(HBĐT) - Với vị trí địa lý liền kề Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hệ thống giao thông thuận lợi, tỉnh ta có cơ hội trở thành nơi bố trí các trung tâm logistics và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, phân bố các cơ sở công nghiệp vệ tinh, tham gia vào chu trình sản xuất công nghiệp hiện đại tại các khu công nghiệp (KCN). Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều cơ hội để phát triển và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho thị trường tiêu dùng vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như dễ dàng tiếp cận dịch vụ chất lượng cao của các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm.


Công ty CP Sơn Thủy, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ ép xuất sang thị trường Hàn Quốc, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 

Xác định rõ cơ hội và lợi thế này, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tập trung lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Qua đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng đã và đang đến với tỉnh, mở ra cơ hội mới cho nền kinh tế.

Ông Trần Quang Việt, Giám đốc Công ty TNHH TM&XD Trung Chính nhận định: Tỉnh Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối với Thủ đô Hà Nội bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quốc lộ 6. Trong tương lai, tỉnh sẽ kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại đã được quy hoạch. Vì vậy, với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh, cùng sự điều hành trí tuệ, năng động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh là cơ sở vững chắc để tỉnh Hòa Bình sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới về KT - XH và thu hút đầu tư.

Dưới sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020 của UBND tỉnh đã đạt được kết quả khá, trong đó, nổi bật là phát triển công nghiệp, dịch vụ. Theo đó, giá trị tăng thêm ngành CN - XD bình quân hàng năm tăng 13,3%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,15%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 10,5%/năm. Cơ cấu trong nội ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản.

Sản phẩm CN - TTCN ngày càng phong phú, đa dạng. Các lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng trưởng cao. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành; đặc biệt, một số sản phẩm chủ yếu của ngành như: may mặc, điện tử, gạch, xi măng... duy trì đà tăng trưởng đều đạt và vượt so với kế hoạch năm. 

Ngoài ra, ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển bên cạnh các dự án sản xuất thấu kính quang học, linh kiện điện tử tại KCN bờ trái Sông Đà, KCN Lương Sơn đã hoạt động ổn định. Trong 5 năm qua, tỉnh thu hút được hơn 100 dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, chế tạo, may mặc, điện tử. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có 247 dự án sản xuất công nghiệp, trong đó, trên 56% dự án đưa vào SX-KD. Riêng trong các KCN có 89 dự án, 50% đã đi vào SX - KD.

Song song với phát triển công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển trương đối đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,22%.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh bình quân hàng năm tăng 19,3%; năm 2019 ước đạt 31.662 tỷ đồng; đến năm 2020 ước đạt 37.890 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2015. Có hơn 1.000 doanh nghiệp và hơn 30 nghìn hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu có mức tăng trưởng cao, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, sản phẩm phong phú. Cùng với các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc,... tỉnh đã tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 791,9 triệu USD, tăng 24,48% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 635 triệu USD, tăng 29,52% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may mặc, điện tử, thấu kính quang học, kim loại, ván gỗ ép. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Điểm nhấn trong phát triển lĩnh vực dịch vụ của tỉnh phải kể đến việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động phát triển du lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giúp ngành du lịch "cất cánh", có tên trong bản đồ du lịch cả nước. Nhiều dự án du lịch sinh thái kết hợp trồng rừng, khu nghỉ dưỡng, thể thao đã và đang được triển khai đã tạo nên sự đa dạng cho các loại hình du lịch. Đáng kể là loại hình du lịch cộng đồng phát triển dựa trên bản sắc văn hóa các dân tộc: Mường, Thái, Dao, Mông đã tạo ra điểm du lịch mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2019, tổng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2.850.000 lượt (khách quốc tế 390.000 lượt, khách nội địa 2.460.000 lượt); thu nhập ước đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những kết quả đạt được trong phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ những năm qua đã tạo cơ sở vững chắc để tỉnh hướng tới thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, theo định hướng phát triển công nghiệp làm động lực, phát triển du lịch làm mũi nhọn, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… trong giai đoạn tiếp theo.

                                                        Hoàng Nga

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục