Bài 1 - Thực trạng mía tím Hòa Bình
(HBĐT) - Mía tím hiện chiếm khoảng 7% tổng diện tích trồng cây hàng năm của tỉnh. Nếu tính bình quân giá trị thu nhập, mỗi ha mía tím bằng 1,3 -1,5 ha canh tác so với nhiều cây trồng khác. Đây cũng là lý do nhiều nông dân trong tỉnh vẫn lựa chọn mía tím là cây trồng lợi thế.



Trồng trên đồng đất xã Tú Sơn (Kim Bôi), mía tím thoái hóa cần được thay thế bằng mía mô để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ưu thế của mía tím Hòa Bình so với các tỉnh, thành phố trong cả nước là đã khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, diễn biến trong khoảng 5 năm trở lại đây, có những vụ giá mía ổn định, có vụ lại rớt giá, việc tiêu thụ khó khăn. Không ít người trồng mía nao núng, lo ngại trước thực tế phẩm cấp mía sau quá trình canh tác lâu năm bị giảm sút, thị trường mía tím bấp bênh.

Có sự khác biệt về chất lượng đầu tư thâm canh mía tím

Đây là niên vụ thứ 3, gia đình ông Phạm Hồng Cầu ở xóm Nam Thái, xã Nam Phong (Cao Phong) triển khai mô hình trồng mía nuôi cấy mô trên diện tích hơn 3.000 m2. Với mẫu mã, chất lượng mía tím thương phẩm vượt trội so với giống cũ, diện tích mía ở niên vụ 2019 - 2020 của gia đình ông Cầu tiếp tục được tư thương đặt mua cả vườn với giá 5.500 đồng/cây. Việc thu hoạch mía hoàn tất trước Tết Nguyên đán 2020 với tổng doanh thu trên 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt gần 50 triệu đồng.

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng phát triển cây mía tím ở xã Phú Vinh (Tân Lạc, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Bằng, người chuyên thu gom mía tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc đem về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Anh Bằng thuộc từng vùng mía ở đây. Với các tư thương như anh, chỗ nào mía đạt chất lượng, chỗ nào mía xấu do kém đầu tư đều phải nghiên cứu, làm giá sát thì mới tiêu thụ được ở đầu kia. Ở thời điểm cuối vụ, để chọn một vườn mía đẹp theo anh Bằng không dễ. Đơn cử như xã Phú Vinh được xem là đất mía tím, diện tích mía thương phẩm tại vườn hiện còn gần 100 ha, nhưng diện tích mía đẹp chỉ còn khoảng 5 ha. Việc tồn đọng tiêu thụ chủ yếu với diện tích mía phẩm cấp kém, mía cỏ, giá bán tại vườn khoảng 1.500 đồng/cây. Trong khi đó, anh Bằng vẫn mua mía đẹp với giá bốc lên xe là 6.000 đồng/cây.

Thời điểm cuối tháng 3, diện tích mía tím của tỉnh còn khoảng gần 1.000 ha chưa tiêu thụ được trong tổng diện tích 2.800 ha toàn vụ. Thực tế cho thấy, càng về những năm gần đây, nhiều diện tích mía tím của tỉnh gặp tình trạng thoái hóa giống sau. Điều này dẫn đến phẩm cấp mía tím không giữ được như trước. Cụ thể, mía bị lùn đốt, dóng ngắn, nhiều cây có hiện tượng "mèo cào" nên mẫu mã không đẹp. Mặt khác, một số hộ có tâm lý nản do những niên vụ trước trồng mía thua lỗ, bán không được giá nên giảm đầu tư thâm canh. Có những hộ chỉ bỏ công đào rãnh, xuống giống, ít đầu tư chăm sóc, phân bón. Chính bởi vậy, chất lượng mía tím thương phẩm không đều. Ông Đinh Công Lư, hộ trồng mía xóm Kè, xã Phú Vinh cho biết: Mía tím nếu đầu tư "đến nơi đến chốn", chất lượng đẹp, đồng đều, mỗi ha mang về cho nông dân lợi nhuận có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, tương đương 50% so với tổng doanh thu. Kết quả mang lại không mong muốn thường do các hộ ít đầu tư thâm canh hoặc trường hợp phải thuê rất nhiều khâu, từ đất, nhân công... dẫn đến thua lỗ. Bình quân giá bán mía tím ở niên vụ 2019 - 2020 từ 3.000 - 3.500 đồng/cây, giữ ổn định so với niên vụ trước.

Không phải vùng trồng mía nào cũng cho hiệu quả

Đã từng có thời điểm, việc trồng cây mía tím ở các địa phương trong tỉnh mang lại hiệu quả cao, là mô hình phát triển kinh tế không chỉ giúp nông dân ổn định cuộc sống mà còn định hướng làm giàu. Từ nhận thức này, phong trào trồng mía tím ngày càng lan rộng. Ngoài 2 huyện tập trung nhiều mía tím nhất là Tân Lạc, Cao Phong, vùng mía phát triển tại các huyện: Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc và TP Hòa Bình. Diện tích mía tím ở vụ trồng nhiều nhất vào khoảng 3.500 ha.

Tỉnh cũng có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển vùng mía. Nhất là cây mía tím hiện vẫn dẫn đầu các tỉnh miền Bắc về quy mô diện tích cũng như chất lượng. Đánh giá về mía tím Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BTVT tỉnh cho biết: Cây mía tím đã trải qua hơn một nửa thế kỷ sinh sôi, phát triển bền vững trên đồng đất địa phương và từ lâu đã có thương hiệu, có thị trường. Về chất lượng, mía tím Hòa Bình có thân bóng mịn, sắc vỏ màu tím thẫm, dóng dài, cảm nhận khi ăn có vị ngọt thơm, thịt mềm chứ không bị cứng như ở nhiều nơi trồng khác. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là không phải địa phương nào cũng thích hợp trồng mía. Đồng thời, việc phát triển vùng trồng một cách ồ ạt như vài năm trước đã và sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tiêu thụ mía tím.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, yếu tố quyết định đến chất lượng mía tím trước hết là thổ nhưỡng, tiếp đó là mức độ đầu tư thâm canh. Mặc dù hiện nay có nhiều địa phương trong tỉnh trồng mía tím nhưng chất lượng đầu bảng vẫn là 2 huyện Cao Phong, Tân Lạc. Ngay cả ở những vùng trồng mía tốt nhất này, không phải phạm vi đất nào cũng cho chất lượng như nhau, cũng sẽ có những khu đất trồng kém hiệu quả hơn. Diện tích, sản lượng mía tím ở vài vụ gần đây có giảm dần do thị trường tiêu thụ theo chiều hướng bấp bênh hơn. Một số diện tích được bà con chuyển sang trồng cây trồng khác như ngô, lạc. Niên vụ 2019 - 2020, diện tích mía thương phẩm tiếp tục giảm còn khoảng 2.800 ha. Tuy nhiên, chỉ nên giữ ở mức 2.000 - 2.200 ha để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, bởi hiện nay có nhiều tỉnh vùng đồng bằng, các tỉnh khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An cũng trồng mía tím.

(Còn nữa)


Bùi Minh


Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục