(HBĐT) - Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, nhất là những điểm còn hạn chế, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực "trải thảm” thu hút nhà đầu tư (NĐT) với quyết tâm tạo môi trường thuận lợi, an toàn, đáng tin cậy cho doanh nghiệp (DN).


Triển khai thuận lợi các thủ tục đầu tư, Công ty CP Lạc Thủy - Tổng công ty Đức Giang (Lạc Thủy) nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.

Tập trung khâu mấu chốt: Giải phóng mặt bằng

Tại hội nghị BTV Tỉnh ủy tháng 1/2021, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đề cập đến diễn biến tích cực tại một số địa phương khi cấp ủy, chính quyền, tổ chức liên quan cùng vào cuộc để giải phóng mặt bằng (GPMB) hỗ trợ DN. Theo đồng chí, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư (THĐT) thì GPMB vẫn là số 1, là mắt xích quan trọng hàng đầu. Đây cũng là khâu mấu chốt nhất mà NĐT rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án. Đáng ghi nhận, một số địa phương đã năng động, sáng tạo, quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GPMB, từ đó, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực phát triển KT-XH.

Không thể không nhắc đến huyện Lạc Sơn khi đề cập đến quyết tâm vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp trong công tác GPMB thi công dự án. Quyết tâm đó gắn với dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Đây là dự án nhóm A do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.115 tỷ đồng. Thực hiện dự án, tỉnh được giao hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) với tổng diện tích cần GPMB khoảng 1.238 ha, tổng số hộ dân phải di chuyển là 652 hộ, dự kiến bố trí TĐC cho 630 hộ thuộc các xã: Yên Phú, Bình Hẻm, Văn Nghĩa (Lạc Sơn).

Đây là dự án của Nhà nước, địa phương phải có trách nhiệm GPMB với áp lực rất cao cả về tiến độ và khối lượng công việc. Huyện Lạc Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan để triển khai có hiệu quả công tác GPMB. Dồn lực trong một thời gian dài, bám sát phương châm "lấy dân làm gốc”, cấp ủy, chính quyền nơi đây đã hoàn thành trọng trách bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch cho dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Quá trình GPMB đầy thách thức đã cho huyện Lạc Sơn nhiều kinh nghiệm quý để tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GPMB. Nói như đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Điệp: Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã cùng vào cuộc, tập trung giải quyết một khâu mấu chốt là GPMB để triển khai dự án. Đây cũng chính là cách huyện Lạc Sơn "trải thảm” thu hút NĐT, đồng thời là cam kết của huyện đối với các NĐT chiến lược: Hệ thống chính trị địa phương đồng hành cùng DN trong khâu GPMB, nhất định không để xảy ra tình trạng "trên thảm, dưới đinh”.

Nỗ lực "trải thảm” cho nhà đầu tư

Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn trao đổi: Sở dĩ huyện quyết tâm "trải thảm” thu hút NĐT thông qua nỗ lực làm tốt công tác GPMB, bởi nhận thức rõ những điểm bất lợi - nhất là về vị trí địa lý và mạng lưới giao thông đường bộ - làm giảm sức hút của huyện trong mắt các NĐT. Chủ trương của huyện xác định, mình là "vùng lõm” không có lợi thế nổi bật về điều kiện địa lý như Lương Sơn hay TP Hòa Bình… thì phải tự tìm ra hướng đi để tạo thế mạnh riêng. Chúng tôi suy nghĩ hai "bài toán”: Một là, muốn NĐT vào đây phải tạo ra điểm gì độc đáo, đặc biệt, hay phải tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho NĐT? Hai là, tại sao có nhiều NĐT muốn vào các khu công nghiệp? Là bởi vào đó, họ có sẵn mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, triển khai dự án. Nếu ở đây sẵn sàng GPMB, thực hiện tốt cam kết đảm bảo có mặt bằng cho NĐT triển khai dự án ngay, với phương châm coi như cả huyện là một khu công nghiệp để thu hút, mời gọi NĐT thì nhất định sẽ tạo được những chuyển biến tích cực trong lộ trình THĐT.

Biến quyết tâm thành hành động, huyện Lạc Sơn đã kích hoạt các giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, cố gắng hỗ trợ DN trong điều kiện tốt nhất có thể. Cùng với các giải pháp quan trọng như rà soát quy hoạch sử dụng đất, làm tốt công tác quản lý đất đai, áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, tăng cường tiếp xúc, mời gọi các NĐT phù hợp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa phương, hỗ trợ NĐT thực hiện các thủ tục pháp lý..., huyện tích cực huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn nhằm thực hiện hiệu quả công tác GPMB cho DN triển khai dự án.


Được tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn triển khai xây dựng nhà máy trên địa bàn xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đảm bảo tiến độ đề ra.

Đồng chí Quách Tuấn Phong, Phó trưởng phòng TC-KH huyện Lạc Sơn cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm và có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác GPMB hỗ trợ DN. Huyện cấm tình trạng nhũng nhiễu, làm khó DN, tuyên truyền cho cán bộ xã, xóm, các phòng chuyên môn phải tập trung hỗ trợ NĐT, đồng thời, tuyên truyền người dân có hiểu biết đầy đủ, chính xác, đồng thuận với chủ trương THĐT của huyện. Với nỗ lực khá đồng bộ đó, kết quả THĐT có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có 25 dự án được cấp phép đầu tư sản xuất, kinh doanh, tổng vốn 596,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số NĐT đang đến khảo sát, dự kiến đầu tư vào huyện, như: Dự án nhà máy sản xuất, gia công sản phẩm điện tử tại thị trấn Vụ Bản; dự án tổ hợp nhà máy sản xuất gỗ BKG Việt Nam tại xã Tân Mỹ; dự án nhà máy sản xuất viên gỗ nén và sản phẩm khác từ gỗ tại xã Ân Nghĩa... Đặc biệt, Tập đoàn Sun Group đã khảo sát, đang làm thủ tục đầu tư dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Quý Hòa. Đây là những dự án hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển, do đó ưu tiên hàng đầu hiện nay chính là tập trung làm tốt công tác GPMB để "trải thảm” cho NĐT.

Thực tế không riêng tại huyện Lạc Sơn, các địa phương trong tỉnh đều xác định làm tốt công tác GPMB chính là cách hữu hiệu để "trải thảm”, tạo sức hút cho môi trường đầu tư. Một số địa phương như: Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc, TP Hòa Bình... tích cực triển khai các giải pháp đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN trong GPMB.

Tạo sức hút cho môi trường đầu tư

Tại huyện Lạc Thủy, đến nay đã có 54 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 18.034 tỷ đồng. Nhờ quyết liệt triển khai nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư mà quan trọng hàng đầu là hỗ trợ GPMB, huyện tạo sức hút đối với các NĐT chiến lược, mời gọi được các dự án trọng điểm, hứa hẹn mang tới cơ hội phát triển mạnh mẽ cho địa phương. Đáng ghi nhận, nhờ "thông chốt” được khâu GPMB, nhiều dự án được triển khai ở huyện với thời gian ngắn đã có thể đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như dự án của Công ty CP Lạc Thủy, từ lúc bắt đầu triển khai các bước thủ tục đầu tư đến khi đi vào hoạt động chỉ trong thời gian 6 tháng. Các NĐT nhìn nhận, việc sẵn sàng "dọn" mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chính là sức hút đặc biệt trong môi trường đầu tư của huyện Lạc Thủy những năm gần đây.

Được biết, để thu hút thành công các dự án vào địa bàn, ngoài việc đồng hành cùng NĐT trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, Lạc Thủy còn nỗ lực, quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác GPMB. Trong quá trình triển khai dự án, các cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc với NĐT, cùng NĐT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở thành "cầu nối" hữu hiệu giữa NĐT với người dân nên vừa được người dân đồng thuận, tin tưởng, vừa được NĐT đánh giá cao về sự năng động, tích cực của hệ thống chính trị địa phương.

Theo quy định của Luật Đất đai, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, NĐT phải tiến hành thực hiện xong công tác GPMB (hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) rồi mới được giao đất, cho thuê đất. Trong khi đó, không ít dự án do phụ thuộc vào việc thỏa thuận với người dân, thủ tục GPMB bị kéo dài, dẫn đến chậm triển khai hoặc phải điều chỉnh tiến độ. Nhiều dự án bị tắc nghẽn ở khâu GPMB do DN và người dân chưa thống nhất được phương án đền bù. Đây là những "nút thắt" mà để tháo gỡ một cách hiệu quả, NĐT rất cần sự vào cuộc giúp sức của hệ thống chính trị và đơn vị liên quan.

"Có những nơi khi đối thoại GPMB, người dân yêu cầu giá đền bù rất cao vì tâm lý đã bán cho DN thì phải bán với giá cao, quá trình đàm phán thậm chí lên tới 2 tỷ đồng/ha...” - một đại diện DN (xin được giấu tên) xác nhận - "Tuy nhiên, sau khi được cán bộ huyện tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, họ hiểu ra vấn đề và những lợi ích liên quan khi doanh nghiệp đưa dự án vào hoạt động, như cơ hội việc làm, tăng thu nhập, dự án tạo thêm động lực phát triển KT-XH địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước… nên cuối cùng người dân đã đồng thuận phương án đền bù của DN”.

Trong nỗ lực tăng cường THĐT, tỉnh đã ban hành, tổ chức thực hiện khá đồng bộ các nhóm cơ chế, chính sách. Riêng về quyết tâm hỗ trợ NĐT, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải quyết khẩn trương các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án lớn, quan trọng; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, các sở, ngành liên quan hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý; các huyện, thành phố tích cực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng hành cùng DN, nhất là trong GPMB… Trong nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với NĐT, lãnh đạo tỉnh đều khẳng định cam kết đồng hành cùng NĐT, kể từ lúc tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đến khi triển khai dự án, khi dự án đi vào hoạt động… Chủ trương này không phải theo nhiệm kỳ, không phải chủ trương của cá nhân, mà đã được thống nhất trong toàn hệ thống chính quyền với quyết tâm chính trị cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc hỗ trợ NĐT trong triển khai các thủ tục sau quyết định chủ trương đầu tư như đất đai, xây dựng, môi trường… còn nhiều hạn chế, nhất là trong công tác bồi thường GPMB. Ghi nhận từ năm 2015 đến nay, mặc dù chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh liên tục được cải thiện, chỉ số tiếp cận đất đai cũng tăng điểm và tăng bậc nhưng GPMB vẫn là khâu then chốt làm khó nhiều DN. Xác định rõ "nút thắt” cần tháo gỡ, chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn đã tích cực đồng hành cùng NĐT, nỗ lực đàm phán với người dân để thống nhất giá đền bù GPMB. Đó là tín hiệu tích cực, cho thấy sự vào cuộc sáng tạo, bước đầu hiệu quả của hệ thống chính quyền với quyết tâm "trải thảm” thu hút NĐT, tạo môi trường thuận lợi, phát triển dành cho cộng đồng DN. 

 

Công khai quy hoạch để các nhà đầu tư nắm rõ định hướng của tỉnh

Bùi Văn Trường

Bí thư Huyện ủy Yên Thủy

Theo tôi, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư và thu hút đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Hoà Bình, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành. Đồng thời, tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp... Trong quá trình lập quy hoạch, cần tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sau đó, công khai quy hoạch để các nhà đầu tư nắm rõ định hướng của tỉnh; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hoặc các hình thức để thúc đẩy, hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Riêng đối với công tác xúc tiến đầu tư, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc đồng hành cùng doanh nghiệp, đối thoại trực tiếp để tiếp nhận ý kiến của nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

 

Mong muốn tỉnh thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Nguyễn Xuân Hải

Chủ tịch HĐQT Công ty chăn nuôi chất lượng cao Chí Thiện, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn)

Công ty chúng tôi đã triển khai dự án trên địa bàn huyện Lạc Sơn từ cuối năm 2016. Trong thời gian đầu, do công tác GPMB có vướng mắc nên dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Tuy nhiên, sau đó, khi những kiến nghị của công ty được gửi đến chính quyền và các phòng, ban có thẩm quyền của huyện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm giải quyết kịp thời. Vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó. Chính quyền đã họp dân, tuyên truyền, giải thích, đàm phán giúp doanh nghiệp. Nhờ vậy, những nút thắt dần được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục, hạng mục đầu tư.

Xuất phát từ thực tế triển khai dự án của doanh nghiệp, tôi kiến nghị, mong muốn lãnh đạo tỉnh xem xét, sớm thành lập một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp do một đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trực tiếp. Đây sẽ là một đầu mối hỗ trợ NĐT khi có nhu cầu tìm hiểu, triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp chúng tôi rất cần có một trung tâm đầu mối hỗ trợ như vậy để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

   

 

Thu Trang

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục