(HBĐT) - Tâm lý e dè, trong khi giá lợn giống đang cao ngất ngưởng, điều kiện chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, nên việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.



Gia đình ông Bùi Văn Chinh, xóm Hổ 1, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) là một trong những hộ đang tập trung tái đàn vì còn giữ được lợn nái sau dịch tả lợn châu Phi. 

Ba năm trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi lợn thấm "đòn” vì giá lợn xuống chạm đáy, vừa tái đàn thì lại bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) càn quét. Thua lỗ, nợ nần, nhiều hộ bỏ nuôi lợn để chuyển đổi sang làm nghề khác. Gia đình ông Bùi Văn Chinh, xóm Hổ 1, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) là một trong những hộ đã nếm đủ vị mặn chát với nghề nuôi lợn. Năm 2018, giá lợn hơi chạm đáy, có thời điểm xuống dưới 20 nghìn đồng/kg cũng là lúc gia đình ông Chinh vừa gây được đàn lợn gần 40 con, trong đó có gần chục con lợn nái. Đầu tư tất cả vào lợn nhưng năm đó, gia đình ông Chinh chỉ nhận lại sự thất vọng. Lợn bán rẻ như rau ngoài chợ mà cũng chẳng ai mua. Cực chẳng đã, ông Chinh mổ lợn, kêu gọi anh em, họ hàng ăn giúp, mỗi suất gần cả chục cân thịt mà giá trị chưa đến 200 nghìn đồng. Thế mà đến giờ, ông vẫn chưa thu được hết tiền lợn. Sau đợt đó, trong khi nhiều hộ đã mổ thịt hết đàn lợn thì gia đình ông Chinh vẫn để lại 3 con nái làm giống. Năm 2019, DTLCP "càn quét", gia đình ông Chinh may mắn giữ lại được 3 con lợn nái. Cuối năm ngoái, từ số lợn con mà lợn nhà sinh sản, gia đình ông để nuôi lợn thịt. Sau xuất chuồng, gia đình ông thu được gần 100 triệu đồng. Ông Chinh chia sẻ: "Hiện nay, nhiều hộ trong xóm không còn nuôi lợn nữa vì đã phá đàn từ trước, mà giờ giá lợn giống rất cao, trên dưới 2 triệu đồng 1 con mới khoảng 5 - 6 kg. Những hộ còn nuôi chủ yếu là giữ lại được lợn nái, chủ động được giống tại chỗ. Bây giờ, để đầu tư mua lợn giống về nuôi bà con cũng lo lắng, vì mấy năm nay giá lợn bấp bênh, lại bị dịch bệnh. Nếu giờ tái đàn, đến lúc xuất bán giá cả xuống thấp thì lại tiếp tục thua lỗ”.

Chia sẻ của ông Chinh cũng là thực tế về việc tái đàn lợn ở quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh hiện nay. Hộ nuôi lợn sau khi hứng chịu liên tục những cú sốc về giá cả, đặc biệt là thiệt hại nặng nề do DTLCP gây ra đã tỏ ra dè dặt trong việc tái đàn. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh: Từ đầu tháng 3/2019 đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 442 thôn, xóm, hơn 1.300 hộ tại 137 xã, phường, thị trấn bị thiệt hại, với hơn 14 nghìn con lợn ốm, chết phải tiêu hủy. Từ đầu năm đến nay, DTLCP có chiều hướng giảm mạnh cả về số ổ dịch và số lượng lợn tiêu hủy. Hiện, còn 7 huyện, 16 xã đang có dịch, trong đó 5 huyện, 11 xã đã qua 30 ngày không  phát sinh lợn ốm, chết. Chi cục Chăn nuôi và thú y đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để công bố hết dịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Mặc dù số ổ dịch và số lợn ốm, chết vì DTLCP đã giảm mạnh, song vẫn xảy ra ở một số địa phương và khó kiểm soát. Bởi, DTLCP không có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc chữa bệnh, vi rút có sức đề kháng cao ngoài môi trường tự nhiên. Đặc biệt, ở quy mô chăn nuôi nông hộ, các biện pháp phòng dịch chưa được chú trọng, khu vực chăn nuôi khó thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên nguy cơ xảy ra DTLCP vẫn cao. Cùng với đó, tình trạng giá lợn giống đang tăng ở mức rất cao nên việc tái đàn sau DTLCP còn khá e dè.

Hiện nay, tổng số lượng lợn trên địa bàn tỉnh hơn 410 nghìn con, trong đó khoảng 12% là lợn nái. Con số này giảm so với cùng kỳ, bởi có thời điểm giá lợn ổn định, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh lên tới 550 nghìn con. Về tình hình cung ứng, khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cả năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 63 nghìn tấn, đủ lượng thịt lợn phục vụ nhu cầu của địa phương. Còn về việc tái đàn, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Chăn nuôi và thú y (Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh) khuyến cáo: Để tái đàn cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP. Tuy nhiên, ở quy mô nông hộ, rất khó để đầu tư chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học vì chi phí lớn. Do đó, hộ dân cần xây dựng chuồng trại cách xa khu dân cư, không nuôi gần các loại động vật khác; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng. Lựa chọn con giống phải có nguồn rõ ràng, được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.


Viết Đào

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục