(HBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa tư tưởng hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế HTX. Trong cuốn "Đường cách mệnh”, viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và "Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận HTX đều nằm trong đó.


Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh tại Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, KT-XH còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, phong trào HTX hóa phát triển mạnh mẽ.

Năm 1949, phong trào tổ đổi công được hình thành. Đến năm 1958, Hòa Bình đã tổ chức được 7.162 tổ đổi công. Phong trào tổ đổi công phát triển, nhưng chất lượng không đồng đều vì tư tưởng quần chúng chưa được phát động, ý thức giai cấp chưa xác định rõ ràng, tổ trưởng tổ đổi công phần đông là tầng lớp trên.

Từ yêu cầu thực tiễn của phong trào đổi công, Tháng 5/1958, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng HTX điểm đầu tiên ở xóm Nội, xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay thuộc Kim Bôi). Đây là HTX bậc thấp với 23 hộ, công hữu ruộng đất, thuê trâu bò, qua một vụ thu hoạch, năng suất đạt 32 tạ/ha đã làm cho Nhân dân rất phấn khởi. Thắng lợi bước đầu có tác dụng rất lớn đến phong trào thi đua trong tỉnh, nhiều tổ đổi công muốn tiến lên xây dựng HTX. Qua đó, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để xây dựng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Hòa Bình nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.

Ngày 19/10/1958, lần đầu tiên Bác Hồ chính thức thăm Hoà Bình và nói chuyện với trên 300 cán bộ, bộ đội và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình tại trường hợp tác hoá nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc (Kỳ Sơn),Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của Hòa Bình là "Cố gắng thi đua sản xuất,.. nên tổ chức tốt hơn nữa tổ đổi công và hợp tác xã, vì có như thế tăng gia sản xuất mới có nhiều kết quả..”. Do yêu cầu của quần chúng và để mở rộng phong trào, tháng 11/1958, Tỉnh uỷ quyết định tiến hành xây dựng thí điểm tiếp 16 HTX gồm 616 hộ, trong đó có 7 HTX cấp cao, 2 HTX cấp thấp và 7 HTX công hữu ruộng đất, thuê trâu bò. Sau khi tổng kết 16 HTX thí điểm và mở một lớp bồi dưỡng cho 400 cán bộ phong trào xây dựng HTX vào cuối tháng 12/1958, Tỉnh uỷ đã cho tiến hành mở rộng thí điểm xây dựng HTX.

Đến cuối năm 1960, tỉnh đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, toàn tỉnh có 1.078 HTX với 31.737 hộ, chiếm 86,37% số hộ toàn tỉnh. Trong đó, HTX bậc cao chiếm tới 45% số HTX. Hàng loạt các HTX mua bán và tín dụng được thành lập ở khắp các huyện. Đến cuối năm 1960 đã có 8 cửa hàng mua bán huyện và 55 cửa hàng mua bán ở các xã, thu hút 37.794 xã viên, 123 HTX tín dụng có 41.539 cổ phần.

Phong trào HTX nông nghiệp không ngừng được củng cố luôn giữ được ổn định, ngay cả khi chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến (từ tháng 8/1964 – 12/1965). Cuối năm 1964, tỉnh ta có 86,8% số hộ nông dân vào HTX. Đến đầu năm 1965, có 96% số hộ vào HTX.Trong tỉnh xuất hiện nhiều HTX điển hình tiên tiến, tiêu biểu như: HTX Sấu Lạng, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) - lá cờ đầu về đưa cây màu xuống ruộng một vụ; HTX Phố Cháy - tiêu biểu về trồng gai, xã Liên Vũ (Lạc Sơn)…

Đến ngày 1/9/1969, toàn tỉnh có 86,5% số hộ tham gia vào HTX, trong đó có 45,8% số hộ xã viên tham gia HTX bậc cao. Hòa Bình trở thành tỉnh đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc trong phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp. Tiêu biểu như phong trào làm thủy lợi thi đua với HTX Cặm Cõ (Kim Bôi), trồng cây giữ nước chống xói mòn của HTX Nà Bó (Mai Châu), làm thủy lợi để làm ruộng bậc thang của HTX Ruộng (Đà Bắc) được các nơi hưởng ứng, học tập.

Ngày 1/4/1976, tỉnh Hà Sơn Bình chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hoà Bình. Thi hành nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ về tổ chức lại sản xuất, năm 1976, riêng khu vực kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh chủ trương sáp nhập hàng chục HTX thủ công nghiệp chuyên nghiệp vào HTX nông nghiệp kiêm, để tận dụng lao động nông nhàn và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp lúc thời vụ khẩn trương. Trong nông nghiệp, toàn tỉnh đã tiến hành hợp nhất 467 HTX nhỏ thành HTX có quy mô lớn hơn. Do vậy, số HTX nông nghiệp giảm từ 1.721 HTX vào năm 1975 xuống còn 1.244 HTX vào năm 1976. Trong đó,  khu vực Hòa Bình có 926 HTX, Hà Tây có 318 HTX.  Hầu hết các HTX sau khi đưa lên quy mô lớn đã xác định được phương hướng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm ngành nghề, mở rộng sản xuất.

Từ năm 1976-1979, mặc dù thiên tai gây ra rất nhiều khó khăn nhưng các HTX đã ra sức khắc phục, nên một số mặt sản xuất vẫn được giữ vững và phát triển. Đến tháng 12/1979, toàn tỉnh còn 465 HTX, gồm: 341 HTX quy mô toàn xã, trong chăn nuôi, đàn lợn năm 1979 phát triển khá hơn 2 năm trước. Một số HTX bước đầu đã đi vào kinh doanh nghề rừng. Nhiều HTX  xây dựng được kế hoạch cụ thể hàng năm và từng vụ, phát huy bàn bạc dân chủ trong triển khai thực hiện. Các mặt quản lý như: Quản lý lao động, vật tư, thiết bị, kỹ thuật, vốn... Từ chỗ rong công, phóng điểm đến năm 1978 đã có 90% HTX  xây dựng được định mức lao động.

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 15/10/1980 của Tỉnh ủy về công tác khoán sản phẩm trong HTX nông nghiệp, đến cuối năm 1980 có 90% số HTX ở đồng bằng áp dụng khoán sản phẩm, các huyện miền núi Hòa Bình cũng được chỉ đạo một số HTX làm điểm để rút kinh nghiệm. Đến cuối năm 1982, số HTX thực hiện cơ chế khoán toàn tỉnh lên tới 643 HTX (chiếm 84,3%). Nhìn chung, các HTX khoán sản phẩm đều bảo bảm được 3 lợi ích: Xã viên thu hoạch nhanh, giao nộp đủ sản phẩm, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước.

Năm 1986, các HTX đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi 4 mục tiêu thi đua do UBND tỉnh phát động là "thu chiêm, làm mùa, huy động lương thực, giữ vững đê đập trong mùa bão lũ”. Điển hình như HTX Chiềng Sại (Mai Châu), HTX Bắp Vốc, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn); HTX Liên Sơn (Lương Sơn).

Tuy nhiên, từ sau năm 1986, Đảng, Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, cơ chế sản xuất tập trung, quan liêu bao cấp bị xóa bỏ, cơ chế kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành và xác lập thì có nhiều HTX gặp nhiều khó khăn, thậm chí làm ăn thua lỗ và bị giải thể.

Ngày 1/10/1991, tỉnh Hoà Bình được tái lập, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 16/10/1993, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình được thành lập với tên gọi ban đầu là: Hội đồng lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Hòa Bình. Sau nhiều lần thay đổi, đến nay, tên gọi chính thức của Liên minh là Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình. Từ khi thành lập đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã trải qua 6 kỳ Đại hội.

Từ khi được thành lập cho tới nay, Liên minh HTX tỉnh củng các thành viên đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, gồm: Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, chương trình hành động của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT”; Kế hoạch số 104-KH/TU, ngày 11/9/2014 của BTV Tỉnh uỷ; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 7/11/2018 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả; Kế hoạch số 145/KH-UBND, ngày 16/11/2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 148/KH-UBND ngày 21/11/2018 của UBND tỉnh về phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; Kế hoạch số 162/KH-UBND, ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh về thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX; Kế hoạch số 169/KH-UBND về phát triển HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã giúp kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh ta có bước phát triển mạnh mẽ.

Đến nay, toàn tỉnh có 203 THT và 422 HTX, gồm: 294 HTX nông nghiệp; 97 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp. Các THT và HTX ngày càng được củng cố, đổi mới, phát triển và hoạt động có hiệu quả. Hoạt động của các HTX, THT trong những năm qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nhất là vùng nông thôn, miền núi, ổn định an sinh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới và làm nghĩa vụ với ngân sách địa phương.

Với những cố gắng nỗ lực như trên, trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị thành viên đã được Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam ghi nhận và tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen và nhiều danh hiệu thi đua cao quý.


Trịnh Ngọc Thủy 
(Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh)


Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục