(HBĐT) - Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án triển khai bảo đảm tiến độ cam kết. Đồng thời, rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không triển khai, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực đất đai và mất cơ hội của các nhà đầu tư (NĐT) có năng lực khác, làm ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư của tỉnh.


 

Dự án khu du lịch sinh thái đa năng hồ Dè - núi Đúng thuộc phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) của Công ty CP TM&DV du lịch Thiên Anh cải tạo dòng suối ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Tính đến hết tháng 2/2021, trên địa bàn tỉnh có 653 dự án đầu tư (DAĐT) vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực hoạt động. Trong đó có 41 DAĐT nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 595,5 triệu USD và 612 DAĐT trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.806 tỷ đồng. Cụ thể, có 329 DAĐT đã hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), chiếm 51,41% tổng số dự án (trong đó có 21 dự án ngừng hoạt động SXKD) và 324 DAĐT chưa hoàn thành, hiện đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư thi công xây dựng. Trong 324 DAĐT chưa hoàn thành, có 126 DAĐT trong diện chậm tiến độ, gồm: 10 dự án nhà ở thương mại, 5 dự án trong cụm công nghiệp (CCN), 8 dự án trong khu công nghiệp (KCN) và 103 dự án ngoài khu, CCN.

Trong số các dự án chưa hoàn thành có 103 dự án chậm triển khai (gồm: 2 DAĐT nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,38 triệu USD và 101 DAĐT trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8.699 tỷ đồng; tổng diện tích đất đăng ký sử dụng của các dự án chậm tiến độ khoảng 11.262 ha). Cụ thể, có 37 DAĐT lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (1 DAĐT khai thác khoáng sản, 33 DAĐT sản xuất công nghiệp, 3 DAĐT xây dựng hạ tầng); 43 DAĐT lĩnh vực dịch vụ - thương mại (42 dự án dịch vụ - thương mại, 1 dự án du lịch); 19 DAĐT lĩnh vực nông nghiệp (16 DAĐT sản xuất nông nghiệp, 1 dự án trồng rừng, 2 dự án sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái); 2 DAĐT lĩnh vực công nghệ sinh học, đào tạo. Địa phương có nhiều DAĐT chậm tiến độ nhất là huyện Lương Sơn với 31 dự án; tiếp theo là TP Hòa Bình 24 dự án; huyện Lạc Thủy, Tân Lạc mỗi huyện có 9 dự án; huyện Kim Bôi, Cao Phong mỗi huyện có 8 dự án; huyện Mai Châu có 6 dự án; huyện Yên Thủy có 4 dự án; huyện Lạc Sơn có 3 dự án; huyện Đà Bắc có 1 dự án. Tỷ lệ trung bình của các dự án chậm tiến độ so với số dự án còn hiệu lực hoạt động tại các huyện, thành phố khoảng 19,09%; trung bình mỗi huyện, thành phố có 10 dự án chậm tiến độ. Qua kiểm tra thực tế và rà soát hồ sơ của 103 dự án nêu trên, có 50 án chưa được NĐT thực hiện thủ tục hành chính (các thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đánh giá tác động môi trường...), 53 dự án đã được NĐT thực hiện từ 1 thủ tục hành chính trở lên sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án là do thủ tục hành chính mất nhiều thời gian. Một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... chưa thống nhất, chồng chéo, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước, NĐT trong quá trình thực hiện. Năng lực tài chính, kinh nghiệm của một số NĐT không đảm bảo theo các nội dung đã cam kết. NĐT không tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các thủ tục xây dựng, đất đai, môi trường để triển khai dự án theo quy định. Một số NĐT có biểu hiện xin chấp thuận dự án sau đó chuyển nhượng nhằm mục đích kiếm lời. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt hỗ trợ NĐT công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện DAĐT. Các cơ quan Nhà nước còn chậm trễ trong việc giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các NĐT. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án của các cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao, việc đề xuất xử lý và xử lý sai phạm của NĐT chưa được thực hiện triệt để.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất đai và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NĐT; tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi dự án đối với trường hợp quá thời gian cam kết nhưng không triển khai, không thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Các ngành chức năng đã đề xuất tỉnh cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh đối với 40 DAĐT và giao cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động 63 DAĐT; điều chỉnh tiến độ 10 DAĐT xây dựng nhà ở thương mại, 8 DAĐT trong các KCN, 5 DAĐT trong CCN.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố kịp thời cập nhật quy định mới trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng; tham mưu UBND tỉnh thực hiện cụ thể hóa các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh... Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các hồ sơ, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan. Tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm, tập trung giải quyết "điểm nghẽn” trong GPMB các DAĐT; làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ bị ảnh hưởng chấp hành chủ trương đầu tư và chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư của các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có diện tích sử dụng đất lớn, có nhiều hộ bị ảnh hưởng; kịp thời giải quyết những khiếu kiện, khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai; đặc biệt tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Các NĐT phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, sớm triển khai các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án chậm tiến độ so với cam kết để sớm hoàn thành đưa dự án vào sử dụng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành nghiên cứu, ban hành quy định về việc phân cấp quản lý đối với các DAĐT vốn ngoài ngân sách. Nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định, lựa chọn DAĐT; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện mà không có giải pháp khắc phục đẩy nhanh tiến độ.

 

Lê Chung

 


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục