(HBĐT) - Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐHBMR) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4/2018. Ngày 27/9/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 383/QĐ-EVN với tổng mức đầu tư 9.220,831 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4/2020; khởi công công trình chính vào quý IV/2020; phát điện tổ máy 1 vào quý III/2023; phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023.

 

Khu vực Cảng Ba Cấp đang được triển khai kiểm đếm, phục vụ thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Mục tiêu đầu tư nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Dự án có công suất lắp máy 2 tổ x 240 MW, sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Điểm thuận lợi là dự án được kế thừa hạ tầng hiện hữu của NMTĐ Hòa Bình, bao gồm: hồ chứa, đập dâng và đập tràn. Các hạng mục xây dựng mới tuyến năng lượng gồm: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối. Theo chủ trương đầu tư, các thiết bị chính của nhà máy đều được sử dụng công nghệ hiện đại: hai tuabin kiểu Francis lắp máy 480 MW; hai máy phát điện đồng bộ công suất 240 MW; hai máy biến áp 3 pha công suất 267 MVA; trạm phân phối kiểu kín-GIS, sơ đồ tứ giác, đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua đường dây transit vào đường dây 500kV Hòa Bình - Nho Quan.

Công trình NMTĐHBMR có tổng diện tích sử dụng đất 99,62 ha, trong đó, diện tích chiếm dụng vĩnh viễn 30,32 ha; diện tích chiếm dụng tạm thời 69,3 ha. Có 20 hộ với 92 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó 3 hộ phải di dời (chưa bao gồm đường Lê Đại Hành). Cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng gồm: đường Hòa Bình khoảng 600 m, hệ thống ống nước Nhà máy nước Hòa Bình khoảng 600 m, hệ thống cáp quang của đơn vị quân đội và VNPT Hòa Bình, cảng Ba Cấp, xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, khu Lilama 10; trạm lọc sạch của Công ty Thủy điện Hòa Bình và một số công trình khác. Dự kiến bố trí bãi thải khu vực Quỳnh Lâm khoảng 13 ha; bãi thải khu vực dốc Cun khoảng 32 ha.

Theo thông tin từ EVN, Ban Quản lý (BQL) dự án Điện 1 là đơn vị được EVN giao quản lý, điều hành dự án. Ngay sau khi có quyết định của Hội đồng thành viên EVN, BQL dự án Điện 1 đã tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công các hạng mục phục vụ khởi công và sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án. Đồng thời, gấp rút thành lập Ban điều hành dự án, ổn định văn phòng thường trực của Ban tại công trường, tập trung đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công. Cùng với đó, BQL dự án Điện 1 đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất Hòa Bình thực hiện thống kê, lập phương án đền bù và tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các tổ chức, cá nhân.

Về phía tỉnh Hòa Bình, theo thông tin của Sở KH&ĐT, đối với khu vực đổ thải Quỳnh Lâm thực hiện Dự án san nền tạo mặt bằng phục vụ phát triển đô thị (sử dụng vật liệu đổ thải của Dự án NMTĐHBMR để tạo mặt bằng Khu liên cơ quan tỉnh tại Quỳnh Lâm). Dự án này đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp bất thường ngày 14/10/2019 với quy mô: san nền 12,382 ha, xây dựng hệ thống thoát nước, đường công vụ; tổng mức đầu tư 57,3 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Khu vực đổ thải dốc Cun có diện tích khoảng 32 ha thuộc phường Chăm Mát và xã Thống Nhất (TP Hòa Bình). EVN đã ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất để kiểm đếm, lập phương án đền bù, GPMB. Khu vực đổ thải tại 2 xã Sủ Ngòi, Dân Chủ, UBND tỉnh đã giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp lập quy hoạch chi tiết trên diện tích 134,2 ha; đồng ý cho liên danh Công ty CP 873-Sao Vàng-Thành Đạt lập quy hoạch chi tiết trên diện tích 67,8 ha. Đối với khu vực đổ thải tại mỏ đá của Công ty Hưng Long Điện Biên, công ty đề nghị sử dụng đá thải của dự án để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường. UBND tỉnh đã tổ chức họp và giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất.

Để dự án triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với EVN, tỉnh đã đề nghị EVN phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các cơ quan liên quan thực hiện công tác đền bù, GPMB, tái định cư theo quy định; bố trí vốn kịp thời để thực hiện chi trả đền bù GPMB. Đề nghị EVN tiếp nhận hồ sơ dự án đường hạ tầng du lịch vào cảng Ba Cấp, hoàn trả kinh phí đã chi trả dịch vụ tư vấn cho tỉnh. Khi khảo sát, thiết kế phải đảm bảo kết nối được với cảng hành khách và có cam kết về thời gian thi công để tránh ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương. Khi xong công trình NMTĐ thì hoàn trả tuyến đường Lê Đại Hành đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy hoạch.

Trong buổi làm việc này, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Hòa Bình cam kết với Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, không để chậm GPMB ảnh hưởng đến thi công dự án. Tỉnh sẽ đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất thi công dự án.

Bình Giang

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục