(HBĐT) - Lãng phí lâu nay được định nghĩa là việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.

Tuy vậy, lâu nay còn tồn tại nhiều loại lãng phí có thể đã vượt qua cách hiểu trên đây và Sổ tay người giám sát xin đề cập đến hai loại lãng phí trong công tác quản lý ít được đề cập hơn, khó nhận diện hơn vì tính vĩ mô và trừu tượng nhưng tác hại thì không hề nhỏ, đó là tình trạng dàn trải trong xây dựng, ban hành chính sách và manh mún trong thu hút đầu tư.

Xây dựng, ban hành chính sách là công việc của Nhà nước (bao gồm T.Ư và các cấp địa phương) để thể chế hoá các chủ trương lãnh đạo của Đảng trong từng lĩnh vực, đối tượng và xác định mục tiêu thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường là theo nhiệm kỳ hoặc theo giai đoạn dài hơn. Và việc này là cần thiết để chủ trương của Đảng được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, việc ban hành nhiều chính sách được chứa đựng trong các đề án, nghị quyết mà không tính toán, cân đối đầy đủ nguồn lực để thực hiện lại là một vấn đề khác. Do không có, không đủ nguồn lực nên có chính sách ban hành nhưng không được triển khai thực hiện, đó là một lãng phí về thời gian, công sức khi xây dựng, ban hành chính sách; có chính sách được bố trí nguồn lực ở mức khiêm tốn nên không được triển khai đầy đủ trên thực tế, lãng phí công sức, tiền bạc; có chính sách không được bố trí thoả đáng, kịp thời nguồn lực nên không phát huy hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra. Như vậy, những chính sách đó không chỉ lãng phí tiền của, công sức, đôi khi lãng phí cả uy tín của các cơ quan ban hành và thực thi, vì những chính sách được thực hiện một cách dang dở, nhất là chính sách mà đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, người dân.

Câu chuyện là thế, nhưng với những lý do khác nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị vẫn trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới với nhiều luận cứ xác đáng và rất thuyết phục, chỉ ngặt nỗi khi tính toán nguồn lực để thực hiện thì lại… tắc. Vì kế hoạch tài chính, ngân sách, kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2020 - 2025 đã được quyết định từ đầu kỳ, trong đó, nhiều chính sách mới ban hành không được bố trí trong dự toán, vì thế đôi khi bố trí nguồn lực cho các chính sách mới ban hành là một thách thức, thậm chí không muốn nói là việc bất khả thi. Thiết nghĩ, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì nên rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả những chính sách đã ban hành, mà không nhất thiết ban hành chính sách mới, đó cũng là cách làm thận trọng và thiết thực đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nói về thu hút đầu tư, thực ra câu chuyện này không có gì là mới, và đối với tỉnh còn nghèo như Hoà Bình thì cứ có người (cả trong và ngoài tỉnh) chịu bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh là quý rồi vì "dân giàu, tỉnh mạnh”. Với lợi thế là tỉnh có không gian phát triển, chính sách thu hút đầu tư khá thông thoáng và như là "đất lành, chim đậu”, nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ đã để mắt tới tiềm năng, thị trường của tỉnh để tính kế làm ăn. Và như một làn sóng, nhiều vùng đất trong tỉnh đang trở nên "nóng” vì sự nhộn nhịp các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch. Cũng vì ồ ạt xuất hiện các nhà đầu tư ngoài tỉnh và sự trỗi dậy của các nhà đầu tư trong tỉnh, nên cũng xuất hiện không ít nhà đầu tư không có năng lực thực và nhu cầu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Môi trường đầu tư cũng xuất hiện hiện tượng không lành mạnh như trùng dẫm, chồng chéo địa điểm khảo sát xây dựng dự án, chia lẻ, xé nhỏ, phá vỡ quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai, thậm chí "xí phần để đấy” hay đăng ký để "nghiên cứu”. Có không ít đề xuất dự án đầu tư có xu hướng lướt sóng, đón đầu các dự án đầu tư hạ tầng từ đầu tư công, nhằm tăng khả năng sinh lợi từ quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng dự án. Kèm theo đó là những đề xuất ồ ạt xin chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, thu hồi đất, giao cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất "ảo”, làm phát sinh khối lượng lớn các thủ tục hành chính đối với các cơ quan Nhà nước ở địa phương và T.Ư.

Cần có cơ chế sàng lọc để chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực, thực tâm đầu tư, kinh doanh tại tỉnh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển chung của tỉnh là việc làm cần thiết hiện nay. Các cấp, ngành, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng, chuyển đổi, thu hồi đất đai đảm bảo tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài nguyên cả hữu hình, vô hình, không để lãng phí cơ hội, nguồn lực, tiềm năng, lợi thế trong điều kiện phát triển mới của tỉnh ở cả hiện tại và trong tương lai.


N.T.S

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục