(HBĐT) - Với lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cảnh quan sơn thủy hữu tình, môi trường trong lành, cùng nhiều địa danh nổi tiếng như núi Viên Nam, lòng hồ Hòa Bình, suối khoáng Kim Bôi, Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn)… Hòa Bình được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm nghiên cứu khảo sát, triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Nắm bắt được xu thế phát triển của tỉnh, nhiều cá nhân đã "gom” đất đầu cơ, chờ cơ hội hưởng lợi từ chính sách đền bù. DN đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách tự thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Bài 2: Sớm ngăn chặn tình trạng thu mua đầu cơ đất, nâng giá đền bù 



Giá đất tăng cao khu vực đường 435 tại xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong).

Gom đất chờ cơ hội "ép" nhà đầu tư

Suối Hoa - xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, một phần diện tích nằm trong vùng lõi quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên địa bàn có nhiều dự án du lịch sinh thái đang triển khai, hầu hết đều gặp khó khăn trong GPMB. Dự án khu nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng triển khai. Đây là DN đã triển khai thành công dự án Khu du lịch Serena Resort tại xóm Sào, xã Sào Báy (Kim Bôi) nên từ năm 2018 đã có sự chuẩn bị sớm, phối hợp với chính quyền triển khai công tác GPMB song song với công tác GPMB đường 435. Đến nay đã giải phóng 68,42/100 ha cần GPMB, đạt 65,19% diện tích. Diện tích còn lại 31,94 ha chưa thỏa thuận được với 18 hộ dân, trong đó, diện tích cần GPMB khoảng 20 ha đang gặp khó khăn vì hộ dân đòi đền bù cao. Tìm hiểu được biết, khu vực đang có việc giao dịch ngầm mua gom đất. Nhiều cá nhân đến gom đất, đặt mua, chuyển nhượng đất của các hộ dân với giá trên dưới 400 triệu đồng/ha, nhưng thực tế chỉ đặt cọc một số tiền nhất định, người nọ mách người kia, đẩy giá đất lên cao, dẫn đến loạn giá đất, rất khó khăn cho GPMB. Ông Vũ Minh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Lạc Hồng cho biết: Khu vực xóm Liếm có tới 4 - 5 nhà đầu tư (NĐT) đang triển khai dự án, hầu hết bị chậm tiến độ vì khó GPMB. Nếu không có sự phối hợp tốt để tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách đền bù thì các DN, nhất là các DN đến sau sẽ rất khó triển khai dự án. Nhiều khu vực khác trên hồ Hòa Bình cũng diễn ra hiện tượng mua gom các loại đất. Hiện nay, hầu như chỗ nào cũng đã có chủ, thế nên khi DN nghiên cứu, khảo sát, triển khai dự án đầu tư sẽ rất căng thẳng vì chủ đất đòi hỏi giá đền bù "trên trời". 

Tại xã Cư Yên (Lương Sơn), giá đất cũng đang được đẩy lên ở mức rất cao, nhiều chỗ đất ở tương đương với TP Hòa Bình và các khu vực thị trấn. Một người dân xóm Hang Đồi I cho biết: Từ năm 2019 đã có người đến gom đất, mua đất rừng phòng hộ của nhiều hộ dân trong xóm, tuy nhiên với giá rất rẻ từ 140 - 180 triệu đồng/ha. Hiện nay, người ta tiếp tục mua gom đất rừng và người dân đòi từ 700 - 800 triệu đồng/ha trở lên. Khu vực này đang có nhiều dự án nghiên cứu, nhiều dự án đã đầu tư đang vướng mắc về mặt bằng, do NĐT không thỏa thuận được với hộ dân.

Trên địa bàn xóm Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn), thời gian qua cũng đã "nóng” câu chuyện lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân địa phương, một số cá nhân tuyên truyền, vận động, đặt cọc, thu mua đất. Các cá nhân giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều người dân. Xác định mục đích của việc mua gom đất có mục đích trục lợi, gây khó khăn cho công tác đền bù, GPMB khi NĐT triển khai dự án du lịch tại Đồi Thung, huyện Lạc Sơn đã kịp thời vào cuộc, rà soát, chỉ đạo các giải pháp tăng cường QLNN về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT chiến lược thực hiện các dự án, nhất là công tác GPMB, quản lý tốt đất đai, tài nguyên, không để xảy ra tình trạng mua bán trái phép. Hành động cụ thể của huyện Lạc Sơn đã tạo được lòng tin của NĐT. Họ bày tỏ quyết tâm khởi công dự án du lịch Đồi Thung vào cuối năm nay và hoàn thành trong 2 năm tới. Việc làm này đã giúp huyện Lạc Sơn thu hút thêm được nhiều NĐT lớn triển khai các dự án.

Ngành chức năng và các địa phương thống nhất, nhiều dự án đang bị chậm so với tiến độ. Nguyên nhân là một số NĐT không đủ năng lực dẫn đến thời gian xây dựng kéo dài, không đưa đất vào sử dụng hoặc không sử dụng hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và làm mất cơ hội của các NĐT khác. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và NĐT trong GPMB còn nhiều hạn chế; giá đền bù đất tại khu vực lòng hồ, đặc biệt là khu vực lõi lòng hồ tăng nhanh, mạnh, gây khó khăn cho NĐT khi thỏa thuận chuyển nhượng sử dụng đất. Sở KH&ĐT đang phối hợp tham mưu đề xuất UBND thu hồi các dự án không triển khai để nhường đất cho các NĐT có năng lực triển khai dự án. 

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các dự án đầu tư. Chỉ đạo thành lập tổ công tác giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đất đai, mặt bằng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án quan trọng để sớm khởi công trong năm 2021. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 548-CV/VPTU, ngày 19/3/2021 gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB. Công văn nêu rõ, trong quá trình thực hiện GPMB, rất nhiều NĐT gặp khó khăn nhận chuyển nhượng đất với các hộ dân. Tình trạng một số cá nhân mua gom, đầu cơ đất để ép giá NĐT phải trả giá cao diễn ra ở nhiều nơi, trong khi đó, người dân có đất không được hưởng lợi, làm nhiễu loạn giá thỏa thuận chuyển nhượng, nản lòng NĐT và làm xấu môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh.

Xác định công tác GPMB là điểm nghẽn của tỉnh cần được tháo bỏ để phát triển KT-XH, với quan điểm khẩn trương, tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, giữ chân được các NĐT có tiềm năng và rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác GPMB. Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố có biện pháp giải quyết khó khăn trong nhận chuyển nhượng đất giữa các NĐT và các hộ dân theo hướng NĐT có trách nhiệm nộp đủ số tiền GPMB; địa phương có trách nhiệm thực hiện các thủ tục, chính sách, giải pháp để người dân chấp nhận chuyển nhượng đất với mức giá ngang bằng với trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, vận dụng các chính sách pháp luật, tham mưu, hiến kế khắc phục điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; thể hiện vai trò lãnh đạo và quyết tâm của hệ thống chính trị. Trong giải pháp cần đưa thêm yêu cầu và trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đoàn thể để Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo thực hiện. Nội dung, giải pháp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 14/4/2021. 

Tại Văn bản số 424/UBND-TNTN, ngày 24/3/2021 của UBND tỉnh gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Đất đai nhằm tăng cường an ninh trật tự công tác QLNN về đất đai trên địa bàn, đặc biệt đối với công tác quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư tại các địa phương.


Lê Chung


Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục