(HBĐT) - Qua thống kê của đợt Tổng điều tra kinh tế năm 2021 vừa kết thúc cho thấy vị trí, thực trạng của khối doanh nghiệp (DN) tỉnh còn khá hạn chế so với cả nước cũng như các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Theo đó, quy mô của cơ sở kinh tế tỉnh được cho khá nhỏ, nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ chiếm 92,72%, DN có quy mô vừa chiếm 4,14%, DN có quy mô lớn chiếm 3,14%.


Đoàn công tác Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thu thập số liệu tại địa bàn thị trấn Bo (Kim Bôi).

Tính đến thời điểm Tổng điều tra kinh tế năm 2021, toàn tỉnh có 1.909 DN thực tế đang hoạt động có kết quả SX-KD, tăng 11,51%, tăng 197 DN so với năm 2016. Trong đó có 1.155 DN siêu nhỏ; 615 DN nhỏ; 79 DN vừa và chỉ có 60 DN lớn. Số lao động làm việc trong các DN 50.520 lao động, tăng 9,91% so với năm 2016. Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm số DN tăng 2,72%, số lao động tăng 2,39%.

Phân theo loại hình DN, DN Nhà nước 7 đơn vị (Nhà nước T.Ư 1; Nhà nước địa phương 6 đơn vị); DN ngoài Nhà nước 1.870 đơn vị, chiếm 98%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 32 đơn vị, chiếm 1,7%. Về phân bổ lao động, lao động khu vực DN Nhà nước 828 lao động, chiếm 1,64%; lao động trong khu vực DN ngoài Nhà nước là chủ yếu với 31.590 lao động, chiếm 62,53%; DN FDI có 18.102 lao động, chiếm 35,83%.

Phân theo ngành kinh tế, DN hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng 932 DN, chiếm 48,8% so tổng số và bằng 116,94% so với năm 2016; ngành dịch vụ 885 DN, chiếm 46,4% so tổng số và bằng 107,27% so với năm 2016; ngành nông nghiệp 92 DN, chiếm 4,8% so tổng số và bằng 102,22% so với năm 2016.

Về lao động chia theo ngành kinh tế, lao động DN ngành công nghiệp - xây dựng 39.240 lao động, chiếm 77,67% và so với năm 2016 bằng 116,38%; lao động DN ngành dịch vụ 9.852 lao động, chiếm 19,5% và so với năm 2016 bằng 93,9%; lao động DN ngành nông nghiệp 1.406 lao động, chiếm 2,78% và so với năm 2016 bằng 80,16%.

So với năm 2016, số DN Nhà nước giảm 6 DN, đạt 53,85%; DN ngoài Nhà nước tăng 197 DN, đạt 111,78%; DN FDI tăng 6 DN, đạt 123,08%. Về lao động so với năm 2016, số lao động khu vực DN Nhà nước giảm 906 lao động, đạt 47,75%; số lao động DN ngoài Nhà nước tăng 3.044 lao động, đạt 110,66%; lao động khu vực FDI tăng 2.419 lao động, đạt 115,42%.

Về quy mô lao động của DN, theo số liệu tổng điều tra, bình quân có 26,5 lao động/DN, giảm 0,3 lao động/DN so với năm 2016, số lượng lao động bình quân 1 DN giảm nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN bị ảnh hưởng chuỗi cung ứng, tiêu thụ giảm sút làm cho số công nhân lao động trong các DN giảm, giảm nhiều nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, lao động bình quân DN Nhà nước 118 người/DN, giảm so với cùng kỳ 17,8% (giảm 26 người); lao động ở DN ngoài Nhà nước 17 người/DN, giảm 10,1% so với cùng kỳ (giảm 2 người); lao động DN FDI 566 người/DN, giảm 6,1% (giảm 37 người).

Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, tổng nguồn vốn và tổng tài sản của DN toàn tỉnh đến thời điểm 31/12/2020 trên 74,9 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn và tài sản bình quân 1 DN trên 39,2 tỷ đồng.

Xét quy mô lao động và vốn của DN, DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phần lớn thuộc nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ, với 1.770 DN, chiếm 92,72%; DN có quy mô vừa chiếm 4,14%, DN có quy mô lớn chiếm 3,14%.

Tổng doanh thu thuần của các DN toàn tỉnh đạt trên 45,5 nghìn tỷ đồng, doanh thu thuần bình quân của 1 DN gần 23,9 tỷ đồng; DN hoạt động có lãi 793 DN, chiếm 41,54%, lãi bình quân 1 DN gần 1,2 tỷ đồng; DN hoạt động lỗ 856 DN, chiếm 44,84%, lỗ bình quân 1 DN trên 1,1 tỷ đồng; DN hoạt động không lãi, không lỗ 260 DN, chiếm 13,62%.

Từ việc thống kê lợi nhuận của các DN sau khi bù trừ tính toán các khoản lỗ lãi cho thấy, nguồn thuế thu nhập của DN trên địa bàn tỉnh hầu như không đáng kể nếu như không muốn nói đến hai từ "thất thu".

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Văn Thạch, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các cơ sở kinh tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 còn không ít khó khăn, hạn chế, như tốc độ tăng số lượng cơ sở kinh tế trên địa bàn tỉnh có xu hướng chững lại trong các năm gần đây, nhất là đối với khu vực DN - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị tổng kết Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 của tỉnh mới đây đã đưa ra một con số đủ làm "giật mình" những người có trách nhiệm và tâm huyết với phát triển DN. Theo đó, tốc độ tăng số lượng DN tỉnh thấp xa so với trung bình cả nước và của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cụ thể, tỉnh tăng 2,72%/năm, cả nước 7,9%/năm, vùng trung du và miền núi phía Bắc 9,4%/năm.

Bên cạnh đó, DN có vai trò chủ đạo thu hút lao động nông nghiệp, tốc độ tăng số lượng DN thấp làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Tổng số lao động DN thu hút đạt 50.520 lao động, chiếm 10% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế.

Đối với thu hút DN đầu tư nước ngoài (DN FDI) đạt kết quả chưa như mong muốn. Hiện chỉ có 32 DN FDI đang hoạt động, tăng 6 DN so với năm 2016 (tốc độ tăng số DN FDI cả nước đạt 12,2%/năm).

Thống kê cũng cho thấy quy mô của cơ sở kinh tế tỉnh ta nhỏ, nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ chiếm 92,72%; DN có quy mô vừa chiếm 4,14%, DN có quy mô lớn chiếm 3,14%. Kết quả sản xuất chưa cao. DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Theo đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông qua số liệu về kết quả thống kê sơ bộ về Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cho thấy khối DN trên địa bàn tỉnh đa phần là siêu nhỏ và nhỏ, chủ yếu hoạt động dựa trên nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Cùng với đó, tài sản và nguồn vốn hoạt động của DN chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng SX-KD, nâng cao sức cạnh tranh với thị trường.

Do đó, để khối DN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, từ những số liệu qua đợt Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là căn cứ để tỉnh có những hoạch định chính sách sát với thực tế hơn trong hỗ trợ phát triển DN trên tinh thần nâng cao về chất. Đồng thời, tập trung mạnh mẽ hơn trong đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, xúc tiến và đẩy mạnh thu hút đầu tư hơn nữa các DN trong và ngoài nước, trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước được tăng trưởng bền vững trong tương lai.


Hồng Trung


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục