(HBĐT) - Để thúc đẩy công nghiệp phát triển, đóng vai trò động lực, tàu kéo nền kinh tế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp (K-CCN). Qua đó, bước đầu tạo ra môi trường về mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, góp phần tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 


Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành thăm tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty CP tre gỗ Hải Hiền - KCN Mông Hóa (thành phố Hòa Bình). Hiện, tỷ lệ lấp đầy của KCN này đạt gần 40%. 

Tỉnh ta có 8 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 1.500 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch gần 1.000 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê trên 236 ha. Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch 20 CCN với tổng diện tích đất trên 800 ha.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) đầu tư phát triển hạ tầng các K-CCN tỉnh. Ngoài ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ cho cả giai đoạn, BCĐ đã ban hành kế hoạch cụ thể hàng năm, định kỳ tổ chức họp để bàn giải pháp nghiên cứu, đề xuất, bố trí, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các K-CCN; chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đánh giá hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các thành viên BCĐ, cơ quan có liên quan, doanh nghiệp trong các K-CCN của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu phát triển các KCN đạt kết quả khả quan. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu tại 5 KCN, gồm: Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Mông Hóa (TP Hòa Bình), Lương Sơn, Lạc Thịnh (Yên Thủy). Theo đó, KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Tỷ lệ lấp đầy diện tích tại KCN Lương Sơn đạt 100%, bờ trái sông Đà gần 71%. KCN Mông Hóa, Yên Quang đã, đang triển khai đầu tư một số hạng mục như: Đường trục chính, đường vào KCN. KCN Lạc Thịnh đã đầu tư trạm biến áp, đường nội bộ, hoàn thành chi trả diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) gần 114 ha. Các KCN: Nhuận Trạch, Nam Lương Sơn, Thanh Hà (Lạc Thủy) mới hoàn thành quy hoạch chi tiết, cắm mốc ranh giới quy hoạch, chưa triển khai đầu tư hạ tầng. Tổng vốn đầu tư thực hiện đến nay trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ 174 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 311,900 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trên 527 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2020, các KCN của tỉnh đã có 99 dự án; trong đó, 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 518 triệu USD và 73 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.749 tỷ đồng. Khoảng 60 dự án đang SX-KD trong các KCN, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động. 

Đối với CCN, theo Sở Công Thương, hiện có 15/20 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích khoảng 626 ha. 9 cụm đã được UBND tỉnh giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN được phê duyệt hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đã đầu tư xây dựng khoảng 225,219 tỷ đồng. Các CCN đã, đang và chuẩn bị triển khai đầu tư hạ tầng gồm: CCN Khoang U (Lạc Sơn); Phú Thành II, Đồng Tâm (Lạc Thủy); Chiềng Châu (Mai Châu); Yên Mông, Chăm Mát - Dân Chủ, Tiên Tiến (TP Hòa Bình); Phong Phú (Tân Lạc); CCN xóm Rụt, xã Hòa Sơn (Lương Sơn). Tổng diện tích đất của các CCN trên 490 ha. Hiện có 5 CCN tại các huyện: Lạc Thủy, Tân Lạc, Mai Châu đã đi vào hoạt động, thu hút 13 dự án thứ cấp đầu tư SX-KD, với tổng diện tích đã cho thuê gần 46 ha; tổng vốn đăng ký trên 623 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 700 lao động địa phương.

Trao đổi về vấn đề phát triển các K-CCN, đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Trên địa bàn huyện, tính đến ngày 31/12/2020, UBND tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch 2 CCN là An Bình và Phú Thành 1. Hiện tại, huyện có 3 CCN với tổng diện tích gần 160 ha, đã có 11 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các CCN và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích thuê đất gần 33 ha. Các CCN đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, để phát triển các K-CCN trên địa bàn, huyện Lạc Thủy đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong việc: Ngành Điện khi đầu tư đường điện vào CCN bán cho doanh nghiệp, nhưng lại yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN ký hợp đồng mua điện, nộp quỹ 10% giá trị hợp đồng, với Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN không thể thực hiện việc này. Trong huyện có CCN đã quy hoạch từ lâu nhưng đến nay, so với các quy hoạch phát triển KT-XH cần được điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, trong các CCN quy hoạch trước đây có phân khu chức năng, về xu thế phát triển hiện nay không còn phù hợp. Do vậy, đề nghị tỉnh xem xét có cơ chế giúp các nhà đầu tư thứ cấp vào với các ngành nghề khác quy hoạch từ những năm trước và huyện sẽ có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, mong muốn tỉnh nghiên cứu có nguồn ứng trước GPMB để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào các K-CCN.

Thực tế cho thấy, phát triển các K-CCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp, dịch vụ. Các K-CCN là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, việc hình thành các K-CCN đã hỗ trợ giải quyết mặt bằng sản xuất, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống người dân.

Dứt điểm tháo gỡ khó khăn đầu tư phát triển
 
Các khu, cụm công nghiệp Đầu tư phát triển hạ tầng cũng như thu hút đầu tư dự án trong các khu, cụm công nghiệp (K-CCN) của tỉnh bước đầu đã mang lại kết quả nhất định. Tuy vậy, từ thực tế triển khai ở các huyện, thành phố vẫn còn nhiều vướng mắc, kéo dài, đã tạo rào cản cho sự phát triển, cần được dứt điểm tháo gỡ.



Khu công nghiệp Yên Quang (TP Hòa Bình) đã có nhà đầu tư hạ tầng, nhưng tiến độ triển khai dự án rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Tại cuộc họp gần đây của UBND tỉnh bàn về giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển các K-CCN trên địa bàn tỉnh đã đánh giá: Hiện nay, quy hoạch các KCN trong tỉnh không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các KCN đều cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Không có quy hoạch khu tái định cư (TĐC) cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các KCN. Nhiều CCN quy mô nhỏ, vị trí quy hoạch không phù hợp.

Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật K-CCN còn chậm. Hầu hết các CCN chưa được đầu tư đồng bộ với cơ sở hạ tầng. Có những K-CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng yếu về năng lực, tài chính, gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, dẫn đến tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, kéo dài, thậm chí có dự án không có khả năng triển khai đầu tư, bị thu hồi. 

Đặc biệt, công tác đền bù, GPMB, thu hồi đất, TĐC gặp nhiều vướng mắc và xảy ra ở nhiều K-CCN. Thời gian thực hiện kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng. Điển hình như KCN bờ trái sông Đà, theo lãnh đạo UBND TP Hòa Bình, hiện vướng mắc lớn nhất là khu đất giao cho nhà đầu tư tiềm năng - Công ty Meiko Electronics Co., Ltd., Nhật Bản. Có 53 hộ đề nghị giao đất nơi ở mới nhưng chưa giải quyết được. 

Chia sẻ về đầu tư hạ tầng các K-CCN, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển công nghiệp, thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường phối hợp các sở, ngành chức năng, huyện, thành phố trong công tác GPMB, nắm bắt năng lực của các nhà đầu cũng như thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Sở rất mong UBND tỉnh có sự chỉ đạo, rà soát để bổ sung, loại bỏ những CCN không còn phù hợp. Thực tế trước đây, có những CCN quy hoạch chưa sát kể cả về lợi thế thương mại lẫn diện tích. Hiện, trong tỉnh có 5/20 CCN đã thành lập nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng, 5 cụm đã có trong quy hoạch nhưng chưa thành lập, vì vậy cần rà soát, tính toán lại, nếu không còn đảm bảo thì có thể loại bỏ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, đến năm 2025, trong tỉnh có 4.600 ha đất K-CCN, nhưng đến thời điểm này, cả tỉnh mới có khoảng 2.300 ha. Chính vì vậy, vừa qua, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các huyện rà soát, tổng hợp, phấn đấu làm sao các huyện bổ sung được 13 CCN để diện tích lên khoảng hơn 1.000 ha, riêng KCN cũng phải có hơn 1.000 ha nữa mới đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Cũng theo người đứng đầu ngành Công Thương, vấn đề GPMB ở nhiều nơi vướng mắc, Sở đang phối hợp với các đơn vị tích cực tháo gỡ. Các nhà đầu tư đã cam kết thực hiện, nếu hết thời gian không đủ năng lực tài chính có thể loại bỏ để có phương án mới. Về năng lực của nhà đầu tư, ngày 17/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3191/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh. Qua đây, chúng ta sẽ lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng đủ tiêu chí. Sau đó, khi thu hút nhà đầu tư thứ cấp, Sở Công Thương sẽ có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo yêu cầu. 

Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật các K-CCN có vai trò hết sức quan trọng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, dần dần tiến tới khi có đủ điều kiện sẽ hạn chế tối đa việc cấp phép ngoài K-CCN, bởi thực hiện dự án ngoài K-CCN ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và phá vỡ quy mô đất đai. Ngoài ra, có K-CCN mới thu hút được các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó tăng thu NSNN, giải quyết việc làm cho người lao động và kéo theo các lĩnh vực khác. Cần xác định phát triển K-CCN là mục tiêu, do vậy, các địa phương chủ động rà soát lại quy hoạch. Nếu có dự án chậm và CCN không có khả năng, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch như các CCN: Tây Phong, An Bình, Phú Thành 1... và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với các K-CCN diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát tiến độ. K-CCN nào đã có nhà đầu tư hạ tầng mà không đảm bảo tiến độ thì mời nhà đầu tư đến ký cam kết. Nếu không cam kết mà quá hạn kiên quyết không gia hạn, muốn được gia hạn tiến độ cần có tiền đặt cọc.

Vướng mắc ở một số dự án cụ thể, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Công tác GPMB KCN bờ trái sông Đà cần được giải quyết dứt điểm, đến ngày 30/4 tới phải xong. Đối với những hộ phải GPMB tuy có đất ở vùng địa phương nhưng không muốn vào, mà muốn ở khu TĐC thì vẫn giải quyết được, điều này không trái với quy định của pháp luật, kể cả trường hợp thiếu tiền sử dụng đất sẽ xem xét cụ thể và có thể cho nợ. Đối với KCN Mông Hóa cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục để giao cho nhà đầu tư, trong tháng 4 tiến hành kiểm đếm, phê duyệt lại phương án. Với KCN Yên Quang, đề nghị rà soát tiến độ, thông báo lộ trình thời gian GPMB, tiến độ cụ thể từng hạng mục. Về tổng thể sẽ không gia hạn, còn nếu có gia hạn phải nộp tiền đặt cọc, tối thiểu là 30% tổng giá trị được Thủ tướng phê duyệt giao cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, Ban quản lý các KCN tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong công tác đầu tư hạ tầng để phát triển công nghiệp. Tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN triển khai thực hiện có hiệu quả việc đền bù GPMB. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về đất đai cho người dân nhằm nâng cao kiến thức, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân có đất nằm trong quy hoạch các KCN, tạo sự đồng thuận về chủ trương phát triển KCN của tỉnh.

 Hoàng Nga

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục