Nhiều công trình cầu đường trọng điểm, huyết mạch với quy mô lớn đang bước vào giai đoạn nước rút thi công, phấn đấu thông tuyến, đưa vào khai thác trong năm nay, nhằm tạo những trục giao thông xuyên suốt, hiện đại, kết nối đồng bộ, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng và đất nước. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhịp độ công trường đã trở lại bình thường, hàng trăm kỹ sư, công nhân tiếp tục bám trụ ngày đêm, thi công ba ca liên tục để sớm đưa các công trình "về đích” theo kế hoạch.

Khí thế lao động trên những công trình giao thông huyết mạch

Công trường thi công dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thiết kế khoa học, tiết kiệm hiệu quả

8 giờ sáng 3-2 (mồng 10 Tết), toàn bộ công trường xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 (TP Hà Nội) mở cửa đón công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mặc dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng ngay sau khi nhận phần việc, từng tốp công nhân chia thành các mũi thi công, người nào việc ấy bắt tay vào công việc rất nhanh chóng. Ông K. Ta-mi-ni-cô, Giám đốc dự án phụ trách gói thầu số 1 của Liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 4 (Việt Nam) cho biết, ngay trong buổi sáng "khai xuân”, đã có hơn 200 công nhân thuộc gói thầu số 1 trở lại làm việc đúng theo kế hoạch. Hiện, gói thầu số 1 đạt tiến độ và chất lượng đúng theo yêu cầu đề ra, không xảy ra sai sót. Điều đáng lo ngại nhất là thời gian tới, khi các nhà thầu tiến hành thảm lớp asphane mặt cầu thì bắt đầu bước sang mùa mưa, thời tiết mưa nhiều có khả năng đe dọa tiến độ và chất lượng công trình. Ông K.Ta-mi-ni-cô đã sang Việt Nam làm việc từ năm 2010 ở công trình cầu Nhật Tân (Hà Nội) và từng nhiều năm đón Tết ở Việt Nam. Theo nhận xét của ông, trước đây công nhân Việt Nam sau khi nghỉ Tết thường có tâm lý uể oải, chệch choạc, song thời gian gần đây đã có ý thức rèn luyện, nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong làm việc. Tay nghề của cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam hiện nay không có nhiều khác biệt so với người Nhật Bản. Ý thức được trách nhiệm của mình, phía Nhật Bản đang tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các kỹ sư, công nhân Việt Nam, với mong muốn các dự án lớn sau này, người Việt Nam có thể tự chủ hoàn toàn trong quản lý, thi công công trình.

Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải - GTVT) Phạm Anh Tú cho biết, dự án cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường có quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe, chiều dài cầu và đường dẫn hơn 5 km, trong đó riêng phần cầu cạn dài gần 4,6 km. Để xây dựng tuyến đường này, TP Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Do đặc thù dự án thi công trong thành phố, tuyến đường Phạm Văn Đồng vừa thi công vừa phải phục vụ giao thông, nên các hàng rào bao quanh dự án được làm rất chắc chắn, buổi tối có đèn tín hiệu cảnh giới cho người tham gia giao thông. Các nhà thầu kiểm soát, quản lý chất lượng chặt chẽ, tư vấn giám sát và chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra công trình, nếu có bất kỳ vướng mắc nào sẽ lập tức điều chỉnh để bảo đảm chất lượng công trình tốt nhất. Riêng tại vị trí hai nút giao Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long (nút giao theo quy hoạch), bố trí cầu thép dài hơn 400 m gồm ba nhịp liên tục 63 + 78 + 63 (m), kết cấu bốn dầm hộp thép, mặt cầu liên hợp bê-tông cốt thép và thép. Cầu thép tại hai nút giao đang được lắp dựng trên công trường, dự kiến sẽ hoàn thành hạng mục này trong tháng 4 tới.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết: "Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, lùi mốc tiến độ hoàn thành công trình vào tháng 12-2020 thay vì tháng 8-2020. Hiện, tiến độ gói thầu số 1 đạt khoảng 65%, gói thầu số 2 đạt khoảng 66%. Do nỗ lực thúc đẩy nhanh giải tỏa mặt bằng của TP Hà Nội thời gian qua, việc bàn giao công địa phù hợp quá trình thi công, cho nên tiến độ dự án cơ bản bám sát yêu cầu. Dự án trọng điểm này sau khi hoàn thành, được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và các nút giao thông lân cận, kết nối trục giao thông quan trọng của Hà Nội với các địa phương khác. Do đây là trục huyết mạch, lưu lượng phương tiện lớn, các đơn vị đã tính toán, thiết kế khoa học, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả hơn so giai đoạn trước. Gầm cầu cạn trước đây chỉ làm dải phân cách trồng cỏ, nhưng sau này, đoạn từ Mai Dịch tới Nam Thăng Long sẽ được bố trí hai đến ba làn xe con và xe buýt, nhằm phát huy hiệu quả giao thông và tránh lãng phí quỹ đất”.

Thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận cuối năm nay

Trước đó, ngày 1-2 (mồng 8 Tết), tại gói thầu XL13, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang), Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phát động thi đua trên công trường, phấn đấu thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 12-2020. Theo Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Tấn Đông, công ty đã xác định mục tiêu cụ thể đối với từng hạng mục: hoàn thành cắm bấc thấm, xử lý nền đất yếu trong tháng 2 này; xong kết cấu phần trên đối với hạng mục cầu trong tháng 10; thi công nền đường, cấp phối đá dăm xong vào giữa tháng 12,... Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hơn 200 kỹ sư, công nhân tại các gói thầu đã bám trụ công trường, thi công xuyên Tết với tinh thần quyết tâm hoàn thành tuyến đường huyết mạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm này, tiến độ thi công dự án lũy kế đạt hơn 30%, gấp hơn ba lần so với 10 năm trước đó. Anh Phan Đăng Tạo (Tổ kỹ thuật Công ty DCG) cho hay, DCG được giao thực hiện các gói thầu từ 10 đến 14, do trên tuyến hầu hết phải xử lý nền đất yếu cho nên phải áp dụng phương pháp cắm bấc thấm, có đoạn phải gia tải đến chín tháng. Do tiến độ cụ thể hằng ngày trên công trường được kiểm soát, việc dỡ tải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thời gian, khi quan trắc đo đạc các chỉ số, xác định tắt lún mới tháo dỡ tải và triển khai các bước tiếp theo. Anh Bùi Văn Long, chỉ huy công trình gói thầu xây lắp 11 A cho biết, tổ thi công của anh gồm hơn 20 người, thi công đoạn từ Km 67+514 - Km 71+722, chỉ trong ba ngày Tết đã cắm được hơn 828.000 m bấc thấm, tiến độ hiện đạt khoảng 65%. Mặc dù ngày Tết vợ con anh ở Nghệ An rất mong ngóng anh về, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, anh đã cùng anh em ở lại làm việc.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1) theo hình thức BOT có chiều dài toàn tuyến hơn 51,1 km, là dự án trọng điểm nối tiếp tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương về các tỉnh miền Tây, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trước đây dự án bị đình trệ trong gần 10 năm. Vì thế, ngay khi được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia khởi động lại dự án từ tháng 4-2019, Tập đoàn Đèo Cả đã nêu cao tinh thần trách nhiệm với phương châm: "Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ nhân dân”. Chủ đầu tư dự án đã tăng cường nhân sự, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng phù hợp tiến độ thi công và kiểm soát chất lượng các hạng mục đã thi công trước đây. Dự án đã tăng cường bảo đảm an ninh, giám sát hình ảnh bằng ca-mê-ra trên toàn tuyến ở 24 gói thầu để kiểm tra, bảo vệ công trường, kịp thời chấn chỉnh nếu có sai sót trong suốt quá trình thi công. Để tạo động lực khích lệ các đơn vị, chủ đầu tư cam kết thưởng 5 tỷ đồng cho ban điều hành nếu đưa dự án thông tuyến vào cuối năm 2020 và thưởng 10 tỷ đồng khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2021. Trong tháng 12-2019, dự án được tiếp thêm động lực khi nguồn ngân sách hỗ trợ đã được giải ngân hơn 1.776 trong số 2.186 tỷ đồng để hoàn trả phần vốn nhà đầu tư đã ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng và liên danh các ngân hàng tài trợ vốn tín dụng đã ký hợp đồng cho vay 6.686 tỷ đồng, tiến tới hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để giải ngân vốn tín dụng ngay trong tháng 2 này. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon khẳng định, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Các nhà thầu cần tập trung, bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực hợp lý để bảo đảm tiến độ dự án, hoàn thành tuyến đường đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, góp phần giải tỏa ách tắc cho quốc lộ 1.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Khi đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị "về đích”, chúng ta sẽ phải nhanh chóng đặt vấn đề sẽ triển khai tiếp theo như thế nào, bởi nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu đầu tư là phải hình thành tuyến cao tốc thông suốt về Cần Thơ và có thể đi tiếp, chứ không chỉ dừng ở Mỹ Thuận. Nếu không có tầm nhìn đồng bộ thì sau này sẽ dẫn đến ách tắc rất lớn, vì miền Tây là vùng lưu chuyển hàng hóa và đi lại của người dân rất cao. Mặt khác, đối với miền Tây hiện nay, không chỉ dừng ở khía cạnh phát triển thông thường mà phải tính cả đến câu chuyện thay đổi cấu trúc phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn đang diễn ra. Đối với hoàn cảnh đặc biệt, cần có cách tiếp cận khác biệt, nhằm huy động nguồn lực tốt và chọn được những nhà đầu tư có chất lượng, giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

                                                                                               Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục