năm nay, đã có 36 nhân viên của Trung tâm CNSH nghỉ việc, trong đó có ba tiến sĩ và hơn mười thạc sĩ. Nguyên nhân được cho là do tiền lương chưa đủ sức hấp dẫn. TS Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: Để thu hút, giữ chân người tài, điều quan trọng là biết sử dụng người tài và dám giao trọng trách để họ được thể hiện năng lực của mình. Thời gian qua, vấn đề này được triển khai chưa thật sự cởi mở, trở thành rào cản trong thu hút nhân tài. Cùng chung nhận định, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, lâu nay chính sách thu hút nhân tài của thành phố còn chung chung, chưa tạo ra môi trường làm việc để trí thức khẳng định bản thân, cống hiến và sáng tạo. Các vấn đề thành phố kêu gọi sự hiến kế, hợp tác thường "hô hào” chung chung thay vì đưa ra tiêu chí và yêu cầu cụ thể để nhà khoa học, chuyên gia xem năng lực và chuyên môn có phù hợp không để hiến kế, thực hiện. Bà Lê Bích Loan, Quyền Trưởng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần tạo ra môi trường làm việc hiện đại, để người tài có thể đóng góp tương đương với môi trường họ đang làm việc ở nước ngoài. Nếu làm được việc này, thành phố sẽ tạo được sự hứng khởi cho thế hệ trẻ. Chính sách thu hút nhân tài phải mang tính đột phá về phúc lợi, quyền lợi.

Bên cạnh đó, để hướng đến trở thành một đô thị sáng tạo, TP Hồ Chí Minh cần đào tạo nguồn nhân lực kế tiếp, chủ động "săn” nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các bạn trẻ có nhiều sáng kiến, giải thưởng từ các cuộc thi sáng tạo hay khởi nghiệp trong và ngoài nước. PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Bộ môn Đô thị học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức. Cá nhân đó có ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước và quốc tế, đủ tầm thu hút được những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình, thu hút được các nguồn lực để thực hiện được những dự án, kế hoạch lớn, có thể tạo ra sự đột biến hay đổi mới trong một lĩnh vực hay mọi mặt cho một địa phương.

Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố Đề án về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Đề án đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua bằng Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND. Hiện, Sở Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Quy định chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt giai đoạn 2019-2022 để trình UBND thành phố ban hành, thực hiện trong năm 2019. Dự thảo đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các bất cập hiện nay, như: chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng theo nhiệm vụ, công trình cụ thể, được hưởng trợ cấp ban đầu với mức cao nhất là 100 triệu đồng; chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt khi hoàn thành nhiệm vụ được giao (có công trình, sản phẩm khoa học hoặc thành tích đặc biệt) được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỷ lệ 1% giá trị/kinh phí ngân sách chi cho công trình, sản phẩm khoa học; người có tài năng đặc biệt được thưởng theo công trạng, thành tích với mức cao nhất là một tỷ đồng/người… Ngoài ra, sẽ có chính sách đào tạo, bồi dưỡng những người có tài năng đặc biệt, chuyên gia nhằm phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của thành phố… Nhiều ý kiến của chuyên gia, luật sư và các nhà quản lý cho rằng, dự thảo quy định đối tượng "tài năng đặc biệt” là hết sức cần thiết, để thu hút người tài trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao bên cạnh các chuyên gia, nhà khoa học, để họ đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình "xương sống” trong bảy chương trình đột phá của thành phố. Việc thực hiện tốt chương trình này sẽ tác động mạnh mẽ, tạo bước đột phá cho thành phố trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, thành phố đang nhanh chóng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả lĩnh vực; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, các sản phẩm chủ lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TheoNhanDan

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục